82 tỉ đồng - 5 năm - vẫn dang dở
Các Website khác - 10/03/2006
Dự án cống hoá đường Cát Linh - La Thành:
82 tỉ đồng - 5 năm - vẫn dang dở
Quang Hiệu


Dự án cống hoá xây dựng đường Cát Linh - La Thành được triển khai xây dựng từ năm 2001. Đây là dự án xây dựng cống hoá trên mương đầu tiên của Hà Nội, nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và đặc biệt là mở ra một tuyến đường mới chống ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, sau 5 năm thi công, đường vẫn chưa thấy, ô nhiễm thì nặng hơn...

Cả đoạn mương dài vẫn còn
dang dở.
Tuyến đường cống hoá đầu tiên
Dự án cống hoá xây dựng đường Cát Linh - La Thành được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 2237/Q-UB ngày 16.5.2000 và giao cho Ban quản lý dự án giao thông đô thị làm chủ đầu tư xây lắp và Ban quản lý dự án quận Đống Đa thực hiện đền bù GPMB.

Sau hơn một năm từ khi có quyết định của UBND thành phố, dự án chính thức khởi công. Tổng mức đầu tư của dự án là 82,5 tỉ đồng. Tổng chiều dài của toàn tuyến đường được cống hoá dài 1.480m, từ cống Trịnh Hoài Đức đến đường Đê La Thành - đi qua địa bàn các phường: Quốc Tử Giám, Cát Linh và Ô Chợ Dừa - quận Đống Đa.

Vào năm 2001, thành phố đã có thông báo số 17/TB-VP điều chỉnh quy hoạch mở rộng thêm một tuyến đường nhánh từ Bộ tư lệnh thông tin ra ngã tư Giảng Võ - Cát Linh với chiều dài 354m, có mặt cắt ngang đường là 25m với các hạng mục chính như làm đường, hè, hệ thống thoát nước, chiếu sáng, cây xanh... Khi dự án triển khai thi công, có 419 hộ dân của 3 phường: Quốc Tử Giám, Cát Linh và Ô Chợ Dừa nằm trong diện GPMB của dự án.

Đoạn thi công xong biến thành
bãi đỗ xe tư nhân.
Bỏ 82 tỉ đồng: Mua sự dang dở
Đến nay đã gần 5 năm kể từ ngày dự án được khởi công xây dựng, tuy nhiên hầu hết các hạng mục của dự án đều vẫn giậm chân tại chỗ. Hiện tại, dự án mới chỉ cống hoá và làm một dải đường dài 730m (đoạn trước Nhạc viện Hà Nội) từ đường Đê La Thành đến lối rẽ vào Bộ tư lệnh thông tin và một số đoạn ngắn có mặt bằng để thi công.

Qua tìm hiểu, tuyến mương nối từ đường Trịnh Hoài Đức đến đường Đê La Thành rất rộng (từ 5-7m), nhưng do người dân kè lấn chiếm lòng mương làm công trình phụ và nhà ở, nên đã bị thu hẹp lại chỉ còn từ 2-3m.

Bên cạnh đó, vấn đề thiếu quỹ nhà tái định cư cho các hộ dân nằm trong diện GPMB của dự án cũng là nguyên nhân khiến cho dự án triển khai chậm. Theo Ban quản lý dự án quận Đống Đa, trong tổng số 419 hộ dân nằm trong diện GPMB thì có 250 hộ phải di chuyển hoàn toàn và cần 250 căn hộ để tái định cư. Trong khi đó, quỹ nhà tái định cư dự kiến được bố trí chỉ là 114 căn hộ tại khu Trung Hoà - Nhân Chính. Như vậy, vẫn còn thiếu tới 136 căn hộ.

Theo ông Đỗ Đức Huân - Giám đốc ban quản lý dự án giao thông đô thị - để đẩy nhanh tiến độ của dự án, đối với đoạn đang thi công dở dang từ Bộ tư lệnh thông tin đến đường Đê La Thành, trong tháng 3.2006, ban sẽ phối hợp với BQLDA quận Đống Đa thu hồi nốt mặt bằng của 70 hộ.

Trong năm 2006, cũng phấn đấu hoàn thành việc GPMB đoạn từ Bộ tư lệnh thông tin đến cống Trịnh Hoài Đức. Riêng đoạn điều chỉnh mở rộng từ Bộ tư lệnh thông tin đến ngã tư Giảng Võ - Cát Linh, với tổng số 145 hộ trong diện GPMB, hiện ban đã trình dự án cho Sở Kế hoạch - Đầu tư, nếu quyết định sớm được phê duyệt, dự án sẽ được sẽ triển khai GPMB, đấu thầu và khởi công trong quý II/2006 và hoàn thành ngay trong năm nay.

Về công tác thi công giai đoạn 2, dự án xây dựng mặt cắt còn lại, trong đó đoạn trước Nhạc viện Hà Nội hiện đã phát hồ sơ mời thầu và mở thầu trong tháng 3 và khởi công vào đầu tháng 4. Dự kiến hoàn thiện và đưa vào sử dụng tuyến vào tháng 6.2007.