Bão số 7 gây gió cấp 11 tại Nam Định, Thanh Hoá
Các Website khác - 26/09/2005

(VietNamNet) - PV VietNamNet có mặt cách có mặt cách chân sóng bãi biển Hải Thịnh (Hải Hậu, Nam Định) 200m điện về cho biết, vào hồi 6h sáng nay, bão đã đổ bộ vào đây. Gió rất mạnh, cấp 11, 12 kèm theo mưa lớn. Sóng to dồn về phía bờ, tuy nhiên chưa có sự cố gì.

Từ Hậu Lộc (Thanh Hoá) lúc 6h35 ngày 27/09 PV VietNamNet điện về: Mặc dù cơn bão số 7 chưa vào đất liền nhưng đã gây ra mưa to và gió giật cấp 10, 11 tại huyện Hậu Lộc và hầu hết các huyện ven biển tỉnh Thanh Hoá. Cột điện đổ làm 4 người bị thương và gián đoạn thông tin liên lạc giữa huyện và các xã.

Trao đổi với PV VietNamNet, ông Mai Văn Ninh, Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hoá, trưởng ban PCLB tỉnh cho biết: “Ngày và đêm hôm qua, tỉnh cho di dời trên 100,000 dân đến nơi an toàn ở tất cả các huyện ven biển như Hoằng Hoá, Nga Sơn, Hậu Lộc, Tĩnh Gia, Quảng Xương, Sầm Sơn. Theo dự báo, trong ít giờ nữa bão số 7 đã đổ bộ vào tỉnh Thanh Hoá ở vĩ tuyến 19,5 độ vĩ bắc và 107 độ kinh đông. Gió giật trên cấp 11 và mưa rất to. Nhiều cây cối đã bị đổ. Nhiều cột điện bị gẫy. Và nhiều nhà dân bị tốc mái, sụp đổ.”

Ông Ninh cho biết thêm, cơn bão số 7 đang diễn biến phức tạp và triều cường dâng cao. Các cấp chính quyền tỉnh Thanh Hoá đang chủ động cảnh báo cho nhân dân nâng cao cảnh giác khi nước triều dâng cao, nhất là khi mắt bão vào đất liền sẽ có thời gian ngừng mưa và gió, người dân thường chủ quan dễ để xảy ra sự cố.

Tại huyện Hậu Lộc (Thanh Hoá) vào lúc 2 giờ sáng gió mạnh dần lên cấp 9,10, trời mưa nhỏ. Đến 4 h sáng gió lên tới cấp 11,12. Chủ tich UBND huyện chỉ đạo, không để bất cứ hộ dân nào được ở lại trong những nhà cấp 4 mà phải di dời hết lên các nhà mái bằng, kiên cố. Lúc 5 h sáng, tại xã Thịnh Lộc đã có 4 người bị thương do cột điện đổ.

Đến 20 giờ tối qua, bão số 7 chỉ còn cách bờ biển Hải Phòng - Nghệ An khoảng 250 km. Hiện bão số 7 đang di chuyển chậm lại, khoảng 15km/giờ. Sức gió vùng tâm bão vẫn ở cấp 12. Với tốc độ này, phải đến 12g trưa nay, bão mới đổ bộ vào các tỉnh Nam Định, Thanh Hoá, Nghệ An.

Bây giờ là 0h31', phóng viên VietNamNet từ Hải Hậu (Nam Định) thông báo: Gió đã mạnh lên tới cấp 9, cấp 10; mưa lớn. Hàng dương liễu trồng dọc hai bên đường đã bị gió thổi rạp gây ách tắc giao thông. Cho đến thời điểm này vẫn còn gần 30 người dân đang cố gắng sơ tán tránh bão theo sự hướng dẫn của lực lượng quân đội.

Tại Thanh Hóa, phóng viên VietNamNet cũng vừa điện về thông báo: Gió đã mạnh tới cấp 10, mưa rất to.

Phóng viên VietNamNet từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nam Định...cập nhật những diễn biến mới nhất từ tâm bão số 7. Hồi 22h đêm, đèn điện ở thị xã Đồ Sơn tắt phụt, phố xá vắng tanh. Những cơn sóng mạnh bắt đầu vỗ vào kè đá tung bọt nước lên những con đường nơi chân sóng...


Soạn: AM 561986 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Tàu thuyền xếp hàng "trốn" bão


  • BẤM VÀO ĐÂY để nghe tường thuật trực tiếp từ Hải Phòng
  • BẤM VÀO ĐÂY để nghe tường thuật trực tiếp từ Quảng Ninh


    Thanh Hóa: Cưỡng chế di dân

    Theo nhận định của Ban PCLB tỉnh Thanh Hoá, cơn bão số 7 nếu vào tỉnh Thanh Hoá sẽ gây thiệt hại nặng cho 2 huyện Hậu Lộc và Tĩnh Gia. Từ 19h đến 22h30 ngày 26/9, theo ghi nhận của PV VietNamNet tại huyện Hậu Lộc, công tác chuẩn bị đối phó với cơn bão số 7 đã hoàn tất.

    Có mặt tại UBND xã Minh Lộc, Trung tá Đoàn Mạnh Đề, Phó trưởng Công an huyện Hậu Lộc cho biết, đến thời điểm này đã có gần 500 bộ đội thuộc quân khu 4 và tỉnh đội Thanh Hoá, 160 cán bộ công an huyện, tỉnh về giúp dân phòng chống bão số 7.

    Theo báo cáo toàn huyện Hậu Lộc có 12km đê mặc dù vừa bị tàn phá sau cơn bão số 6 nhưng đã được lực lượng bộ đội và dân quân gia cố. Tuy nhiên, hệ thống đê ở đây chỉ trụ được bão cấp 9. Tại xã Minh Lộc, một trong những xã trọng yếu nhất của huyện Hậu Lộc, ông Vũ Huy Đăng, Chủ tịch xã cho PV biết, lo lắng nhất bây giờ là 1,3km đê xung yếu của xã, nếu bị vỡ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến toàn bộ xã và các xã lân cận.

    Về công tác di dân, đến thời điểm này, huyện Hậu Lộc đã di chuyển được gần 30,000 dân đến các điểm cao như trường học, trụ sở.

    PV VietNamNet đã có mặt tại điểm di dân trường THCS Hoà Lộc, nơi đây chỉ có vài phòng học nhưng chứa tới hơn 2,000 người, chủ yếu là người già, phụ nữ và trẻ em. Phó Hiệu trưởng Hoàng Văn Công cho biết, trường đã huy động tối đa phòng học để hỗ trợ bà con. Riêng về ăn uống, bà con tự túc những thứ như mỳ tôm, lương khô.

    Tại trường THPT Hậu Lộc 1, Phó chủ tịch xã Ngư Lộc Nguyễn Văn Huấn cho biết, từ chiều đến giờ đã có hơn 20 xe ca, chưa kể xe máy đưa người dân đến tạm trú an toàn tại đây. Bà Nguyễn Thị Ái, 64 tuổi, thôn Thanh Phúc, xã Ngư Lộc mếu máo kể: “Tôi cùng 2 cháu nội được đưa lên đây từ chiều, ăn bằng mỳ tôm, uống nước tạm bợ. Sợ lắm, không đi không được. Đi thì ngủ vạ vật, muỗi nhiều, không màn, chăn. Nhưng vẫn phải đi cho an toàn.” Trong nỗi nhớ của bà Ái, khoảng 50 năm trở lại đây mới có một trận bão có vẻ to như thế.

    Từ những thông tin của chính quyền, qua đài báo, nhân dân các xã trọng yếu Hậu Lộc bắt buộc phải di tán, người dân miền biển này vẫn hoảng hốt khi nhớ lại trận áp thấp nhiệt đới ập vào Hậu Lộc năm 1996 làm chết hơn 100 người. Vì thế, họ không thể không di tán theo lời kêu gọi của chính quyền, dù cực khổ.

    Hậu Lộc đang sẵn sàng đối phó chủ động nhất với cơn bão số 7.

    Thanh Hóa quyết định đưa 73.788 người tránh bão, trong đó, Nga Sơn 15.480, Sầm Sơn 820 người, Hậu Lộc 33.580 người, Quảng Xương 6.497 người, Tĩnh Gia 17.151 người và Hoằng Hóa 4.000 người. Hai tuyến đê xung yếu là Hậu Lộc và Tĩnh Gia đã huy động 600 công an và gần 1.000 chiến sĩ quân đội đến giúp công tác di dân và sẵn sàng ứng cứu khi bão về.

    Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng tỉnh Thanh Hóa, sáng mai (27/9) bão số 7 sẽ đổ bộ trực tiếp vào Thanh Hóa. Ông Mai Văn Ninh, Phó chủ tịch UBDN tỉnh Thanh Hóa - Trưởng ban PCLB tỉnh Thanh Hóa yêu cầu: Hệ thống đê biển của Thanh Hóa không có khả năng chống đỡ với sức gió lớn kết hợp với triều cường. Vì vậy, chúng tôi yêu cầu phải ban hành lệnh sơ tán dân, kiên quyết chỉ đạo và cưỡng chế việc di chuyển sơ tán dân trước 18h hôm nay. Lãnh đạo huyện phải trực tiếp chỉ đạo việc sơ tán dân.

    Các ngành quân sự, công an, y tế, bộ đội biên phòng, giao thông vạn tải đã sẵn sàng đối phó với bão và sơ tán dân. Sở GDĐT đã cho học sinh các trường vùng ven biển nghỉ học bắt đầu từ chiều 26/9 đến hết 27/9.

    Tại xã Quảng Cư, thị xã Sầm Sơn, Chủ tịch UBND xã Vũ Đình Dinh cho biết, đến thời điểm này, xã đã di dân được 250 hộ, phần lớn là trẻ em, người già và phụ nữ vào những nơi cao hơn như trụ sở UBND xã. Tại đây, các hộ gia đình đã tự nấu cơm ăn, thực phẩm chuẩn bị đầy đủ. Mỗi gia đình chỉ giữ lại 1 người đối phó với bão.

    Tại huyện Tĩnh Gia, những xã trọng yếu như Hải Thanh, Hải Thượng, Hải Châu, Hải Bình, Nghi Sơn... cũng đang được di chuyển về nơi an toàn trước 18h.

    Nam Định cắt tỉa cây "đón" bão số 7.

    Nam Định: 7 tỷ đồng "đón" bão

    Từ 21/9, khi có tin bão xa, có khả năng di chuyển và “xâm nhập” vào các tỉnh, thành phía Bắc; UBND tỉnh Nam Định đã chủ động triển khai sớm các họat động phòng bão số 7.

    Đến trưa nay (26/9), đã có hơn 28.000/120.000 người ở 19 xã của 3 huyện giáp biển: Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Giao Thủy được sơ tán khởi nơi nguy hiểm. Dự tính, đến cuối ngày, sẽ sơ tán tòan bộ dân ở 3 huyện trên vào nơi trú bão an tòan.

    Công tác phòng chống bão số 7 chủ yếu tập trung vào 19 xã của 3 huyện ven biển: Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Giao Thủy, những nơi có khả năng xảy ra thiệt hại nghiêm trọng do bão số 7 gây ra.

    Công tác hộ đê ở những vị trí xung yếu, nhằm đối phó với bão số 7 diễn ra khá quy mô, cụ thể:

    Ông Trần Đình Ca: "Chưa bao giờ Nam Định dốc tòan lực để "đón bão như lần này!"

    Ở huyện Giao Thủy, đã sử dụng 1.725 bộ rọ thép, trên 2.000 m3 đá hộc, 15.000 m3 đất, hàng chục ngàn mét vuông vải, bao tải cùng nhiều vật tư khác, với trên 15.000 người được huy động vào công tác hộ đê ven biển.

    Trong khi đó, ở huyện Nghĩa Hưng đã huy động 3.500 người góp sức vào công tác hộ đê, với trên 1.500 bộ rọ thép, 2.400m3 đất, 1.700m3 đá hộc, 2.000m2 vải chống tràn và hàng chục ngàn bao tải chứa đất…

    Đặc biệt, ở huyện Hải Hậu huy động 19.500 người vào công tác hộ đê, trên 100 phương tiện vận chuyển, hàng chục ngàn mét khối đất đá, cùng bao tải, vải chống tràn, dây thép…


    Ngoài ra, ở các huyện, thành phố còn lại đã tập trung chằng chống nhà cửa, di dời dân ở những căn nhà xuống cấp sang nơi ở kiên cố, cắt tỉa những cây có khả năng bị đổ do bão.

    Đến chiều nay (26/9), công tác “đón” bão đã cơ bản hòan thành. Tất cả lãnh đạo tỉnh và các ban, ngành liên quan liên tục đi thị sát, kiểm tra và bám các địa bàn xung yếu. Riêng cán bộ trong Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nam Định đã trải qua 8 ngày thiếu ngủ vì công tác chuẩn bị.

    Soạn: AM 562065 gửi đến 996 để nhận ảnh này

    Hải Phòng chuẩn bị phao chống bão

    Trao đổi với phóng viên VietNamNet, ông Trần Đình Ca - Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, kiêm Phó Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB&TKCN) tỉnh Nam Định cho biết:

    "Với sức gió mạnh như hiện nay, nếu đổ vào đất liền sẽ gây thiệt hại lớn cho tỉnh. Mặc dù các công tác phòng chống đã cơ bản hoàn thành, nhưng nguy cơ vỡ đê hòan tòan có khả năng xảy ra!”

    Ông Ca cho biết, Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Nam Định đã chủ động kêu gọi thanh niên khỏe mạnh ở 3 huyện xung yếu “bám đất”, phối hợp với lực lượng quân đội địa phương tăng cường gia cố đê. Đặc biệt, khi bão gây ra vỡ đê, lực lượng xung kích này sẽ tham gia ứng cứu đê.

    Bên cạnh các biện pháp phòng chống vỡ đê và ứng cứu khẩn cấp trong trường hợp xảy ra vỡ đê, những ngày qua, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Nam Định đã phối hợp cùng Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng bắn pháo hiệu, kêu gọi 60/60 tàu đánh bắt xa bờ và 417 phương tiện của 1.700 ngư dân đang đánh bắt hải sản về đất liền trú bão.

    Từ 21/9, tỉnh Nam Định đã triển khai các biện pháp phòng chống bão số 7.

    Từ chiều 25/9, đã đóng tòan bộ các cống trên tuyến đê biển để chống nước tràn vào và khẩn trương cứu lúa, hoa màu.

    Riêng ở 3 huyện xung yếu ven biển (Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Giao Thủy), UBND tỉnh đã huy động lực lượng, vật tư, phương tiện, hậu cần, thuốc men… để bảo vệ người dân trong trường hợp bão đổ vào và gây thiệt hại.

    Hải Phòng: Dời 8.000 người khỏi khu vực nguy hiểm

    Công an TP Hải Phòng đã huy động toàn bộ lực lượng trên 5.000 người đến các tuyến đê xung yếu và giúp di dân. Có khoảng 8.000 người sẽ được di dân khỏi các khu vực nguy hiểm. Đến 17h chiều nay (26/9), 70% dân ở khu vực Tân Vũ, thuộc phường Tràng Cát, quận Hải An đã được tổ chức di dân.

    Phóng viên VietNamNet đang có mặt tại phường Tràng Cát cho biết, đến 18h chiều, 100% số hộ sẽ được di dân vào phía trong. Mỗi gia đình chỉ giữ lại 1 người đối phó với bão. Họ chính là lực lượng tại chỗ đồng thời kết hợp với công an, biên phòng bảo vệ tài sản.

    Soạn: AM 561984 gửi đến 996 để nhận ảnh này
    Khoá cửa đi "trốn" bão

    Đến chiều nay (26/9), hầu hết dân những vùng nguy hiểm đã được đưa đến những nơi an toàn. Thuyền bè của ngư dân đã được gọi về trú bão.

    Việc bảo vệ tài sản ở lại cũng được lo chu đáo. Theo ghi nhận của PV VietNamNet suốt dọc đường từ TP Hải Phòng ra Đồ Sơn, dân đã chằng nhà cửa kỹ càng. Từng chiếc thang được người dân tận dụng chắn cửa. Các cửa hàng bán đồ điện đã chuyển sang bán áo phao. Anh Vường ở 145 đường Nguyễn Hữu Cầu, Hải Phòng cho biết trong ngày hôm nay anh đã bán được 100 chiếc ao phao với giá 50.000 đồng/chiếc.

    Quảng Ninh bình yên chờ bão số 7

    15h hôm nay (26/9) trời Quảng Ninh mây mù nhiều, không nắng, tầm trưa mưa lác đác; chưa có gió giật. Tuy nhiên, người dân đã nghe đài, đọc báo, biết Quảng Ninh không thuộc vùng tâm bão nên không thấy lo lắng; một số còn bình yên ngồi hóng mát. Chợ vẫn họp; các dịch vụ vẫn mở. Trên cánh đồng, đây đó vẫn thấy những người nông dân gặt lúa. Đa số người dân được hỏi đều cho bão số 7 không đáng ngại.

    Chưa biết bão số 7 sẽ diễn biến ra sao, Quảng Ninh đã trong tư thế sẵn sàng chờ bão. Tàu thuyền đã bị cấm ra khơi. Đoàn của Hội đồng Các nhà DN kinh doanh Asean bị huỷ chuyến tàu thăm vịnh sáng nay.

    VietNamNet sẽ tiếp tục cập nhật tình hình bão số 7 trong thời gian sớm nhất đến bạn đọc…

    • Tường thuật: Phan Công, Anh Tuấn, Công Thành, Thế Lê Vinh
    • Ảnh: Lê Anh Dzũng, Phạm Hải