Ân nhân của dân chài sông Mã
Các Website khác - 03/01/2006
Ông Dựng cùng những con tàu
do ông đóng được bán trả góp
cho dân chài làm ăn.
Bằng hình thức bán tàu trả góp mà không tính lãi, ông Bùi Ngọc Dựng đã giúp 400 hộ dân chài trên sông Mã thoát khỏi cảnh đói nghèo đói và bắt đầu có của ăn của để...
Như là ruột thịt

Năm 1996, ông Bùi Ngọc Dựng ở xã Định Công, huyện Yên Định (Thanh Hóa) bàn với vợ mở một xưởng đóng tàu sau đó giao những con tàu này cho các hộ dân chài đi chở hàng trên tuyến đường sông. Vợ ông đồng ý, xưởng đóng tàu ra đời.

Qua bốn năm đầu tiên, ông Dựng đóng được 23 con tàu xi-măng lõi thép có trọng tải từ 40-70 tấn, giao cho 23 hộ dân chài quản lý. Từ năm 2000 đến nay, xưởng của ông Dựng tiếp tục cho ra lò thêm 67 tàu sắt có trọng tải 140-200 tấn và tất thảy ông đều giao cho dân chài quản lý đi chở hàng thuê trên tuyến đường sông Thanh Hóa - Nam Định. Việc làm trên của ông Dựng đã cứu giúp hàng trăm gia đình ngư dân thoát khỏi cảnh bần hàn, trong đó có nhiều hộ đang vươn lên làm giàu.

Anh Nguyễn Văn Huệ ở xã Định Công vẫn còn nhớ rất rõ cái ngày ông Dựng xuống thuyền thăm và nói: "Anh còn 60 triệu đồng, chú xem lấy làm cái gì thì làm". Trước lời đề nghị quá đột ngột anh Huệ đã vội vàng từ chối. Bao đời sống trên sông, bần bọt từng con tôm con tép qua ngày, bây giờ cầm khoản tiền lớn như vậy để làm gì đây. Nhiều đêm trằn trọc, nghĩ đi nghĩ lại, anh Huệ mới biết là mình dại. Cuối cùng anh tìm đến gặp ông Dựng xin được vay khoản tiền trên. Vợ chồng ông Dựng gật đầu ngay.

Tiền đã có trong tay, anh Huệ bàn với ông Dựng là nên đóng một con tàu chở hàng thuê. Con tàu xi-măng cốt thép trọng tải 80 tấn lần đầu tiên được hạ thuỷ ở xí nghiệp đóng tàu của ông Dựng. Vợ chồng anh Huệ là những hộ ngư dân đầu tiên được ông Dựng giúp đỡ. Những hợp đồng chở hàng ngày càng nhiều hơn, điều này đồng nghĩa với việc gia đình anh Huệ từng bước trở nên khấm khá hơn. Chỉ hai năm sau ngày hạ thuỷ con tàu trên, ngoài việc hoàn trả khoản gốc vay 60 triệu đồng của gia đình ông Dựng, anh Huệ còn có đủ điều kiện đóng một tàu sắt mới có trọng tải 180 tấn. Trong căn nhà cao tầng mới xây dựng xong, anh Huệ ngồi ôn lại cùng tôi niềm hạnh phúc mà vợ chồng anh cứ ngỡ như đang ở trong mơ.

Anh Huệ kể: "Tôi để dư được hơn 100 triệu đồng nên bàn với vợ mua đất lên bờ làm nhà. Thực tế hơn nửa cuộc đời sống chui ra chui vào trên con thuyền, tôi đã bao giờ biết nhà cửa là gì đâu nên phải nhờ bác Dựng. Đầu tiên hai vợ chồng định làm nhà với mức khoảng 100 triệu đồng thôi. Nhưng khi làm xong vượt dự toán 50 triệu đồng, một lần nữa bác Dựng lại giúp.”

Từ gia đình anh Huệ, đến nay đã có hàng trăm hộ dân chài với hàng nghìn lao động đang sử dụng những con tàu của ông Dựng đóng làm phương tiện vận chuyển hàng hóa, cát sỏi ra các tỉnh ngoài tiêu thụ.

Chân dung “ân nhân”


Nhà máy sản xuất gạch, ngói của gia đình ông Dựng đang giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 100 lao động.

Ông không bệ vệ, cũng không có chút dáng dấp của một "ông chủ". Ông ôn tồn kể: "Nhìn thấy hàng trăm hộ dân chài sống trong nghèo khổ, nguồn lao động lại dư thừa nhiều quá nhưng họ không có vốn để sản xuất nên tôi mới nảy ra ý định thành lập xưởng đóng tàu, cũng là để tạo việc làm cho họ".

Ông Dựng bán tàu cho ngư dân theo hình thức trả góp, ngư phủ đào đâu ra tiền để một lúc có hàng trăm triệu đồng mua phương tiện làm ăn. Kể ra thì ông Dựng cũng là "vua liều", ông bán tàu chịu cho những người cùng đinh, nhỡ may có ngư phủ nào đó "xù" nợ thì sao (?!).

Vậy nhưng qua gần 10 năm vẫn chưa có ai "xù" nợ cả. Ngư dân mua tàu rồi đổ đi làm ăn tứ xứ, vào dịp Tết Nguyên đán họ mới quần tụ về cố hương. Đó cũng là thời điểm kết thúc một năm lao động, ngư dân tính toán mang tiền lên trả cho vợ chồng ông Dựng, được bao nhiêu trả bấy nhiêu, năm nay chưa trả hết thì khất sang năm sau, không lãi lờ gì sất.

Ông Dựng cho biết, sắp tới, khi các chủ tàu về nghỉ Tết, ông sẽ tiến hành mở đại hội thành lập ra một hiệp hội vận tải đường sông. "Trước đây mỗi năm tôi tổ chức họp dân thuyền hai lần. Những gia đình nào khó khăn được xếp sang một bên để giúp đỡ. Nhưng tới đây sẽ làm khác, các hộ ngư dân đã vươn lên khá giả khi tham gia vào hiệp hội phải có trách nhiệm giúp lại những hộ ngư dân khác còn đang nghèo nàn. Người dân vạn chài phải nhanh chóng thoát khỏi sự tụt hậu nghiêm trọng, con em họ phải được học tập nên người. Đó là những điều tôi đang trăn trở nhất".

Ngoài xưởng đóng tàu, ông Dựng còn có một xí nghiệp sản xuất gạch ngói đang giải quyết việc làm cho hơn một trăm lao động của các địa phương lân cận với mức thu nhập bình quân từ 500-700 nghìn đồng/công nhân/tháng.

Từ những việc làm trên, ông Dựng trở thành một trong 14 điển hình tiên tiến xuất sắc của tỉnh Thanh Hóa được tham dự và được bầu là Chiến sĩ thi đua toàn quốc tại Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ 7 được tổ chức hồi tháng 10-2005 ở Hà Nội...

Theo Lao động