Một tiếng nói lạc lõng, một việc làm sai trái
Các Website khác - 24/10/2005
Theo GS Trần Hữu, sự phê phán trong cái gọi là bản "báo cáo" "Chủ nghĩa Mác và hệ lụy" do ông Hoàng Minh Chính trình bày tại một diễn đàn gần đây sẽ ít nhiều có giá trị, nếu người phê phán tôn trọng nguyên tắc tranh luận trung thực. Nhưng sự phê phán đó lại quá ư dễ dãi, dựa trên sự giản đơn hóa, thô kệch hóa, cắt xén và xuyên tạc tác phẩm của Mác.
Trên mạng internet gần đây có đưa tin ông Hoàng Minh Chính được phép đi chữa bệnh ở Mỹ và về những hoạt động của ông ta ở đó. Là một người làm khoa học, tôi chú ý đến cái gọi là bản "báo cáo" của ông tại một diễn đàn gần đây có tiêu đề đầy tính chất học thuật: "Chủ nghĩa Mác và hệ lụy". Mặc dầu lý luận, học thuật trong báo cáo của ông không có gì nhiều, song tôi vẫn quan tâm xem ông ta nói thế nào về chủ nghĩa Mác, về "hệ lụy" của nó.

Cảm tưởng đầu tiên của người đọc là ở đây các luận điểm phê phán Mác không có gì mới. Vẫn là hai chủ đề chính: "Ðấu tranh giai cấp, chuyên chính vô sản" và "xóa bỏ chế độ tư hữu". Vẫn là các luận chứng, luận cứ phần nhiều lấy từ một số các tác giả Mỹ và sách báo phương Tây từng nói đi nói lại. Sự phê phán dù đúng, dù sai cũng sẽ ít nhiều có giá trị, nếu người phê phán tôn trọng nguyên tắc tranh luận trung thực. Nhưng đáng buồn là sự phê phán của ông ta lại quá ư dễ dãi, vì nó dựa trên một sự trình bày giản đơn hóa, thô kệch hóa, cắt xén và xuyên tạc tác phẩm của Mác. Ngay câu ông trích trong tác phẩm Tuyên ngôn của Ðảng cộng sản cũng bị cắt xén, sửa đổi, xuyên tạc. Về lối phê phán Mác thô kệch và xuyên tạc như vậy, sách báo nước ta và thế giới đã phê phán từ lâu.

Cũng như nhiều học giả và chính trị gia chống Mác khác, Hoàng Minh Chính chĩa mũi nhọn vào "đấu tranh giai cấp" và "chuyên chính vô sản" mà ông ta cho rằng, ngoài những từ "trần trụi" đó, Mác không nói gì thêm được nữa. Theo Hoàng Minh Chính, lý luận đấu tranh giai cấp, chuyên chính vô sản của Mác chỉ dẫn đến các hành động cực đoan, hà khắc như trấn áp, tịch thu, xóa sạch rất tàn bạo. Hoàng Minh Chính trình bày dường như chính Mác là người tạo ra đấu tranh giai cấp.

Muốn phê phán lý luận đấu tranh giai cấp của Mác, chí ít Hoàng Minh Chính cũng phải nhớ rằng Mác từng nói, ông không hề có công phát hiện ra giai cấp và đấu tranh giai cấp. Ông chỉ có công phát hiện quy luật tồn tại, phát triển và diệt vong của giai cấp và đấu tranh giai cấp. Ðúng vậy, đấu tranh giai cấp đã tồn tại từ hàng nghìn năm lịch sử. Chính cuộc đấu tranh giai cấp do giai cấp tư sản tiến hành đã trực tiếp xóa bỏ chế độ phong kiến, đưa giai cấp tư sản lên nắm chính quyền từ mấy thế kỷ nay. Và từ đó giai cấp này tiếp tục "đấu tranh giai cấp", dùng bạo lực không hạn chế để mở rộng và duy trì địa vị thống trị của nó. Mác không bao giờ nóirằng đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản chỉ là bạo lực. Ðối với Mác, bạo lực trong tay giai cấp vô sản chỉ là phương tiện chống lại bạo lực của giai cấp thống trị, và bạo lực chỉ là "bà đỡ" hỗ trợ cho việc ra đời của xã hội mới. Ông Hoàng Minh Chính không hiểu hay cố tình quên rằng Mác từng có quan điểm của chủ nghĩa cộng sản không phải là "đấu tranh giai cấp muôn năm" mà ngược lại, là xóa bỏ giai cấp, do đó cũng xóa bỏ đấu tranh giai cấp, xóa bỏ bạo lực nói chung. Ðấu tranh giai cấp không phải là cuộc đấu tranh đơn phương mà là cuộc đấu tranh của cả hai phía, phía giai cấp thống trị và phía các giai cấp bị trị, trong đó giai cấp thống trị nắm trong tay các công cụ bạo lực có tổ chức. Trong thực tế lịch sử, chính các giai cấp thống trị (phong kiến, tư sản) đã không ngần ngại dùng bạo lực để dìm các cuộc nổi dậy của nhân dân trong biển máu (chẳng hạn Công xã Paris năm 1871). Còn ngày nay ai đang nắm trong tay những công cụ bạo lực, gây ra những tội ác kinh hoàng, chẳng lẽ ông Hoàng Minh Chính không biết?

Các cuộc cách mạng trong lịch sử, kể cả cách mạng vô sản, đã từng phạm những sai lầm đáng tiếc trong việc sử dụng bạo lực. Ðó không phải là do thấm nhuần chủ nghĩa Mác. Ðể vu cáo chế độ xã hội chủ nghĩa, ông Hoàng Minh Chính đã xuyên tạc lịch sử một cách trắng trợn khi đưa ra những con số hàng chục triệu người chết ở các nước xã hội chủ nghĩa. Brê-dơ-din-xki còn đưa ra con số hàng trăm triệu người bị tàn sát. Trong khi vu cáo chủ nghĩa xã hội, các chuyên gia chống chủ nghĩa xã hội, như Hoàng Minh Chính, hoàn toàn tảng lờ trước các câu hỏi của lịch sử: Ai đã gây ra hai cuộc chiến tranh thế giới đẫm máu làm chết và bị thương hàng trăm triệu người, nếu không phải là chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa phát-xít? Ai đã ném bom nguyên tử giết hại hàng chục vạn người dân vô tội? Ai đã dùng bạo lực và những thủ đoạn áp bức bóc lột tàn bạo đẩy nhiều dân tộc, trong đó có dân tộc Việt Nam chúng ta, đến bờ vực của họa diệt chủng? Thế lực nào đã đem hàng chục vạn quân xâm lược nước ta trong 30 năm, ném hàng triệu tấn bom xuống các thành thị, làng mạc, trường học, bệnh viện của Việt Nam, đã rải hàng vạn lít chất độc mầu da cam xuống đất nước ta? Trong Tuyên ngôn Ðảng cộng sản, Mác nói lịch sử đấu tranh giai cấp là nói về lịch sử chính trị, lịch sử các biến cố lớn dẫn đến thay đổi các chế độ xã hội. Chính Mác là người đầu tiên nói rằng sản xuất vật chất, khoa học kỹ thuật và những quan hệ giữa người trong sản xuất tạo ra nền tảng của xã hội trên đó hình thành nên thể chế chính trị, giai cấp, Nhà nước...

Lại một lần nữa ông Hoàng Minh Chính lặp lại như vẹt A.Tofler khi nói đấu tranh giai cấp chỉ thuộc về văn minh nông nghiệp, ngày nay chỉ còn tàn dư và nó không ảnh hưởng tới nền tảng xã hội xét về bản chất.

Ông Hoàng Minh Chính cũng thừa nhận "nhà bác học tài ba Các Mác... đã thành công trong việc phê phán mặt trái của công nghiệp tư bản chủ nghĩa". Nhưng ông có biết thành công trong phê phán chủ nghĩa tư bản có nghĩa là gì không? Có nghĩa là đã vạch rõ bản chất và cơ sở tồn tại của chế độ tư bản chủ nghĩa, đó là tìm kiếm lợi nhuận tối đa, không có độ dừng, bằng bóc lột giá trị thặng dư; đã vạch rõ chế độ tư bản chứa đựng những mâu thuẫn không thể khắc phục nổi, chẳng hạn mâu thuẫn tư bản và lao động, mâu thuẫn giữa một bộ phận dân cư ngày càng giàu lên khống chế phần lớn tài sản xã hội, thực chất nắm hết mọi quyền hành, với bộ phận dân cư ngày càng nghèo đi trong một xã hội tiêu dùng, tiện nghi, của cải thừa thãi. Có nghĩa là đã chứng minh khoa học rằng chủ nghĩa tư bản là một nấc thang lịch sử tất yếu nhưng là tất yếu nhất thời, cũng giống như các chế độ xã hội khác. Như nhiều học giả Mỹ và phương Tây thừa nhận, ngày nay, sự phê phán của Mác đối với chủ nghĩa tư bản vẫn giữ nguyên giá trị.

Phê phán Mác chỉ là khúc dạo đầu để Hoàng Minh Chính chuyển sang chủ đề chính yếu của ông ta. Ðó là bày tỏ thái độ chống đối quyết liệt cách mạng Việt Nam, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của nhân dân Việt Nam. Vũ khí chủ yếu của ông ta là xuyên tạc trắng trợn sự thật lịch sử.

Ông đã báo cáo, tâu bày những gì với các quan chức và học giả Mỹ? Thật là không còn một từ ngữ xấu xa nào mà ông không dùng. Ông ta nói: Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là "nhà tù lớn" giam giữ 80 triệu tù nhân nô lệ. Ông ta nói: Sự phẫn nộ trong nhân dân hiện nay dâng lên như biển động sóng cao ngút trời. Ông ta nói: Việt Nam đứng ở đáy nhân loại trên mọi bình diện. Ðương nhiên ông ta không quên kể tội Việt Nam vi phạm nhân quyền, đàn áp tôn giáo, v.v... và v.v... Chắc cũng có những người tin vào lời lẽ của ông ta. Nhưng đa số bà con Việt kiều ở nước ngoài và những người Mỹ tỉnh táo không tin vào giọng điệu của ông ta, vì nó quá phi lý, trái với sự thật lịch sử.

Những người hằn học với sự nghiệp cách mạng, với công cuộc đổi mới của Việt Nam, dù có vu cáo, xuyên tạc như thế nào cũng không xóa bỏ được sự thật lịch sử: 60 năm qua, Việt Nam đã thay đổi căn bản:

- Từ một thuộc địa mất cả tên trên bản đồ thế giới, Việt Nam trở thành một quốc gia độc lập, tự do, phát triển theo con đường mà mình lựa chọn, có vị thế ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới.

- Ðất nước từ một nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu, bị 30 năm chiến tranh xâm lược tàn phá nặng nề, đã vượt qua biết bao khó khăn thử thách để bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Những thành tựu về phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, về cải thiện đời sống nhân dân, về phát triển dân chủ, về thực hiện quyền con người của Việt Nam trong 20 năm qua là hiển nhiên không thể phủ nhận. Một số dẫn chứng:

+ Từ 1990 đến 2000, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân năm đạt 7,5%. Từ 2001 đến 2005, tốc độ tăng trưởng GDP cũng tăng gần 7,5%/năm.

+ Nét nổi bật của sự phát triển ở Việt Nam là phát triển kinh tế đi đôi với tiến bộ xã hội và công bằng xã hội. Số dân cư giàu có tăng nhanh đi đôi với những thành tích ấn tượng về xóa đói, giảm nghèo. Ngay từ năm 2002, Việt Nam đã được LHQ đánh giá là "hoàn thành sớm hơn so với kế hoạch toàn cầu: giảm một nửa tỷ lệ nghèo vào năm 2005". Năm 2000, cả nước đã đạt chuẩn quốc gia về xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học. Tỷ lệ người lớn biết chữ đã tăng từ 88% cuối năm 1980 lên 95% năm 2004. Chỉ số phát triển con người (HDI) từ mức dưới trung bình (0,498 năm 1990) tăng lên mức trung bình (0,688 năm 2002). Năm 2004, với chỉ số 0,691, Việt Nam xếp thứ 112 trên tổng số 177 nước được điều tra. Năm 2005 Việt Nam được lên 4 bậc xếp thứ 108 trong tổng số 177 nước được điều tra. Tuổi thọ trung bình của người dân từ 63 tuổi năm 1990 tăng lên 73 tuổi năm 2005. Rõ ràng sự phát triển của Việt Nam là hướng về con người. 80 triệu "tù nhân" đã làm được như thế đấy!

Về chủ đề "dân chủ", "nhân quyền" trong "báo cáo" của ông, tôi chỉ trao đổi với ông một vấn đề, trong đó: Vấn đề tôn giáo, mà ông nói là Việt Nam đàn áp tôn giáo. Sự thật hoàn toàn trái ngược với những điều ông vu cáo.

Về mặt quan điểm: Ðảng Cộng sản Việt Nam có cái nhìn rất khoáng đạt khi cho rằng: "Tín ngưỡng tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Ðồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc" (Văn kiện Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa IX).

Về mặt pháp lý: Hiến pháp năm 1992 ghi rõ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, ghi rõ "Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước". Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo của Nhà nước công bố ngày 29-6-2004 nêu rõ: "Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo và quyền tự do không tín ngưỡng, tôn giáo. Nghiêm cấm sự phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo... Công dân theo tôn giáo hoặc không theo tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật... Mọi hành vi vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để chống lại Nhà nước... ngăn cản tín đồ làm nghĩa vụ công dân, làm hại đến nền văn hóa lành mạnh của dân tộc và hoạt động mê tín, dị đoan đều bị xử lý theo pháp luật".

Về mặt thực tế: Tôi trích ý kiến nhận định của một số nhân vật ở trong nước và nước ngoài.

Mục sư Siu Kim ở Plây Cu trả lời phỏng vấn báo Hà Nội mới ngày 20-2-2002:

"Chuyện cấm đạo tin lành ở Gia Lai là hoàn toàn không có. Nếu như trước những năm 1980, số người theo đạo Tin lành ở Gia Lai mới có 3.000 người thì nay cả tỉnh có hàng chục nghìn người... Việc kẻ xấu đưa tin người theo đạo bị chính quyền buộc từ bỏ đạo, bị đốt nhà thờ, là bịa đặt".

Ông Nguyễn Cao Kỳ trả lời phỏng vấn của báo Thanh niên 1-6-2004: "Không phải riêng tôi mà cả trăm nghìn người Việt kiều hải ngoại về thăm quê đều thấy chùa chiền ngày càng xây cất nhiều ra, người đi chùa, người đi nhà thờ đông nghìn nghịt, hoàn toàn không có sự cấm cản gì cả. Nếu mà nói về sự tự do tôn giáo thì thật sự có tự do, không ai có thể chối cãi được...".

Ông A.Xô-va-gi-át cựu Ðại tá quân đội Mỹ, Trưởng đại diện Công ty General Electic của Mỹ tại Hà Nội: "Tôi khẳng định rằng người bị bắt không bao giờ vì lý do tôn giáo mà vì vi phạm luật pháp của chính đất nước đã nuôi dưỡng họ... Tôi nghĩ một số thành phần thù địch ở Mỹ cố tình xuyên tạc về tình hình Việt Nam và không hiểu thực tế vì chưa bao giờ đặt chân đến Việt Nam... Tôi khẳng định rằng, về tự do tôn giáo và nhân quyền, mọi người Việt Nam đều hưởng quyền tự do tôn giáo theo đúng nghĩa tôn giáo".

Ông P.Peteson, cựu Ðại sứ Mỹ ở Việt Nam, trong thư gửi các Hạ nghị sĩ Mỹ ngày 18-7-2004, viết: "Trong thời gian làm Ðại sứ Mỹ tại Hà Nội, nhân quyền luôn là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của tôi và tôi có thể bảo đảm với các bạn rằng mười năm qua Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể trong cải thiện quyền tự do cá nhân, khoan dung tôn giáo và tuân thủ những tiêu chuẩn chung của quốc tế về nhân quyền".

Nêu những sự thật trên đây, tôi không muốn nói rằng, trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, phát triển dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, mọi sự ở Việt Nam đều mười phân vẹn mười. Trái lại, như Báo cáo chính trị Ðại hội IX và Dự thảo Báo cáo Chính trị Ðại hội X đã chỉ rõ, vẫn còn nhiều tồn tại, khuyết điểm mà thẳng thắn, công khai vạch rõ những khuyết điểm đó. Ðông đảo quần chúng nhân dân, các tổ chức chính trị xã hội, bằng nhiều kênh khác nhau, đặc biệt là trên các phương tiện thông tin đại chúng, đã thường xuyên góp ý kiến với Ðảng và Nhà nước. Xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, phát triển bền vững không đơn giản như những lời rao giảng về tự do, dân chủ nhân quyền của ông Hoàng Minh Chính.

Những người sử dụng ông ta như công cụ chính trị đã quảng cáo cho ông, và ông cũng tự huyễn hoặc mình - thành "nhà bất đồng chính kiến", "chiến sĩ đấu tranh cho dân chủ, tự do". Nhưng chỉ riêng việc đi tìm tự do bằng cách cầu xin ngoại bang can thiệp vào đất nước mình - mà hàng chục vạn gót giày xâm lược ngoại bang ấy đã giày xéo đất nước mình trong hàng chục năm trời - đủ chứng tỏ phương pháp của ông "tự do", "dân chủ" như thế nào, và ông là người yêu nước thương nòi ra sao?

Người Việt Nam rất trọng tín nghĩa. Dân ta xem việc Nhà nước cho ông đi chữa bệnh ở Hoa Kỳ là cử chỉ vô cùng bao dung, nhân đạo. Vì vậy, dân ta coi việc ông lợi dụng thiện chí đó để chửi bới, vu cáo, xuyên tạc đất nước là việc làm hèn hạ,... Một người tuổi tác và có học không thể làm những việc sai trái và xấu xa như vậy.

Theo GS Trần Hữu