Băn khoăn trước năm học mới
Các Website khác - 24/10/2005
Năm học mới đã khai giảng được hơn một tháng. Những nỗ lực của ngành giáo dục và đào tạo cho năm học là rất nhiều. Song, những điều băn khoăn của các bậc phụ huynh thì chưa hết.
Bạn đọc Trần Thiện (Hà Nội): Chúng tôi được biết hiện nay việc thu học phí ở các trường phổ thông vẫn thực hiện theo quy định tại Ðiều 3 Quyết định số 70/1998/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo văn bản này, "HÐND và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ vào nhu cầu phát triển giáo dục, mức sống của nhân dân địa phương mình và khung học phí tại điều này để quy định về mức thu học phí áp dụng cho các đối tượng thuộc các hình thức giáo dục đào tạo ở từng địa bàn, từng vùng trong tỉnh hoặc thành phố". Các Thông tư liên tịch giữa Bộ GD và ÐT với Bộ Tài chính cũng ghi rõ, ngoài học phí, các trường và cơ sở giáo dục và đào tạo được thu lệ phí tuyển sinh và tiền xây dựng trường, mức thu cũng do HÐND và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định. Nhưng trong thực tế, không trường học nào chỉ thu ba loại phí này. Các khoản thu ngoài quy định mà các trường đặt ra lớn gấp nhiều lần ba khoản nói trên cả về số khoản thu và số tiền thu, như các loại tiền quỹ lớp, trường, phụ huynh, đoàn đội, khuyến học; tiền đồng phục; BHYT; bảo hiểm thân thể; tiền vệ sinh, nước uống; bán trú. Có nơi, người dân ở địa bàn có trường đóng, mặc dù không có con cháu theo học, cũng vẫn phải đóng tiền xây dựng trường. Ðã vậy, các khoản tiền này hầu hết tập trung thu vào buổi họp phụ huynh đầu năm, gây khó khăn cho không ít gia đình. Ðiều đáng quan tâm là những khoản thu đó được sử dụng ra sao, thì người đóng góp không được biết. Ðây là kẽ hở để tiêu cực, tham nhũng phát triển.

CTV Ðỗ Tấn Ngọc (Quảng Ngãi): Kể từ năm học này, học sinh lớp 9 không phải vất vả để vượt qua kỳ thi tốt nghiệp hết cấp THCS nữa, mà dựa vào kết quả học lực và hạnh kiểm của lớp 9 để được xét, cấp chứng nhận tốt nghiệp cấp THCS. Bỏ đi một kỳ thi mà vẫn bảo đảm được chất lượng thì sẽ đem lại biết bao lợi ích cho học sinh và xã hội. Nhưng, kỳ thi này có mối liên hệ cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến việc tuyển sinh vào lớp 10. Trong nhiều năm qua, khi còn tổ chức thi tốt nghiệp THCS, nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước chỉ căn cứ kết quả điểm thi tốt nghiệp lớp 9 để xét tuyển vào lớp 10, kể cả vào trường điểm, công lập hay bán công, nghĩa là giảm kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 không cần thiết. Nay không thi tốt nghiệp THCS nữa, thì dựa vào căn cứ, tiêu chí nào để tuyển chọn học sinh vào lớp 10? Việc thông báo bỏ kỳ thi tốt nghiệp THCS, nhưng lại chưa phổ biến chủ trương thi tuyển sinh lớp 10 ra sao, làm không ít phụ huynh băn khoăn, lo lắng. Nếu không có phương án tốt, học sinh bậc THCS vẫn chưa thể thoát sự khổ cực về thi cử. Dư luận cho rằng, đã bỏ kỳ thi tốt nghiệp THCS thì cũng không nên bắt các em phải hao tổn sức lực, thời gian, tiền bạc vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 nữa. Mong mỏi của đông đảo phụ huynh là làm thế nào để chọn được học sinh lớp 9 đủ điều kiện vào học lớp 10 một cách đàng hoàng, nghiêm túc, công bằng. Ðề nghị Bộ GD và ÐT sớm có các tiêu chí cụ thể mang tính đồng bộ, thống nhất cho 64 tỉnh, thành phố trong cả nước và thông báo rộng rãi để công tác tuyển sinh vào lớp 10 kể từ năm học này đạt được những yêu cầu cơ bản về chất lượng, về sự công bằng, khách quan.

Bạn đọc Hải Hà (Hải Phòng): Chống dạy thêm, học thêm là một trong bốn nhiệm vụ lớn của ngành giáo dục và đào tạo đặt ra cho năm học này. Ðể đạt được hiệu quả, Bộ GD và ÐT đã có văn bản quy định việc quản lý dạy thêm, học thêm, đưa ra chế tài xử phạt bằng kinh tế đối với giáo viên vi phạm, đồng thời giao các Sở GD và ÐT thực hiện việc kiểm tra, quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn. Nhưng, xem ra việc dạy thêm, học thêm hiện nay vẫn chưa giảm, nếu không nói là có phần phát triển. Không chỉ học sinh cấp THPT và lớp cuối cấp học để chuẩn bị thi, mà số học sinh bậc tiểu học, THCS các khối lớp, kể cả các em nhỏ trước khi vào lớp 1, cũng đua nhau học thêm. Ðể hợp lý hóa việc dạy thêm của mình, nhiều giáo viên yêu cầu cha mẹ học sinh làm đơn dưới hình thức "tự nguyện" xin được cho con học thêm. Bản thân giáo viên thì báo cáo nhà trường là lập lớp để phụ đạo học sinh kém, hoặc bồi dưỡng học sinh giỏi. Các lớp học thêm thường đặt địa điểm ngoài trường học, cho nên khó kiểm tra, phát hiện. Dư luận cho rằng muốn quản lý được việc dạy thêm, học thêm, phải nâng cao trách nhiệm từ chính nhà trường, đi đôi với cải tiến phương pháp giảng dạy là hình thức thưởng phạt thật nghiêm minh.