Nóng hổi vùng dịch
Sáng 5-11, Giám đốc Sở Y tế Bắc Giang Nguyễn Huy Cõi đưa chúng tôi đến thôn Bùi Bến. Ðây là một trong hai thôn nhiễm dịch cúm gia cầm của xã Yên Lư, huyện Yên Dũng. Ven tuyến đường từ trụ sở UBND xã vào nơi phát dịch đã được rải vôi trắng. Ngay ở đầu thôn, gia đình chị Nguyễn Thị Thu có 160 con vịt, 50 con gà giờ không còn con nào. Chị Thu cho biết, vợ chồng chị mới ở riêng, thu nhập chủ yếu trông chờ vào ruộng lúa và đàn vịt, giờ đây không biết sống ra sao. Trước cửa nhà chị Thu có một cái ba-ri-e vừa được dựng lên từ ngày có dịch. Anh Nguyễn Văn Khoái, công an viên xã Yên Lư ngồi gác tại trạm cho biết, từ đầu tháng 11 đến nay, không có người dân nào mang gia cầm ra khỏi thôn. Người dân đã ý thức hơn về tầm quan trọng của dịch cúm gia cầm nên tự giác không tiêu thụ gia cầm, chủ động mời cơ quan chức năng đến tiêu hủy số gia cầm còn lại.
Những ngày này, ở thôn Bùi Bến sôi động với sự có mặt của các cán bộ thú y, cán bộ y tế. Ngoài đường, những chuyến công-nông chở gà, vịt chạy như con thoi ra nơi tiêu hủy. Những cán bộ y tế mặc quần áo phòng hộ chuyên dụng, đeo bình thuốc đi phun thuốc khử trùng khắp đầu làng, ngõ xóm. Một đội xung kích đi từng gia đình đuổi bắt gà vịt, trước tiên ở những gia đình có số lượng nuôi lớn. Loa truyền thanh liên tục phát tin về công tác dập dịch cúm gia cầm, các biện pháp phòng, chống... Ðại diện các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện, xã cũng thường trực tại nơi phát dịch. Ông Nguyễn Văn Khơi, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Lư, Trưởng ban dập dịch cúm gia cầm của xã, cho biết: "Từ ngày 23-10, tại hai thôn Bùi Bến và Yên Phương có sáu gia đình có trang trại chăn nuôi cạnh khu cánh đồng có hơn 962 con vịt, 160 con gà, 159 con ngan chết, sau đó một số gia đình cũng có gà, vịt chết. Ngay sau khi được các cơ quan chức năng xác định là ổ dịch, xã thành lập ban dập dịch với công việc phải tiến hành ngay là tiêu hủy hết số gia cầm còn lại, ngăn chặn không cho vận chuyển, tiêu thụ gia cầm, đồng thời phối hợp các cơ quan chức năng tiến hành tiêu trùng, khử độc trên phạm vi toàn thôn. Ðến ngày 4-11, hai thôn đã tiêu hủy được một nửa trong tổng số 3.845 con gia cầm, 1.962 con vịt, 394 con ngan. Công tác tiêu hủy dự kiến sẽ kết thúc trong ngày 6-11. UBND xã trích kinh phí mua gần 10 tấn vôi bột, đồng thời vận động các gia đình tự mua thêm để vệ sinh môi trường. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Khơi, đến nay, hai ổ dịch đã cơ bản được dập tắt.
Các giải pháp dập dịch
Tại trụ sở Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang chỉ còn Phó Giám đốc sở Lê Ðắc Tá ngồi trực, chỉ đạo công tác dập dịch. Các cán bộ của sở đều xuống nơi bùng phát dịch để chỉ đạo việc dập dịch. Ðồng chí Phó Giám đốc cho biết, ngay từ khi nhận được tin ở một số nơi có đàn gia cầm chết hàng loạt, sở đã thành lập đoàn kiểm tra. Chỉ trong vòng năm ngày (từ 23 đến 28-10), tại sáu thôn trong tỉnh có 1.323 con gà, 1.566 con ngan, 1.224 con vịt chết. Có gia đình cả đàn vịt chết đột ngột trong vòng vài giờ đồng hồ, ngay lập tức, 404 con gia cầm còn lại phải tiêu hủy. Sau khi tiêu hủy, trong số 44 gia đình có gia cầm chết, chị Thân Thị Hảo ở xã Tăng Tiến (Việt Yên), 24 tuổi, đang mang thai sốt lên 38,6 độ C được chuyển đến bệnh viện. Rất may, ngày 5-11, chị Hảo đã khỏe dần, nhiệt độ giảm và kết quả xét nghiệm âm tính với virus type A chủng H5.
Không đợi đến khi Chủ tịch UBND tỉnh công bố dịch, ngay từ cuối tháng 10, các cơ quan chức năng ở Bắc Giang đã áp dụng nhiều giải pháp quyết liệt như tiến hành tiêu hủy toàn bộ gia cầm tại sáu thôn có dịch; thống kê số lượng gia cầm hiện có trên toàn tỉnh để quản lý, cấm buôn bán, di chuyển gia cầm trên toàn địa bàn, giết hủy đàn thủy cầm thả tự do ngoài đồng ruộng và nơi công cộng. Riêng tại TP Bắc Giang và các thị trấn cấm tuyệt đối giết mổ. Ban chỉ đạo phòng, chống dịch cúm gia cầm của tỉnh cũng thành lập các trạm kiểm soát, hoạt động 24/24 giờ tại các tuyến đường chính trong tỉnh; tổ chức tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng tại các gia đình và nơi công cộng trên địa bàn toàn tỉnh, tạm thời không cho người dân sử dụng phân chuồng bón ruộng. Sở Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng phương án, kế hoạch cụ thể về địa điểm, vật tư, nhân lực đối phó dịch cúm H5N1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang bắt đầu công tác tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia cầm trên toàn tỉnh với số lượng dự kiến hơn bốn triệu liều tiêm.
Theo Giám đốc Sở Nguyễn Huy Cõi, đến nay, dịch cúm gia cầm ở Bắc Giang đã cơ bản được bao vây, khống chế. Trong bốn ngày qua chưa phát hiện thêm hiện tượng gia cầm chết. Sở Y tế đã thiết lập hệ thống giám sát toàn bộ 1.711 người liên quan của 44 gia đình có gia cầm chết. Toàn tỉnh chưa có hiện tượng lây cúm sang người. Ngay sau khi dịch cúm xảy ra, sở thành lập một bệnh viện dã chiến với 50 giường và 30 đội cơ động phòng, chống dịch, trong đó có 15 đội cấp cứu được trang bị dụng cụ, thiết bị, thuốc men đầy đủ. Hiện nay, nhiệm vụ trọng tâm của ngành là tập trung cho công tác tiêu độc, khử trùng. Ðể đối phó nguy cơ gây ra đại dịch cúm ở người, ngành đã tăng cường công tác tuyên truyền qua hệ thống thông tin đại chúng, phát tài liệu, mở các lớp tập huấn khẩn cấp kiến thức vệ sinh, sơ cứu đối với người có biểu hiện bị cúm; nâng cấp hệ thống trang thiết bị, tăng cường phương tiện phòng, chống dịch cho các trung tâm y tế.
Còn đó những nỗi lo
Có thể khẳng định rằng, đến thời điểm này, công tác dập dịch cúm gia cầm ở Bắc Giang đã được thực hiện nghiêm ngặt, đúng quy trình. Tuy nhiên, qua tiếp xúc các cơ quan chức năng và một số gia đình có gia cầm bị dịch ở Bắc Giang, chúng tôi nhận thấy công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm của tỉnh trong thời gian qua bộc lộ một số tồn tại cần sớm được khắc phục, trong đó yếu tố mấu chốt là nhận thức về nguy cơ dịch cúm gia cầm, đại dịch cúm ở người của người dân, các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp vẫn chưa thật sự được coi trọng. Các cơ quan chức năng đều nghiêng về giả thiết cho rằng nguy cơ gây nhiễm dịch xuất phát từ đàn cò di trú, trong khi đó, chính các cơ quan này thừa nhận không kiểm soát được nguồn gia cầm nuôi của nhân dân trong thời gian qua. Với quy mô nuôi nhỏ, lẻ, nuôi chung với người, nguồn nuôi đến từ nhiều địa phương và cả nhập lậu, nguy cơ xảy ra dịch cúm gia cầm có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Công tác tuyên truyền cho người dân chưa đủ mạnh, cho nên nhiều người dân ở vùng nhiễm dịch vừa qua của Bắc Giang vẫn tỏ ra thờ ơ, bàng quan với nguy cơ này. Thậm chí, có người còn cho rằng, việc cúm gia cầm lây lan ở sáu thôn là do các hộ nuôi có gia cầm ốm đã chia cho nhau ăn hoặc đem ra chợ bán rẻ. Một người có đàn gia cầm chết ở xã Tăng Tiến còn rất hồn nhiên nói với chúng tôi rằng, khi đàn gia cầm chết nhiều quá, anh ta đã cho vào bao tải, đến đêm mang thả xuống sông.
Mừng cho những nỗ lực của Bắc Giang trong việc nhanh chóng khống chế ổ dịch cúm gia cầm bùng phát đầu tiên trong cả nước, nhưng cũng còn lo ngại nhiều trước những nguy cơ sắp đến. Bởi vì với đàn gia cầm hiện có 10 triệu con hầu hết không kiểm soát được nguồn nuôi, công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm ở Bắc Giang mới chỉ bắt đầu.
|