Khổ sở vì mưa phùn và trời nồm
Các Website khác - 10/03/2006

Đường sá nhớp nhúa, trơn trượt. Nền nhà ướt sũng, tường mốc meo, lấm tấm nước. Trẻ nhỏ đua nhau ho, sốt khiến khoa hô hấp Bệnh viện Nhi trở nên quá tải. Đây là hệ quả của hiện tượng mưa phùn và trời nồm kéo dài gần 1 tuần nay tại các tỉnh ven biển và đồng bằng Bắc Bộ.

Sáng nay, mưa đã dứt, trời quang hơn. Tuy nhiên theo dự báo thì trong ngày nhiều khả năng vẫn có mưa phùn. Trời tiếp tục nồm song mức độ nhẹ hơn. Chị Kiều Ngân ở Gia Lâm, Hà Nội, vừa đến cơ quan đã không ngớt phàn nàn: "Mưa lai rai cả tuần, trời lại nồm, quần áo dù có vắt bằng máy tới 2 lần và phơi cả tuần vẫn ẩm mốc, hôi hám". Lời ca thán của chị Ngân lập tức nhận được nhiều sự chia sẻ của đồng nghiệp. Chị Hà nhà ở Cầu Giấy, Hà Nội bổ sung: "Trời nồm, nền và tường nhà thi nhau đổ mồ hôi. Nấm mốc và muỗi được dịp phát triển. Chiếc điện thoại đang yên lành tự nhiên dở chứng không gọi được. Phải lôi máy sấy đi sấy lại thì nó mới được".

Không riêng chị Ngân, chị Hà, nhiều ngày nay, người dân Hà Nội nói riêng và các tỉnh ven biển và đồng bằng Bắc Bộ nói chung đang khó chịu vì hiện tượng thời tiết này. Cứ nhằm vào ban đêm và buổi sáng, đúng lúc mọi người đi làm, đi học, ông trời lại phun mưa. Dù không nặng hạt như mưa rào, nhưng kiểu mưa lâm thâm rả rích cũng đã khiến một số tuyến đường trở nên sình lầy. Nhiều người đã chọn xe buýt làm phương tiện đi lại chính. Ngay tập quán ăn cơm trưa của nhiều người làm văn phòng cũng thay đổi. Thay vì ra quán, họ chọn cách gọi cơm hộp hay bánh mì cho qua.

Trời nồm khiến số trẻ mắc bệnh tăng. Ảnh: Anh Tuấn.

Trời mưa, nồm cũng làm tăng số lượng bệnh nhân nhi. Hiện mỗi ngày, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận 900-1.000 bệnh nhi, tăng 10% so với bình thường. Đông nhất là trẻ bị viêm mũi, họng, một số viêm phế quản, phổi. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Lộc, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, thời tiết ẩm ướt và nhiệt độ vừa phải như hiện nay rất thuận lợi cho sự phát triển các virus gây bệnh đường hô hấp, trong đó Adeno virus là tác nhân thường gặp. Khi nhiễm Adeno virus, sau 1-2 ngày ủ bệnh, trẻ đột ngột sốt rất cao (39-40 độ C), chảy nước mũi, đau họng, ho, đau mỏi các cơ. Nếu không điều trị kịp thời, virus có thể vào phổi gây suy hô hấp một cách nhanh chóng.

Mưa phùn phải kéo dài tới hết tháng 3

Ông Lê Văn Thảo, Trưởng phòng dự báo hạn ngắn, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, cho biết, hiện tượng mưa phùn, trời nồm chỉ kết thúc khi có sự xuất hiện của đợt không khí lạnh khô hoặc áp thấp nóng phía Tây phát triển. "Tuy nhiên, từ nay đến hết tuần chưa thấy dấu hiệu của không khí lạnh. Nhiều khả năng phải đến chủ nhật mới có một đợt. Trời sẽ rét, không khí khô hơn, hết mưa, hết nồm", ông Thảo nói.

Chuyên gia này nhận xét, so với mọi năm, năm nay mưa phùn nhiều hơn, nhưng cũng không có gì bất thường. Theo quy luật, mưa phùn thường xảy ra vào các tháng 1-3 và chia làm 2 dạng. Trong tháng 1 và nửa đầu tháng 2, do không khí lạnh di chuyển lệch đông mang hơi nước từ biển vào gây mưa phùn, trời lạnh. Từ giữa tháng 2 và hết tháng 3, không khí lạnh biến tính, trời vẫn mưa phùn, nhưng độ ẩm và nhiệt độ không khí cao hơn (mưa phùn ấm, nhiệt độ trung bình ngày dao động 16-20 độ C).

Hiện tượng nồm thường xuất hiện vào tháng 3 và đầu tháng 4 và chỉ các tỉnh ven biển, đồng bằng Bắc Bộ có hai nguyên nhân: Một là nguồn không khí ấm và ẩm ngoài biển thổi vào gặp ngay lớp không khí lạnh ở tầng thấp trong đất liền gây ra hiện tượng ngưng tụ như sương mù hay mưa phùn. Hai là đới gió Tây Nam xuất hiện và phát triển ở tầng cao đã sinh ra lớp nghịch nhiệt làm không khí không bốc lên cao và thoát ra ngoài được.

Ông Thảo khuyên người dân đừng chống lại hiện tượng nhà ẩm ướt bằng cách dùng quạt. Trời nồm, độ ẩm không khí có thể lên đến 90-100%, nếu dùng quạt sẽ làm bề mặt đệm càng lạnh đi, hơi nước càng ngưng tụ, ẩm mốc càng nhiều hơn. Cách tốt nhất để chống nồm là lau khô nhà và đặt máy hút ẩm.

Như Trang