Xoá nghèo vững chắc
Các Website khác - 17/09/2005

SỰ KIỆN & BÌNH LUẬN
Xoá nghèo vững chắc

Lê Thanh Phong

Báo cáo "Việt Nam thực hiện các mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ" - công bố sáng ngày 16.9 tại Hà Nội nêu số liệu VN đã giảm trên 60% số người nghèo. Kết quả này có được nhờ quá trình thực hiện chiến lược xoá đói giảm nghèo và giải quyết việc làm trong 10 năm qua. Cụ thể hơn, tỉ lệ nghèo theo chuẩn quốc tế đã giảm mạnh từ 58,1% năm 1993 xuống 24,4% năm 2004, tương đương với 60% số hộ nghèo. Ông Phan Quang Trung - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư phát biểu tại lễ công bố rằng, xoá đói giảm nghèo là một trong những thành công lớn nhất của quá trình phát triển xã hội ở VN từ đầu thập niên 1990 đến nay. Điều này, phản ánh diện mạo của một nền kinh tế được cải cách khá toàn diện.

Ghi nhận thành công, nhưng điều đó không có nghĩa là đã hoàn toàn thoát nghèo. VN vẫn nằm trong danh sách những nước nghèo, mức thu nhập bình quân đầu người/năm rất thấp, cách quá xa so với các nước trong khu vực. Có xoá được nghèo, nhưng cái nghèo vẫn đang đeo đẳng. Người dân những vùng nông thôn, miền núi như Tây Bắc, Tây Nguyên, Đông Bắc Bộ vẫn sống trong cảnh rất nghèo. Những hộ có nhích lên thì cũng chỉ nằm cận chuẩn của mức nghèo, có thể tái nghèo khi có đột biến trong đời sống hoặc thiên tai. Ngay tại các thành phố, luôn xuất hiện một bộ phận người nghèo, sống thiếu thốn, xa lạ với các dịch vụ chăm sóc y tế, giáo dục trung bình của thị thành.

Cùng với những người lao động tự do, một bộ phận rất lớn công nhân làm việc trong các nhà máy, khu công nghiệp cũng chỉ ở cận trên ranh nghèo và có thể "rớt" hạng. Thu nhập của người lao động ở khu vực này thấp, khó đủ chi phí cho nơi ăn, chốn ở.

Chính phủ VN thừa nhận thành tựu xoá đói giảm nghèo vẫn chưa vững chắc. Rõ ràng, những nỗ lực của Chính phủ, những chính sách tốt đẹp của Nhà nước luôn gặp phải các lực cản ngay chính trong đội ngũ thực hiện. Hãy thử so sánh, thu nhập bình quân đầu người năm 2004 chỉ mới 560USD, trong khi số tiền thất thoát do tiêu cực trong kinh tế còn lớn, làm hạn chế tốc độ phát triển của đất nước. Đây cũng là một trong những yếu tố kìm hãm sự bứt phá để thoát nghèo. Chính vì điều đó, nên VN quyết tâm xây dựng Luật Phòng, chống tham nhũng, nhằm xây dựng bộ máy hành chính nhà nước cũng như một nền kinh tế lành mạnh, làm nền tảng vững chắc để xoá đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu. Với những chính sách phát triển kinh tế - xã hội đúng đắn, sự cải cách và mở cửa nền kinh tế như thời gian qua, cho thấy số phần trăm người nghèo còn lại sẽ được thu nhỏ nhanh hơn. Mục tiêu đặt ra là trong tương lai gần nhất, VN không còn tên trong danh sách những nước nghèo, phải chìa tay nhận sự trợ giúp, không phải làm lễ công bố rằng xoá được nghèo mấy chục phần trăm như hiện nay.