20 năm tới, 2 triệu nam giới VN khó tìm vợ?
Các Website khác - 24/11/2008

Xu hướng sinh ít con và tìm cách sinh con trai đã đẩy chỉ số giới tính khi sinh lên thành 112 nam/100 nữ, khiến hàng triệu đàn ông Việt Nam đối mặt nguy cơ không tìm được vợ trong tương lai.

 

Nam thừa - nữ thiếu: tình trạng đáng báo động chưa thể giải quyết. Ảnh: N.Hưng

Theo Tổng cục Dân số, tỷ lệ sinh trên cả nước chỉ tăng 2% trong vòng 20 năm qua nhưng cả nước đã có hơn 16 tỉnh, thành có tỷ lệ giới tính cao đến mức báo động. Tỷ lệ trung bình trên toàn quốc lên tới 112 bé trai trên 100 bé gái và đang tiếp tục gia tăng. Trong vài năm tới tỷ lệ này có thể lên đến 115 nam/100 nữ; ở một số địa phương tỷ lệ trẻ em nam/trẻ em nữ lên tới 120/100 (năm 2005 trung bình 105/100).

Nếu tình hình này không thay đổi, đến năm 2025, Việt Nam sẽ có khoảng 2 triệu nam giới… ế vợ do thiếu nữ.

Dù cố gắng rất nhiều, dường như khoa học và kinh nghiệm chưa tác động là bao đến việc lựa chọn giới tính cho đứa con tương lai trong các gia đình. Chưa bao giờ vợ chồng chủ động “lên kế hoạch” sinh con theo ý muốn mà bảo đảm thành công 100%.

Tác động đến việc chọn giới tính trước hết là các quan niệm xã hội. Từ hàng nghìn năm, tư tưởng trọng nam khinh nữ phát huy tối đa tác dụng. Có thể ban đầu, do cấu tạo bộ xương và cơ bắp, người đàn ông có sức khoẻ hơn, cáng đáng được việc nặng nhọc kiếm tiền nuôi gia đình và vì thế nhà nào cũng thích sinh con trai.

Sau này, đặc biệt ở phương Đông, các cụ quan niệm con trai mới là người nối dõi. Làm dòng họ mình nối tiếp đời đời. Chẳng thế mà “bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại” (có ba điều bất hiếu, không có con nối dõi là lớn nhất), rồi “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” (một con trai cũng là có, mười con gái cũng là không). Bạn đã xem số tử vi bao giờ chưa? Dù có cả chục con, nhưng toàn con gái, thầy tử vi vẫn điềm nhiên phán “nhà này hiếm con lắm đây!”.

Ở một số “quốc gia dầu mỏ” Trung Đông, tỷ lệ nam/nữ đặc biệt cao: ở Barhain 135%, Oman 113%, Qatar 184%, Arap xêut 115%, Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất 194%. Con số này không phải tỷ lệ ở trẻ sơ sinh mà là tỷ lệ nói chung trong toàn quốc. Sự chênh lệch quá đáng có nguyên nhân: do thiếu lao động trầm trọng, họ chấp nhận cho nhập cư lao động nam từ các nước châu Á đang thừa thãi để làm việc trong các ngành mà những “ông chủ” giàu có trên bể dầu không thèm động tay, chứ đây không phải là tỷ lệ giới tính tự nhiên.
Tại những nước thế giới thứ ba, khi áp dụng Luật Sinh đẻ có kế hoạch, mỗi gia đình chỉ được có một con, thì tất nhiên việc lựa chọn giới tính nhằm vào bé trai. Nhà nào, dòng họ nào cũng cố dựng lên một cậu ấm để giữ gìn hương hoả của tổ tiên, cứ đẩy tỷ lệ này lên cao mãi.

Ngược lại, ở phương Tây lại xảy ra tình trạng “âm thịnh dương suy”. Về chủ quan, việc kết hôn ngày càng muộn màng được tính là nguyên nhân đầu tiên. Rồi bệnh tật (càng ngày càng có vẻ nhiều lên) cũng “ủng hộ” khuynh hướng hình thành giới tính nữ, trong đó thường kể đến bệnh về máu, bệnh viêm gan, viêm tinh hoàn ở nam giới, xơ cứng động mạch.

Thụ thai trong ống nghiệm không bị loại trừ về sự đóng góp. Các hoá chất dùng làm thuốc men, dư lượng thuốc tránh thai, hoá chất dùng trong thực phẩm, trong các đồ dùng sinh hoạt gia đình có vai trò đáng ngờ trong việc làm tăng tỷ lệ nữ nhưng chưa đủ số liệu chứng minh, trừ một số kết luận như thuốc trừ sâu ở Hà Lan, dioxin ở Ý.

"Dương thịnh": Tương lai nguy hiểm

Trong hiện tượng mất cân bằng tỷ lệ giới tính tự nhiên, tình trạng nữ trội lên chưa đáng quan ngại vì chênh lệch không nhiều nhưng nam trội lên buộc người ta phải quan tâm đúng mức.

Khoa học phát triển, cho phép “nhìn” được đứa bé trong bụng bằng siêu âm màu ba chiều. “Hội nghị gia đình” ra quyết định: là con trai thì giữ lại bằng bất cứ giá nào, còn con gái thì khỏi phải suy nghĩ, loại bỏ ngay từ lúc chưa ra đời. Và khi đã trót oe oe, thì tàn nhẫn hơn nữa, họ thủ tiêu những bé gái. Nạn “giết trẻ em” - tất nhiên toàn bé gái - cả Trung Quốc lẫn Ấn Độ buộc phải thừa nhận (China Daily 23/1/2007), mà không có số liệu nào ghi lại được có bao nhiêu nạn nhân.

Ba chục triệu chàng trai sẽ không có vợ ở Trung Quốc, vài chục triệu khác ở Ấn Độ, rồi Indonesia, Bangladesh… là chuyện chẳng thể bỏ qua, vì nó sẽ ảnh hưởng tới ổn định xã hội.

 

Chỉ sau vài thế hệ đã đủ xảy ra tình trạng như ở Trung Quốc hiện nay, “6 người chăm sóc 1 người” (ông bà nội, ông bà ngoại, bố mẹ xoay quanh một tiểu hoàng đế làm trung tâm) là chuyện phổ biến. Cậu bé được nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa, thừa dinh dưỡng, béo phì và được chiều chuộng, mỗi đòi hỏi là một thánh chỉ, trở nên nhõng nhẽo, ít tính tự lập, tự tin và tâm lý phát triển không bình thường; chưa kể đến các bệnh tật do cái trọng lượng “sumô” mang lại. Lớn lên cậu làm thế nào để xoay sở đi tìm vợ đây…

Thế là, phụ nữ trở thành một “món hàng” hiếm, bị mua đi bán lại (nhất là khi họ xuất thân từ những gia đình quẫn bách ở nông thôn), kể cả mua bán qua các quốc gia.

Cân bằng giới... "nửa vời"

Trung Quốc đã ra sức đả phá quan niệm “trọng nam khinh nữ” tồn tại ngàn đời trên quan niệm Khổng Giáo. Khi nhận thấy tỷ lệ quá chênh lệch, Nhà nước Trung Quốc đã phát động những chiến dịch “Hãy chăm sóc bé gái” từ năm 2000, kết hợp với việc thực hiện triệt để bình đẳng giới, có chính sách trợ cấp cho các gia đình ở nông thôn sinh con gái, khuyến khích kết hôn muộn, mạnh tay với việc buôn bán phụ nữ, nghiêm cấm việc dùng siêu âm để xác định giới tính rồi sàng lọc thai nhi... Những biện pháp “liên hoàn” ấy đã phần nào khắc phục được "mối nguy hiểm tiềm ẩn” đã được nói công khai.

Ở Việt Nam, chắc cũng cần áp dụng những kinh nghiệm cân bằng tỷ lệ nam - nữ mà các nước thu được, trước khi quá muộn. Nhưng, nguy cơ đã được cảnh báo vài năm nay mà chưa thấy một động tĩnh gì. Ngay việc cấm siêu âm để xác định giới tính thai nhi, đã có thông báo, nhưng thực hiện nửa vời.

Tuy nhiên, giải pháp quan trọng bậc nhất vẫn là nhận thức đúng trong dân, bởi chẳng luật pháp nào có thể can thiệp vào các ý muốn, các quyết định của mỗi người, mỗi gia đình.

  • Nguyễn Quốc Tín