Ngày 6-1-1946 là một ngày vẻ vang trong lịch sử Quốc hội nước nhà, đó là ngày Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Cách mạng Tháng Tám thành công. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại quảng trường Ba Ðình (Hà Nội), thay mặt Chính phủ lâm thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Ðộc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Suốt tám mươi năm áp bức, thực dân Pháp đã thực hiện chính sách bóc lột và ngu dân ở đất nước ta. Những hậu quả mà chúng để lại thật nặng nề trên tất cả các lĩnh vực chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa, v.v... Ðể giải quyết những hậu quả đó, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, ngày 3-9-1945, một ngày sau khi nước nhà độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói về những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Theo đề nghị của Người cần phải giải quyết ngay sáu vấn đề. Ðó là chống nạn đói, nạn dốt, tổ chức Tổng tuyển cử, thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, bỏ thuế thân, thuế chợ, thuế đò và tự do tín ngưỡng, đoàn kết lương giáo.
Trước kia chúng ta bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có hiến pháp, nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Do đó, chúng ta cần phải có một hiến pháp dân chủ và tổ chức Tổng tuyển cử trong cả nước càng sớm càng tốt, với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống, v.v...
Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên trong cả nước đã được tổ chức vào ngày 6-1-1946. Ðây là lần đầu tiên người dân Việt Nam được hưởng quyền làm chủ của mình. Họ được tự do lựa chọn và bầu ra những người đại diện, xứng đáng thay mặt mình gánh vác công việc chung của đất nước. Ðó là một ngày vui của đồng bào và chiến sĩ cả nước, thể hiện tinh thần đoàn kết của nhân dân ta trong việc bảo vệ những thành quả của Cách mạng Tháng Tám và đưa nhân dân Việt Nam đi vào con đường mới. Tự do bầu cử là quyền lợi và trách nhiệm của mỗi người dân ở một nước có độc lập.
Trước khi Tổng tuyển cử một ngày, ngày 5-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có lời kêu gọi toàn dân đi bỏ phiếu. Trong lời kêu gọi Người khẳng định ý nghĩa quan trọng mà cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên sẽ mang lại. Ở trong nước: "Ngày mai, dân ta sẽ tỏ cho các chiến sĩ ở miền Nam rằng: Về mặt trận quân sự, thì các chiến sĩ dùng súng đạn mà chống quân thù. Về mặt chính trị, thì nhân dân dùng lá phiếu mà chống với quân địch. Một lá phiếu cũng có sức lực như một viên đạn".
Còn với nhân dân thế giới thì: "Ngày mai, quốc dân ta sẽ tỏ cho thế giới biết rằng dân Việt Nam ta đã:
Kiên quyết đoàn kết chặt chẽ, Kiên quyết chống bọn thực dân, Kiên quyết tranh quyền độc lập".
Vì thế mà "Ngày mai, tất cả các bạn cử tri, đều phải nhớ đi bầu cử. Ngày mai, mỗi người đều nên vui vẻ hưởng quyền lợi của một người dân độc lập, tự do"(1).
Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên diễn ra trong lúc tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước ta có rất nhiều khó khăn, thù trong giặc ngoài, miền Nam đang kháng chiến, trình độ dân trí chưa cao, hơn nữa đây lại là lần đầu tiên chúng ta tiến hành phổ thông đầu phiếu, bầu cử ở tất cả các tỉnh, thành trong cả nước, nên nhân dân còn có nhiều bỡ ngỡ. Công tác tuyên truyền, vận động giúp cho người dân hiểu về bầu cử, về tổng tuyển cử, động viên nhân dân đi bầu cử nhiều nhất, sớm nhất là rất quan trọng. Ðể cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa I thành công, báo Quốc hội(2), nhật báo chỉ ra trong kỳ Tổng tuyển cử, xuất bản tại Hà Nội, đã có nhiều bài viết tuyên truyền cho sự kiện trọng đại này. Mục đích của báo Quốc hội là:
"1- Ðịnh rõ giá trị cuộc Tổng tuyển cử đối với ngoài nước và trong nước.
2- Giải thích thể lệ Tổng tuyển cử cho người công dân Việt Nam hiểu quyền hạn và bổn phận của mình trong khi chọn và cử người đại biểu vào Quốc hội.
3- Giúp các bạn ứng cử một cơ quan vận động chung, để giới thiệu thành tích, khả năng và chương trình của mình".
Báo nêu những việc cụ thể, cần biết, cần làm trong cuộc Tổng tuyển cử, như đăng danh sách những người ra ứng cử đại biểu Quốc hội khóa I của tất cả các tỉnh và thành phố trong cả nước. Số lượng đại biểu được bầu, trong đó có các đại biểu là người dân tộc thiểu số. Sơ lược lý lịch và trả lời phỏng vấn về chương trình hành động của một số đại biểu. Những việc phải làm trong ngày Tổng tuyển cử, v.v... Sự ra đời kịp thời của tờ báo đã góp phần vào thắng lợi chung của cuộc Tổng tuyển cử.
Ngày 6-1-1946, báo Quốc hội ra số đặc biệt, trên trang nhất, trang trọng đăng ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và bút tích của Người. Bác viết:
"Khuyên đồng bào nam nữ 18 tuổi trở lên, hôm nay tất cả đều đi bỏ phiếu, để bầu những đại biểu xứng đáng vào Quốc hội đầu tiên của nước ta.
6-1-46
Hồ Chí Minh"
Lời khuyên của Bác với đồng bào cả nước vào đúng ngày lịch sử đáng ghi nhớ này thật ngắn gọn, xúc tích và đầy đủ, bởi đó là bổn phận của mỗi một người Việt Nam, vì bầu cử là kháng chiến và bầu cử cũng là kiến quốc.
Cùng với bút tích trên đây của Bác, báo còn đưa nhiều bài và tin về cuộc Tổng tuyển cử, như:
- Phỏng vấn Hồ Chủ tịch về ngày Tổng tuyển cử,
- Vài câu chuyện tỉ mỉ về Hồ Chủ tịch,
- Bổn phận của chúng ta trong cái ngày lịch sử và tin về Tổng tuyển cử, v.v.
Với hơn 90% cử tri cả nước đi bỏ phiếu, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ở nước ta đã thành công tốt đẹp. Ðánh giá thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử, trong Diễn văn khai mạc kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Cuộc Quốc dân đại biểu đại hội này là lần đầu tiên trong lịch sử của nước Việt Nam ta. Nó là một kết quả của cuộc Tổng tuyển cử ngày 6 tháng 1 năm 1946, mà cuộc Tổng tuyển cử lại là cái kết quả của sự hy sinh, tranh đấu của tổ tiên ta, nó là kết quả của sự đoàn kết anh dũng phấn đấu của toàn thể đồng bào Việt Nam ta, sự đoàn kết của toàn thể đồng bào không kể già trẻ, lớn bé, gồm tất cả các tôn giáo, tất cả các dân tộc trên bờ cõi Việt Nam đoàn kết chặt chẽ thành một khối hy sinh không sợ nguy hiểm tranh lấy nền độc lập cho Tổ quốc"(3).
Tròn 60 năm đã trôi qua kể từ khi lần đầu tiên người dân Việt Nam được thực hiện quyền làm chủ của mình là tự do bầu các đại biểu vào Quốc hội, đến nay đã 11 lần nhân dân ta vinh dự thực hiện nghĩa vụ và quyền lợi thiêng liêng đó. Những ngày bầu cử Quốc hội đã trở thành ngày hội của toàn dân, tạo nên một không khí phấn khởi, tin tưởng, một sức mạnh mới với quyết tâm mới trong công cuộc bảo vệ và xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh như Bác Hồ vẫn từng mong muốn.
LÊ THỊ LIÊN (Bảo tàng Hồ Chí Minh)
------ 1- Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, t.4, tr.145 - 146.
2- Bản chụp lưu Bảo tàng Hồ Chí Minh.
3- Sđd, t.4, tr.189.
|