Nên đưa hình ảnh thực về TNGT làm tranh cổ động?
Các Website khác - 17/09/2005

(VietNamNet)- Tranh cổ động an toàn giao thông hiện nay mang tính chất “xây” nhiều hơn “chống”. Nên chăng đưa những hình ảnh ghê sợ khiến người xem sợ?

Trước thực trạng số người chết vì TNGT ở Việt Nam khá cao, tổ chức Handicap International (Tổ chức quốc tế Phục hồi chức năng người tàn tật có trụ sở tại Bỉ) cho rằng mọi hoạt động góp phần cải thiện an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy chỉ có hiệu quả khi được quần chúng ủng hộ. Chính bởi vậy, việc tuyên truyền, trong đó có mảng vẽ tranh cổ động, là yếu tố tiên quyết nhằm hỗ trợ các hoạt động khác.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến của các nhà chuyên môn cho rằng, tranh cổ động an toàn giao thông hiện nay mang tính chất “xây” nhiều hơn “chống” và thương được thực hiện bởi một bộ phận chuyên môn. Do đó, chỉ có tác động đến một bộ phận tham gia giao thông không phù hợp với đại bộ phận quần chúng.

Soạn: AM 550212 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Những hình ảnh chết chóc như thế này có nên đưa vào làm tranh cổ động an toàn giao thông?

Ông Ngô Thúc Tỉnh, điều phối viên tổ chức Handicap International cho biết, ở Pháp, 10% poster là những hình ảnh thật, chụp hiện trường các vụ TNGT, trong đó ghi rõ tên, lỗi của người gây ra tai nạn. Ông Tỉnh nói: “ Nên chăng tranh cổ động nên đưa ra những hình ảnh thảm khốc khiến người tham gia lưu thông sợ từ đó có ý thức trong việc đảm bảo an toàn giao thông?”.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Đông, họa sĩ, thạc sĩ nghệ thuật, nhà giáo ưu tú trường Đại học Mỹ thuật TP lại có ý kiến ngược lại. Theo ông Đông, không nên đưa những cảnh “đầu rơi, máu chảy” ra trước công chúng nhiều quá vì dễ gây tâm lý bất an cho người xem.

Ông Patrick Le Folcavez- Giám đốc Tổ chức quốc tế Phục hồi chức năng người tàn tật nói: Ở Châu Âu, những poster tuyên truyền về an toàn giao thông tương đối đẹp. Nhưng khi số vụ TNGT ở đây ngày càng tăng thì nội dung những poster ấy đánh mạnh vào thị giác người đi đường bằng cách đưa ra những hình ảnh thảm khốc trong các vụ TNGT.

Mục tiêu của họ là muốn người xem nhìn rõ sự thật. Số vụ TNGT ở TP.HCM còn khá cao. Nên chăng đưa những hình ảnh thật do TNGT gây ra khiến cho người tam gia lưu thông “sợ” hay không?. “Đường phố gây chết người- đó là sự thật mà chúng ta không thể dấu mà ngược lại cần phổ biến cho mọi người thấy và đề phòng”- ông Patrick nói.

Theo số liệu của Ban An toàn giao thông thành phố, số nạn nhân do tai nạn giao thông (TNGT) ở Việt Nam còn cao hơn nạn nhân chiến tranh Irak hay cơn bão Katrina (22 ngàn người chết, 23 ngàn người bị thương). Người ta gọi đó “hiểm họa thầm kín”.

Riêng tại TP.HCM, số vụ tai nạn giao thông (TNGT) tại chiếm đến 9% so với cả nước. Tình trạng tồi tệ đến nỗi, Bệnh viện Chợ Rẫy, nơi tập trung hầu hết những vụ TNGT nghiêm trọng đã so sánh TNGT như thảm họa chiến tranh.

Sáng ngày 16/9, Handicap International phối hợp với Ban an toàn giao thông thành phố, Sở Văn hóa thông tin phát động cuộc thi sáng tác tranh cổ động an toàn gia thông lần thứ nhất trong phạm vi toàn quốc.

Nội dung tranh cổ động biểu dương người tốt, việc tốt, chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông, đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, đường thuỷ, đường sắt. Phê phán những hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông như: say rượt, lạng lách, lấn tuyến, vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm khi đi môtô, xe gắn máy theo quy định. Ban tổ chức khuyến khích tranh vẽ có những khẩu hiệu cổ động ngắn gọn, tính thuyết phục cao.

Đối tượng dự thi bao gồm các họa sĩ chuyên nghiệp, không chuyên nghiệp trên phạm vi toàn quốc. Các hoạ sĩ tham gia dự thi với số lượng tranh không hạn chế bằng hình thức vẽ tay, kỹ thuật vi tính, khổ tranh từ 50cm x 75cm đến 60cm x 90cm.

Tổng số tiền thưởng và tiền nhuận tranh là 41 triệu đồng gồm: 1 giải nhất (8 triệu đông), 2 giải nhì (5 triệu đồng), 3 giải ba (2 triệu đồng)… tác phẩm tham gia triễn lãm được trả tiền nhuận tranh là 200.000đồng.

Thời hạn cuối nhận tác phẩm dự thi là ngày 21/11/2005 và sẽ tổng kết trao giải, triễn lãm tranh đạt giải vào ngày 1/12/2005.

Địa điểm nhận tác phẩm dự thi: Phòng nghiệp vụ Trung tâm thông tin triễn lãm thành phố- 97 Phó Đức Chính, Q1, điện thoại: 08.8230309.

  • Trần Duy