Bài toán khó giải
Các Website khác - 21/05/2006
SỰ KIỆN & BÌNH LUẬN
Bài toán khó giải


Lư Phổ Ân
Tuần tới, Tổng Thư ký Liên Hợp quốc (TTK LHQ) Kofi Annan sẽ thăm Việt Nam trong chuyến công du Châu Á. Chuyến thăm này diễn ra trước thời điểm kỷ niệm 30 năm ngày Việt Nam gia nhập LHQ. Trong ba thập kỷ qua, mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và LHQ không ngừng phát triển và rất hiệu quả. Nhiều tổ chức trực thuộc của LHQ đã hợp tác giúp Việt Nam trên nhiều lĩnh vực và góp phần thiết thực vào sự phát triển của Việt Nam. Việt Nam cũng đã đóng góp tích cực vào các hoạt động của LHQ với tư cách là một thành viên có trách nhiệm, phấn đấu vì lợi ích chung của tất cả các thành viên LHQ.

Hiện tại LHQ đang vấp phải bài toán khó giải là cải tổ. Ông Annan vừa mới không thành công với đề nghị thay đổi cơ chế quyết định các vấn đề liên quan đến ngân sách và nhân sự của LHQ, lộ trình cải tổ LHQ mà ông Annan đã mấy lần đưa ra không được thực hiện trong khi nhiệm kỳ TTK của ông Annan lại sắp hết nên vấn đề bầu TTK mới cũng lại không kém phần phức tạp. Theo thông lệ bất thành văn của LHQ thì TTK mới của LHQ sẽ là người Châu AÁ. Hiện tại, không chỉ đã có 3 ứng cử viên (Hàn Quốc, Thái Lan và Sri Lanca) mà còn cả vấn đề khu vực Trung Đông và Vùng Vịnh có thuộc Châu AÁ hay không vì các nước ở đó cũng muốn cử người của họ ra ứng cử chức vụ TTK LHQ. Âậy là chưa kể đến các khu vực khác cũng cố tung ứng cử viên ra tranh cử.

Cuộc cải tổ LHQ bị trì trệ vì trên thực chất LHQ không có được sự đồng thuận về định hướng chính cho cuộc cải tổ, chẳng hạn như giữa các nước đang phát triển và các nước phát triển về sự phân chia quyền lực giữa Đại hội đồng LHQ và HĐBA LHQ, hay như giữa các uỷ viên thường trực HĐBA LHQ và những số thành viên LHQ có tiềm năng lớn về kinh tế, có đóng góp nhiều về tài chính cho ngân quỹ của LHQ, có uy tín quốc tế... về cải tổ chính HĐBA này như thế nào. Muốn cải tổ LHQ không thể không cải tổ HĐBA và không thể không thay đổi quy chế dành quyền phủ quyết cho 5 thành viên thường trực HĐBA như từ hơn 60 năm nay. Cũng chính trong bối cảnh đó mà việc bầu người kế nhiệm ông Annan trở nên phức tạp hơn.

Khác với người tiền nhiệm, ông Annan điều hoà được mối quan hệ riêng với từng thành viên thường trực HĐBA, nhưng cũng chính vì cung cách dĩ hoà vi quý đó mà ông Annan không thúc đẩy được công cuộc cải tổ LHQ, không tạo ra được sự khởi đầu với ý nghĩa và tác động cơ bản. Bây giờ, các thành viên thường trực HĐBA chẳng thích thú gì khả năng TTK mới chịu nghe theo họ thì ít mà ý thức được vị thế quyền lực của một TTK LHQ thì nhiều và lãnh đạo nhiều hơn thừa hành. Con người mới này không chỉ là người mới trong mối quan hệ quyền lực với họ, mà còn là người vận hành tiến trình cải tổ LHQ tiếp theo mà trước hết cũng lại động chạm đến quyền lực của họ. Bài toán này cần được LHQ giải từ lâu mà vẫn chưa có lời giải.