Lao động Việt Nam ở Malaysia: Mưu sinh nơi đất khách
Các Website khác - 28/12/2005
Bùi Quang Nhựt và Lê Hoàng Lý,
hai lao động Việt Nam đang làm việc
tại một công ty sản xuất đồ nội thất
văn phòng ở Malaysia.
Mới hơn ba năm đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Malaysia, đến nay đã có 116 nghìn người làm việc ở 12/13 bang của nước này. Malaysia trở thành thị trường nước ngoài thu hút nhiều lao động nhất. Tuy nhiên, đối với một thị trường lao động ngoài nước, số lượng chưa phải là tiêu chí duy nhất để đánh giá. Hơn nữa, thị trường này từng trải qua sóng gió, cả những điều tiếng...

Ði lao động chứ không phải đến thiên đường

Bị ám ảnh bởi những thông tin có tính kích động mới đây của một hãng phương tây về lao động Việt Nam tụ tập ở tòa tháp đôi Petronas, ngay sau khi đặt chân đến Kuala Lumpur, chúng tôi tới địa điểm này muốn xác thực vấn đề.

Từ sáng đến trưa mới trông thấy một thanh niên nhỏ thó, da ngăm đen có vẻ là người Việt Nam, từ trong tòa nhà đi ra. Hỏi thì đúng là lao động Việt Nam, "Em tên Cường, 27 tuổi, quê Núi Thành (Quảng Nam), đang làm việc ở nơi cách đây 180 km. Sáng em đi xe buýt mất 9 ringghit (RM) - tiền Malaysia, lên đây định thăm tháp đôi, nhưng hết vé lên tầng cao rồi, tiếc quá".

Theo lời kể của Cường thì nơi em làm việc có chừng 500 công nhân, khoảng 300 đã về nước do hết hạn hợp đồng. Lương của Cường thuộc loại thấp - 600 RM/tháng, tương đương 2,4 triệu đồng. Tính theo tiền Việt Nam thì chi phí gồm đóng thuế 400 nghìn đồng, ăn 500 nghìn đồng, tiêu 500 nghìn đồng, còn để ra được một triệu đồng. Cường sang đây đã chín tháng, gửi về nhà được tám triệu đồng. Trước khi đi, Ngân hàng chính sách cho vay 16 triệu đồng. Như vậy phải một năm rưỡi dành dụm mới trả được tiền ngân hàng. Thời gian còn lại là của mình.

Khi chúng tôi đang trò chuyện thì một lao động nữa chủ động nhập cuộc. Xa Tổ quốc, được gặp một đồng bào quả là niềm vui khôn tả. Hóa ra, anh ta làm việc ngay trong tòa tháp đôi. - "Dọn dẹp vệ sinh cho một siêu thị ấy mà!". Vẫn là những câu hỏi về cuộc sống, về thu nhập và dự định tương lai, Nguyễn Văn Hưng (34 tuổi, quê Vân Hà, Ðông Anh, Hà Nội) trả lời với vẻ thanh thản: Ðã làm ở đây được hơn ba năm. Lương (cả làm thêm) là 800 RM, tương đương hơn ba triệu đồng. Ăn hết 150 RM, tiêu chỉ 50 RM (ít hơn nhiều so với Cường), còn gửi về cho gia đình 600 RM/tháng. Ðể có số tiền tương đương 2,4 triệu đồng dành cho vợ con, Hưng phải "bóp mồm bóp miệng": “Sáng em nấu ăn, rồi bỏ vào cặp lồng mang đi ăn trưa, tối về lại nấu. Chứ ăn ngoài mình làm gì có tiền hả chị. Ði làm ăn thì phải vậy".

Qua tìm hiểu, chúng tôi biết thêm Hưng vốn là một ông chủ làm đồ gỗ, sau khi vỡ nợ, phải bỏ nhà bỏ cửa tha phương mất một năm, thấm thía nỗi nhọc nhằn mưu sinh. Vì thế khi sang đây lao động, anh không có ảo tưởng sẽ đến một thiên đường hay cuộc sống sẽ dễ dàng như một cuộc rong chơi.

Trước tòa tháp đôi, chờ cả buổi cũng may gặp được hai người, nhưng đủ để xóa sạch nỗi ám ảnh về những thông tin ác ý và thất thiệt kia. Thực ra, chuyện lao động Việt Nam tụ tập ở đây với tâm trạng đầy bức xúc đã xảy ra nhưng lâu rồi - từ đầu năm 2004. Ðó là thời kỳ lao đao nhất của thị trường lao động Malaysia. Lâm vào tình cảnh thiếu việc làm do giá sắt thép tăng đột biến và Chính phủ nước sở tại thay đổi chính sách đầu tư xây dựng cơ bản, không có lương, cuộc sống của hàng nghìn công nhân xây dựng Việt Nam trở nên quá khó khăn, khổ sở. Tại Văn phòng Ban quản lý lao động và chuyên gia Việt Nam tại Kuala Lumpur, những vết rạch trên ghế xa-lông, những nốt cháy loang lổ trên thảm... là dấu tích sự phản ứng của người lao động - họ trút lên bất cứ ai nếu có thể, vào thời kỳ khó khăn đó. Số lao động ngành xây dựng dần dần được trở về nước, và bởi tính chất đặc thù của ngành này nên ta không chủ trương đưa tiếp lao động sang làm xây dựng.

Sau đận ấy, thị trường dần ổn định, các công ty xuất khẩu lao động cũng có kinh nghiệm hơn trong việc ký kết hợp đồng, thẩm định các điều kiện bảo đảm quyền lợi cho người lao động cũng như giải quyết những vấn đề nảy sinh. Nhờ thế, lưu lượng lao động Việt Nam qua đây vẫn sôi nổi.

Trên chuyến máy bay sang Malaysia, tình cờ chúng tôi đi cùng hơn 50 lao động. Tôi hỏi mấy cô gái quê Ðịnh Hóa (Thái Nguyên):

- Ở quê đã ai đi chưa?

- Nhiều chứ!

- Có "được" không?

- Ðược chị ạ!

Thì ra người nọ kéo người kia mà đi. Một tuần sau, cũng trên chuyến bay trở về Hà Nội, gần như nơi làm thủ tục tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur căng chật người Việt Nam: Hơn 100 lao động hết hạn trở về, đồng thời gần 100 lao động vừa sang.

Thị trường lao động dành cho người nghèo

Bởi mức lương của lao động Việt Nam tại thị trường Malaysia chỉ từ 2,5 đến 4 triệu đồng/tháng, cho nên nếu người lao động xác định rõ trước khi đi là sang đây kiếm tiền để xóa đói, giảm nghèo chứ đừng mơ tưởng làm giàu, thì sẽ yên tâm làm việc và chắt chiu dành dụm ít vốn sau này về nước làm ăn. Hỏi chuyện nhiều lao động ta làm việc ở nhiều công ty khác nhau, thì bình quân mỗi người để ra mỗi năm được 20 triệu đồng. Nhiều nhất là Nguyễn Tiến Thịnh ở Tân Yên (Bắc Giang), sau ba năm lao động tích lũy được 27.000 RM (tương đương hơn 100 triệu đồng).

Lao động đi Malaysia chủ yếu từ các vùng quê nghèo, nông thôn, miền núi, cho nên số tiền kia ai đó có thể chê ít, nhưng đối với người nghèo lại là số tiền rất đáng kể, nhiều người ở trong nước khó có thể kiếm ra. Cái lời của họ còn là được mở mang tầm nhìn. Ðứng ở sân bay Nội Bài, Thịnh ưu tư: Bao giờ nước mình có được sân bay như của họ?

Ði từ thủ đô Malaysia chừng một giờ trên đường cao tốc, chúng tôi đến một cơ sở sản xuất đồ nội thất văn phòng - Công ty TNHH Jemaramas Jaya ở bang Selango, nơi có 56 lao động Việt Nam đang làm việc (đều là nam), cùng với lao động năm nước khác như Indonesia, Bangladesh, Pakistan, Myanmar...

Trần Giang Nam, 27 tuổi, quê Vân Diên (Nam Ðàn, Nghệ An), là một trong số lao động Việt Nam có mặt đầu tiên ở đây - đã gần ba năm. Theo Nam cho biết thì lương tính theo ngày, 25 RM/ngày; làm thêm thứ bảy được hệ số 1,5, chủ nhật gấp đôi, ngày lễ gấp ba lần. Kể cả làm thêm, Nam nhận mỗi tháng trung bình 1.000 RM (tương đương bốn triệu đồng).

Còn Lê Hoàng Lý ở Vĩnh Hưng, Vĩnh Lợi (Bạc Liêu) sang đây đã gần một năm, gửi về nhà được 6.000 RM (tương đương 24 triệu đồng). Lý bảo: Công việc không vất vả, thợ Việt Nam làm việc khéo hơn lao động các nước, không làm hỏng sản phẩm như họ. Mỗi ngày em làm thêm hai, ba giờ. Tối về cơm xong là ngủ, cũng có ti-vi, nhưng không xem. Sang đây khá lâu rồi nhưng em chưa đi tháp đôi lần nào (Tháp đôi được coi là điểm tham quan giải trí của lao động Việt Nam ở Malaysia).

Cũng như Lý, Bùi Quang Nhựt, 25 tuổi, ở xã Ðông Bình (huyện Bình Minh, Vĩnh Long), sang đây đã một năm, làm nghề sửa chữa máy với mức lương 900 RM/tháng (3,6 triệu đồng). Ðã gửi về gia đình 6.000 RM. Giống như anh em khác, Nhựt ít đi chơi vì muốn làm thêm kiếm chút tiền để dành.

Nhìn chung anh em không kêu ca gì về công việc, về thái độ đối xử của đốc công, chỉ phàn nàn về nơi ở còn chật chội, mỗi gian nhà tôn khoảng 20 m2, có bốn giường tầng cho tám người.

Chúng tôi ngó vào các gian nhà, thấy rằng chật chội còn do sự bừa bộn dễ hiểu của đám con trai. Trong bếp, có hơn 10 chiếc nồi cơm điện xếp trên kệ, bàn ăn lỏng chỏng dao thớt, giấy lau. Chúng tôi nhắc các em về vệ sinh ăn uống, mấy đứa biện bạch: Bếp chung với mấy lao động nước khác, họ bẩn lắm! Trên cánh cửa chiếc tủ nhỏ, thấy mấy câu thơ đầy thương cảm: "Chiều nay nhìn chiếc máy bay/ Hướng về quê mẹ lòng đầy nhớ thương/ Ba năm xa cách quê hương/ Lòng con vẫn giữ tình thương mặn nồng...".

Ông Chan Chi Kê-ông (thường gọi là ông Chang) người quản lý nhân sự của công ty, nhận xét: Lao động Việt Nam thông minh, chăm chỉ. Nhưng, chỉ được năm đầu. Còn sau đó không hiểu vì lý do gì mà có phần chậm lại, thí dụ như vắng mặt không lý do, không siêng năng như trước... (Công ty có một loại phụ cấp hằng tháng cho người lao động gọi là phụ cấp chuyên cần, khoảng 30 RM/ tháng).

Ông Chang đưa chúng tôi xem bảng lương tháng 11-2005 của hai công nhân Việt Nam là Nguyễn Ngọc Việt và Nguyễn Trường Giang. Việt nhận 1.352 RM (bao gồm cả làm thêm và phụ cấp chuyên cần 30 RM), là người có thu nhập cao nhất. Còn Giang được 1.263,08 RM (nhưng phụ cấp chuyên cần chỉ được 15 RM).

Lương còn thấp như vậy, nhưng một số lao động hết hạn hợp đồng ba năm vẫn muốn xin gia hạn, và công ty đã đồng ý.

Khác với họ, có những người đặt quá nhiều ảo vọng về cuộc mưu sinh trên đất khách. Tôi đã gặp một bạn trẻ như thế. Lê Trí Toàn (Phú Lương, Thái Nguyên) được chính ông chủ đưa xe ra sân bay tiễn về nước. Toàn không chê trách gì công việc làm gốm sứ cũng như xử sự của công ty đối với lao động Việt Nam: "Họ rất tốt. Nếu em muốn làm thêm, có thể kiếm 2.000 RM/ tháng (tương đương 8 triệu đồng). Nhưng em không thích, chỉ túc tắc làm. Sau hai năm để dành được 40 triệu đồng. Chưa hết hợp đồng nhưng chủ bảo có thích về không, thế là em về".

- Tại sao có chỗ làm tốt thế lại về?

- Tưởng ra nước ngoài phải làm việc thế nào chứ...

Cũng tương tự, có hai lao động quê đồng bằng sông Cửu Long, vừa sang được vài tháng đã gọi điện về kêu "sốt rét ác tính sắp chết". Gia đình tá hỏa, gõ cửa khắp nơi khiếu kiện. Khi tổ chức đoàn sang kiểm tra, thì ra hai cậu ấm không quen lao động, bịa chuyện "sốt rét ác tính" để được về nước.

Bảo vệ quyền lợi người lao động

Ngày 9-12-2005, Thủ tướng Phan Văn Khải nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 11, tổ chức tại Kuala Lumpur, đã đến thăm và nói chuyện tại Ðại sứ quán Việt Nam ở Malaysia. Thủ tướng nhắc nhở phải đặc biệt quan tâm vấn đề thu nhập và bảo vệ quyền lợi chính đáng của hơn 100 nghìn lao động Việt Nam tại đây; đồng thời kiên quyết xử lý những lao động bỏ trốn, phá hợp đồng hoặc gây rối trật tự ở nước sở tại, xây dựng hình ảnh tốt hơn về lao động Việt Nam ở Malaysia nói riêng và trên thế giới nói chung.

Ông Mai Viết Khai, Trưởng Ban quản lý lao động Việt Nam ở Malaysia kể cho chúng tôi "một nghìn linh một" tình huống phải xử lý. Có những trường hợp phải "đấu" với chủ để bảo vệ quyền lợi cho lao động, có những vụ việc phải chạy theo lao động mà giải quyết, không ít ngày lại phải ra làm việc với cảnh sát vì lao động vi phạm... Nhưng đau nhất là những tai nạn rủi ro khiến lao động bỏ mạng ở xứ người, đặt ra vấn đề phải bổ sung nội dung giáo dục định hướng cho lao động trước khi đi.

Khi được hỏi "Có trường hợp nào không giải quyết được không?", ông Khai trả lời ngay: Trường hợp nào cũng phải giải quyết! Ông nói thêm: Hơn 100 nghìn người là một xã hội thu nhỏ. Rất nhiều vấn đề phát sinh mà không chuyện nào giống chuyện nào.

Anh Nguyễn Gia Liêm, Phó ban, cho biết: Sáng nay đã tiếp nhận từ cảnh sát hai vụ việc: Tối 12-12-2005, bốn lao động Việt Nam đi chat, bị thanh niên bản xứ gây sự, các cu cậu liền về kéo "quân ta" ra, dùng dao gậy đánh nhau với họ. Thế là bị cảnh sát bắt. Cùng ngày, một anh chàng yêu một cô gái, bị cự tuyệt, bèn dùng dao dọa giết. Kết cục cũng không khác là bị cảnh sát đưa vào đồn.

Rõ ràng vấn đề mấu chốt là công tác chuẩn bị trước khi đưa lao động sang đây. Kinh tế Malaysia đang có mức tăng trưởng khá, năm 2005 khoảng 5,3%, và họ vẫn có nhu cầu lớn sử dụng lao động nước ngoài. Năm qua, từ tháng 11-2004 đến hết tháng 10-2005, chúng ta đã đưa 29 nghìn lao động sang đây làm việc, tăng gần gấp đôi so với năm trước. Và chắc chắn năm tới 2006, số lượng tiếp tục tăng thêm. Các cơ quan chức năng và doanh nghiệp xuất khẩu lao động cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn để lao động làm việc tại Malaysia không phải gặp những rủi ro đáng tiếc.