Đầu tư vào cụm công nghiệp Hai Bà Trưng - Hà Nội: DN bị hành - đất màu bỏ hoang! Xin kể chuyện thật như đùa: Ngay giữa Hà Nội, 92.000m2 đất bị bỏ hoang đã mấy năm nay; hơn 22 tỉ đồng đầu tư vào hạ tầng phơi dầm mưa nắng. Trong khi đó, 33 doanh nghiệp (DN) cần có đất sản xuất, kinh doanh đã nộp gần 30 tỉ đồng tiền thuê đất thì vẫn long đong chờ... đất!
Năm 2001, quận Hai Bà Trưng đã ra Quyết định 6706/QĐ-UB thu hồi 92.000m2 đất để thành lập cụm tiểu thủ công nghiệp (CTTCN) Hai Bà Trưng. Để thu hút đầu tư, TP.Hà Nội, các sở, ngành cũng như UBND quận Hai Bà Trưng đã thật sự trải "thảm đỏ", mời gọi đầu tư. 33 DN thuộc diện ưu tú đã được chọn cho thuê đất tại CTTCN. Từ ngân sách nhà nước, 23,5 tỉ đồng đã được đầu tư hỗ trợ công tác xây dựng CTTCN, vì thế, sau khi hoàn tất hồ sơ thủ tục, các DN nhanh chóng đóng góp số tiền thuê đất với trị giá 600.000đ/m2. Thế nhưng, "thảm đỏ" đã nhanh chóng biến thành "thảm chông". Tháng 9.2005, Ban quản lý (BQL) dự án CTTCN Hai Bà Trưng ra quyết định rất trái khoáy với điều khoản: Sau 3 tháng kể từ ngày giao mặt bằng, DN phải tiến hành đầu tư xây dựng nhà xưởng theo hồ sơ xây dựng đã được phê duyệt. Thực hiện đúng tiến độ, DN sẽ bị thu hồi diện tích đất đã giao và rút giấy chứng nhận đầu tư. Theo các đơn thư "nóng" của các DN thì trên thực tế, họ chưa hề được bàn giao đất. Vì thế, đương nhiên họ chưa thể đầu tư xây dựng. Chưa hết, các sở, ngành liên quan còn áp dụng một cách máy móc Luật Đất đai mới. Theo đó, các DN xin cấp đất sau thời điểm tháng 10.2005 sẽ phải lập hồ sơ thẩm định lại, đồng nghĩa các DN lại vấp một quy trình mới là "làm lại từ đầu những thủ tục mà trước đó đã làm". Thế nhưng, oái oăm hơn là ngay cả các hồ sơ, thủ tục được các DN trình đầy đủ một lần nữa thì mọi việc vẫn giậm chân tại chỗ! Hành DN đến bao giờ? Ngày 9.3, chúng tôi có mặt tại CTTCN Hai Bà Trưng. Một khu đất rộng và đẹp bỏ hoang cho cỏ mọc. Phản ánh với phóng viên Báo Lao Động, đại diện 33 DN tỏ ra rất bức xúc. Rõ ràng, họ đã "mất trắng" cơ hội đầu tư. Bên cạnh đó, số tiền (gần 30 tỉ đồng) mà các DN đã nộp đang thật sự là sức ép lớn về vốn liếng cũng như lãi suất. Hơn thế là một số DN đã mua dây chuyền, thiết bị thì đến nay hoặc là lạc hậu, hoặc hư hỏng. Thậm chí, có DN nhanh chân "chớp" được cơ hội với các đơn hàng thì thời gian qua đành phải "bán cái" cho DN sản xuất khác và chịu tiếng "thất tín" với đối tác. Trở lại với các cơ quan chức năng, dù cả nước đang sôi sục "cải cách hành chính" thì các cơ quan này vẫn làm ngơ trước câu chuyện bức xúc này. Theo các DN thì sau rất nhiều đề nghị và tác động, cuối năm 2005, một sở chức năng mới đề nghị các sở, ngành khác góp... ý kiến. Tuy nhiên, vì "chẳng có gì phải vội" nên đến tận ngày 18.1.2006 (sau 1 tháng), Sở Quy hoạch - Kiến trúc mới có văn bản đóng góp ý kiến. Nhưng rồi đến tận bây giờ vẫn không có câu trả lời. Theo đại diện các DN, vì chưa nhận được bất kỳ văn bản nào, yêu cầu gì nên các DN cũng chẳng biết là vướng mắc do đâu; DN phải tiếp tục làm gì để có thể hoàn tất thủ tục cấp đất. Phạm Anh - Lê Minh |
▪ Nỗi khổ xin - cho trứng (10/03/2006)
▪ Nuga Best NM-5000 - Máy chữa... bách bệnh!? (09/03/2006)
▪ Công bố thông tin nhận diện xe buýt ''thật'' (10/03/2006)
▪ Hệ thống thủy lợi đồng bằng sông Hồng rệu rã (10/03/2006)
▪ Nhà ở cho công nhân triển khai ì ạch (10/03/2006)
▪ Khổ sở vì mưa phùn và trời nồm (10/03/2006)
▪ Gặp mặt phụ nữ quốc tế tại Hà Nội (08/03/2006)
▪ Triển khai việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (09/03/2006)
▪ Chế độ đối với người bị tai nạn khi thực hiện nghĩa vụ lao động công ích (09/03/2006)
▪ Ẩm thực Việt Nam nổi tiếng khắp châu Á (09/03/2006)