Ðến xã Hưng Hội, hỏi về ngôi chùa Cù Lao, hầu như ai cũng biết và khâm phục tinh thần vượt khó, đặc biệt là những tấm lòng thơm thảo của các nhà sư đối với trẻ em nghèo.
Những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ, thất học, được cưu mang, đùm bọc, cho ăn học nên người. Nhiều người ở huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu) đã gọi các nhà sư ở chùa Cù Lao là "chiến sĩ diệt giặt dốt", quả không sai!
Những ngày cuối năm này, trở lại chùa Cù Lao, hỏi chuyện những đứa trẻ đang theo học tại đây, càng thêm khâm phục và kính trọng các nhà sư, tuy cuộc sống còn không ít khó khăn, thiếu thốn, ăn uống rất đạm bạc nhưng có một tấm lòng cao đẹp là yêu thương con người, đặc biệt là đối với trẻ em nghèo.
Ðại Ðức Phương Văn Thanh sôi nổi, kể: "Sau ngày miền nam giải phóng, Ban trị sự chùa tổ chức những lớp học cho sư sãi, tăng ni và con em đồng bào để thoát nạn mù chữ, dạy cả tiếng Việt và tiếng Khmer. Các sư dạy xóa mù chữ, bổ túc văn hóa tiểu học. Học sinh học lên cao, phải mời giáo viên để mở tiếp các lớp bổ túc văn hóa THCS, bổ túc văn hóa THPT. Kể từ năm 1981, những lớp học này được xác lập thành điểm trường bổ túc văn hóa trực của Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Vĩnh Lợi".
Ðiểm trường học chùa Cù Lao luôn luôn duy trì số học sinh gần 200 em học bổ túc văn hóa, học tiếng Khmer. Tùy số lượng, trình độ, thời gian học tập của học sinh mà nhà chùa tổ chức hoạt động giảng dạy.
Trong năm học, chỉ có các lớp bổ túc văn hóa dạy song ngữ Việt - Khmer cho người dân tộc. Các lớp khối 9, khối 12 mở cửa hai ngày thứ bảy và chủ nhật để cán bộ, nhân viên "chuẩn hóa" trình độ.
Các nhà sư trong Ban trị sự cho biết, ngành giáo dục chỉ ủng hộ tinh thần, còn mọi việc khác nhà chùa tự lo liệu; tự tìm nguồn thu học phí để trả thù lao cho giáo viên giảng dạy.
Theo quy định của Nhà nước, giáo viên THPT dạy được trả thù lao 13.000đ/ tiết,giáo viên THCS được trả 9.000đ/ tiết. Nhưng nhà chùa chỉ thu học phí đối với học sinh cấp bậc trung học là 360.000đ, cấp THCS 225.000đ mỗi học sinh trong suốt một năm học.
Ðặc biệt, đối với con em đồng bào dân tộc tùy theo tình hình kinh tế gia đình, được giảm hoặc miễn học phí, nuôi cơm, chỗ ở. Ðể có kinh phí cho việc giảng dạy, các sư không quản vất vả đi xin các nhà hảo tâm, các chùa bạn để duy trì các lớp học...
Ở Bạc Liêu, nhiều người biết đến chị Trần Thị Hoa Ry, Ủy viên thường vụ, Phó ban mặt trận thanh niên Tỉnh Ðoàn Bạc Liêu, từng là học sinh "trường chùa", là đại biểu Quốc hội hai khóa liền (khóa X và XI). Chị là đại biểu Quốc hội khóa X trẻ nhất, khi đó mới tròn 21 tuổi. Chị tâm sự: "Lần đầu tiên trúng cử Quốc hội, mình có cảm giác lạ lắm! Người dân quê mình rất vui, biết ơn Ðảng, Nhà nước và nhân dân quan tâm đến đồng bào các dân tộc thiểu số. Làm đại biểu Quốc hội mình lo lắm. Mình đã cố gắng hết sức mình để làm tròn nhiệm vụ, để đáp ứng sự tin tưởng của cử tri trong tỉnh mong đợi..."
Trọng Duy
|