Từ bao đời nay, giao thông đi lại của người dân luôn là vấn đề nan giải ở huyện vùng cao Xín Mần. Ðịa hình ở đây có độ dốc lớn, lại nhiều sông, suối rất khó khăn trong mở đường. Chính quyền địa phương biết làm đường là việc làm cần thiết, nhưng nguồn ngân sách hạn hẹp nên đành "bó tay". Song tình hình giờ đây đã khác.
Trên đoạn đường dài hàng chục km đến trung tâm huyện lỵ Xín Mần, có hàng nghìn người đang tập trung mở đường qua sườn núi, trong số đó có đầy đủ sắc phục các dân tộc Mông, Dao, Tày, Nùng, Kinh, La Chí. Một cán bộ huyện cho biết, đó là người dân các xã trong huyện Xín Mần đang hợp sức cùng nhau mở đường Ðại đoàn kết từ xã Cốc Pài đi Tả Nhìu, Cốc Rế.
Tả Nhìu, Cốc Rế là hai xã nằm ở phía đông của huyện Xín Mần, có thế mạnh về trồng lúa, đậu tương và chăn nuôi trâu, bò, dê. Nhưng, rào cản lớn nhất để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của bà con nơi đây chính là đường giao thông. Nhiều gia đình dù sản xuất được nông sản với khối lượng lớn muốn đem bán cũng rất khó khăn, bởi con đường Cốc Rế, Tả Nhìu đến Cốc Pài (nơi có chợ huyện) dài hàng chục km đi bên sườn núi chỉ là con đường mòn nhỏ cho người và ngựa thồ đi được. Nhận thấy tầm quan trọng của việc mở đường, Ðảng bộ huyện Xín Mần đã phát động cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong huyện và nhân dân của 12/19 xã cùng nhau phát huy nội lực, góp sức làm đường Ðại đoàn kết liên xã rộng 5,8 m (trong đó 5 m nền đường, 0,8 m rãnh) để ô-tô có thể đi đến Tả Nhìu, Cốc Rế.
Khi thi công, tuyến đường này chạy qua rất nhiều diện tích đất của các hộ dân, cho nên huyện đã thành lập Ban chỉ đạo vận động nhân dân hiến đất làm đường. Chủ trương làm đường Ðại đoàn kết đã trúng với lòng dân, đáp ứng được sự mong mỏi từ lâu của bà con, cho nên được người dân nhiệt tình ủng hộ. Họ lao động hoàn toàn bằng thủ công, chỗ nào có đá lớn được huyện hỗ trợ mìn cho nhân dân phá đá.
Khi triển khai, tuyến đường Ðại đoàn kết chạy qua đất của các hộ dân và 137 hộ dân của chín thôn, bản đã tự nguyện hiến 112.578 m2 đất mà không đòi bồi thường. Ðiển hình như gia đình ông Lù Sào Văn ở thôn Ðoàn Kết, xã Tả Nhìu đã hiến 9.002 m2 đất vườn rừng để làm đường, tập thể cũng đã hiến 1.020 m2 đất. Trước những việc làm hào hiệp đó, huyện Xín Mần đã lập sổ để ghi nhận tấm lòng vàng của các gia đình hiến đất.
Không chỉ hiến đất mà nội lực trong dân cũng được phát huy cao độ bằng sự đóng góp công sức, hàng nghìn lao động của 12 xã đã nô nức xuống núi làm đường, họ mang theo cuốc, xẻng, xà beng, búa tạ, những người ở xã xa thì mang theo gạo, thực phẩm đến cùng nhau nấu ăn và dựng lều, mắc bạt để nghỉ tại công trường.
Ông Vương Xuân Phù ở xã Bản Díu cho biết, mặc dù cách xa công trường bốn giờ đi bộ, nhưng xã ông đã huy động được hơn 540 người tới góp sức, cùng nhau mở đường, phá đá, làm cho bằng xong 300 m đường khó khăn nhất mà huyện đã giao.
Chị Cẩu Thị Bay, thanh niên dân tộc Dao, cho biết: Ði làm đường Ðại đoàn kết rất vui, niềm vui lớn nhất là được mở đường cho chính mình và đồng bào mình đi, có thêm điều kiện phát triển kinh tế. Công sức của người dân vùng cao bỏ ra đã được đền đáp, sau gần một năm thi công đến nay con đường giao thông nông thôn loại A này đã được thông xe, với tổng chiều dài toàn tuyến 14,2 km. Mùa xuân này, xe ô-tô chở nông sản đã chạy băng băng trên tuyến đường Ðại đoàn kết Cốc Pài - Tả Nhìu - Cốc Rế.
Sức dân đã đóng góp vào con đường này là 72.362 công, làm lợi cho Nhà nước khoảng 18,5 tỷ đồng, một con số quá lớn so với huyện nghèo như Xín Mần.
Ngoài tuyến đường Tả Nhìu, Cốc Rế, nhân dân các dân tộc huyện Xín Mần còn mở được hàng chục con đường Ðại đoàn kết khác, tổng cộng đã có hơn 120 km đường Ðại đoàn kết được mở, một con số kỷ lục mà nhân dân Xín Mần đã phát huy nội lực, cùng đóng góp cho sự phát triển chung của huyện nhà.
HOÀNG PHONG (Hà Giang)
|