Bạn đọc Minh Phú (Hải Dương): Gần đây, ở quê tôi, tiếng pháo vẫn nổ. Ðối tượng đốt pháo thường là thanh thiếu niên, học sinh. Do pháo mua dễ quá, có em còn tàng trữ và tham gia buôn bán pháo.
Loại pháo lưu hành ở nông thôn hiện nay là pháo của Trung Quốc, làm thành từng hộp, với giá từ 1.500 đến 2.000 đồng/hộp, mỗi hộp 15 quả. Có loại nổ do va chạm, nhưng phần nhiều là pháo có ngòi thuốc cháy chậm, khi đốt thì quẹt giống que diêm.
Pháo tuy nhỏ, nhưng cũng nguy hiểm. Pháo được ném vào đám đông, ném vào người đi đường, ném vào những nhà gần đường, bất kể là mái nhà hay đống rơm, đống rạ.
Tết Bính Tuất còn hơn một tháng nữa mới đến. Vậy mà nguy cơ một cái Tết không an toàn đã "nổ" ra ở đây đó.
Ông Phạm Văn Nghị (Hà Nội): Thời gian vừa qua, liên tục xảy ra sự cố lưới điện làm gián đoạn việc cung cấp điện cho khách hàng. Nguyên nhân của các sự cố là do một số cơ quan, đoàn thể, xí nghiệp, bộ phận dân cư trong các dịp lễ, Tết, khai trương công sở và một số gia đình tổ chức cưới hỏi, khánh thành nhà, khai trương cửa hàng, đã bắn pháo hoa có dây kim tuyến gần đường dây và trạm điện. Kết quả là các dây kim tuyến vướng vào lưới điện gây sự cố mất điện cho cả một khu vực dân cư, gây ảnh hưởng việc sản xuất kinh doanh, sinh hoạt trong địa bàn, làm thiệt hại kinh tế cho các cơ quan, xí nghiệp, cửa hàng và nhân dân.
Cụ Hoàng Văn Lễ (Thanh Hóa): Từ hơn mười năm qua, nhân dân đã tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng tiền mua pháo đốt. Các làng, các xã có nghề làm pháo đã chuyển sang làm nghề khác, không còn xảy ra tai nạn, cháy nhà.
Chỉ còn mấy chục ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Bính Tuất, một số người đã phao tin "Trung Quốc cho đốt pháo 15 ngày từ ngày đưa ông Táo về trời đến ngày hạ nêu!" Qua báo Nhân Dân, nên nhắc lại kẻo rồi một số người bán giấu, bán lén lút pháo nổ. Ðêm giao thừa pháo nổ khắp nơi lấy ai mà lập biên bản, xử lý?
--------------
Không lãng phí bao bì và giấy làm bao bì
Cứ sau mỗi dịp lễ Tết, nhất là sau Tết Nguyên đán và Trung thu, hàng đống bao bì mầu đỏ rực rỡ lại được chất lên xe đẩy của công nhân môi trường để tập kết chuyển đến bãi rác.
Các bao bì bánh kẹo trước đây đơn giản mà vẫn trang nhã, chỉ chiếm 5-7% giá thành sản phẩm. Nhưng mấy năm lại đây, bao bì bánh kẹo đã rất cầu kỳ tốn kém, trở thành mốt, cho nên các hãng, các cơ sở sản xuất bánh ngọt chạy đua với nhau, đẩy công nghệ bao bì bánh kẹo vượt ra khỏi công dụng của nó.
Thử nhìn vào bao bì bánh Trung thu năm nay do các công ty nhà nước (Kinh Ðô, Hải Hà, Hà Nội...) cũng như các cơ sở sản xuất tư nhân khác, thì quả là rất đáng lo cho thị hiếu tiêu dùng của xã hội ta.
Một cái bánh trung thu (bánh dẻo, bánh nướng) nặng không quá ba lạng, kích thước 9x9 cm, mà bọc và phải mang tới năm lớp bao bì: lớp giấy bóng, lớp bao nhựa, lớp bìa gói cứng đỏ, hộp bìa cứng đỏ và sau cùng là túi xách bằng bìa cứng đỏ in hoa có hai dây đỏ để xách bằng ni-lông.
Tính ra, một hộp bánh hình tháp đựng bốn chiếc bánh, với giá 120.000 đồng, thì giá bốn chiếc bánh đắt nhất cũng chỉ 60.000 đồng. Như vậy, giá bao bì đã chiếm 50%. Hộp bánh hình chữ nhật đựng sáu chiếc giá 180.000 - 200.000 đồng, giá sáu chiếc bánh đắt nhất là 90.000 đồng.
Như vậy, giá bao bì đã nhiều hơn giá ruột của nó. Nên không ít trường hợp gia đình chính sách được biếu những hộp bánh đó, thấy đẹp quá không nỡ bóc ra, để quá hạn bị hỏng và thầm ước gì được biếu 5-7 chục nghìn đồng thì hay hơn.
Bao bì và giấy làm bao bì cho bánh mứt như trên là một sự lãng phí kép: bao bì là cái không ăn được phải bỏ đi, lại đắt tiền hơn cái ruột là cái ăn được. Phần lớn dùng làm bao bì phải nhập bằng ngoại tệ từ nước ngoài. Cái hại hơn nữa là tạo ra cho xã hội ta, nhất là lớp trẻ, tâm lý và thị hiếu phô trương hình thức, coi trọng hình thức phù phiếm bề ngoài hơn là thực chất thực dụng có ích.
Ðể khắc phục sự lãng phí về bao bì và giấy làm bao bì bánh mứt kẹo, đi đôi với khơi dậy ý thức tiết kiệm trong nhân dân, Nhà nước cần có chính sách hạn chế như đánh thuế cao vào giá giấy làm bao bì và xếp loại bánh kẹo này vào danh mục chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Ðồng thời, các cơ quan, các đơn vị nhà nước không mua các loại bánh mứt có dạng bao bì như trên để làm quà tặng, quà biếu. Các nhà sản xuất phải vì lợi ích người tiêu dùng và lợi ích đất nước, không nên làm các bao bì tốn kém, lãng phí như thế. Nhân đây cũng xin nói thêm là bó hoa hoặc cành hoa dùng để tặng, người ta cũng bọc bằng mấy lớp giấy bóng giấy tráng kim đều phải nhập từ nước ngoài. Như thế vừa tốn kém vừa mất hết ý nghĩa và cái đẹp, bởi hoa chỉ còn là vật điểm xuyết, thực chất chỉ là "tặng giấy".
ÐAN TÂM (Hà Nội)
|