(VietNamNet) - Viện Lâm sàng các bệnh nhiệt đới và Bệnh viện Đống Đa đang ráo riết chuẩn bị sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân khi đại dịch cúm xảy ra. Tuy nhiên, chủ động đối mặt với đại dịch như vậy nhưng cả 2 bệnh viên vẫn còn chưa an tâm khi thiếu lực lượng.
Từ cách ly đến... cách ly
''Khu vực cách ly, cấm người nhà vào trong''. Cách đó vài bước một tấm biển to hơn: ''Khu vực cách ly''. Chỉ trong vài mét vuông của khu cấp cứu Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới (BV Bạch Mai) có tới 2 tấm biển cảnh báo.
Dù dịch cúm A/H5N1 mới ở mức cảnh báo nhưng tại Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới mọi công tác chuẩn bị đối phó đã sẵn sàng.
Bước chân tới cầu thang, thứ mùi đặc trưng này đã xộc thẳng vào mũi. Một căn phòng nhỏ chừng hơn 15m2 nào là giường bệnh, máy siêu âm, máy thở, ống truyền... mà phòng lại kín, chạy máy điều hoà càng làm sức ngột ngạt tăng lên. Nếu dịch lớn sự ngột ngạt này còn tăng lên.
Nếu là thời ''điểm nóng'' của dịch, tất cả y bác sĩ đều phải tuân thủ nguyên tắc ''trời không mưa vẫn phải mặc áo mưa" (trang phục bảo hộ y tế). Các y bác sĩ hàng ngày phải ''3 cùng'' với môi trường điều trị bệnh nhân: cùng ăn, cùng ngủ và cùng làm việc.
Hiện nay, bệnh dịch chưa bùng phát, vẫn ở giai đoạn cảnh báo nên mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên, mọi công tác chuẩn bị đối phó với dịch thì đã sẵn sàng.
Theo BS Nguyễn Thị Tường Vân, Phó Khoa cấp cứu - Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới (BV Bạch Mai): ''Viện đã chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, hóa chất, thuốc men, máy thở... Trong trường hợp xấu nhất dịch bùng phát sẽ không bị động''.
Điều mà các y bác sĩ lo nhất hiện nay nếu xảy ra đại dịch là nhân lực và cơ sở vật chất. ''Với 12 máy thở, 200 giường bệnh và cả viện có 120 bác sĩ, y tá, hộ lý chúng tôi chỉ có thể điều trị số lượng bệnh nhân quy mô nhỏ".
"Theo cảnh báo của các chuyên gia, nếu đại dịch xảy ra người bệnh có thể lên tới hàng ngàn người. Như vậy, bệnh viện chắc chắn sẽ quá tải'', BS Tường Vân tỏ ra lo lắng.
Hiện nay, nếu tính riêng khoa cấp cứu của BS Tường Vân chỉ có 7 bác sĩ, 18 y tá, hộ lý phân nhau trực 2 ca/ngày. Nếu đại dịch xảy ra số nhân lực này không thể đáp ứng được. Những lo lắng của BS Vân hoàn toàn có cơ sở.
Tất cả vì... H5N1!
Theo sự phân công của Ban chỉ đạo phòng chống đại dịch cúm ở người Thành phố Hà Nội, bệnh viện Đống Đa là 1 trong 3 bệnh viện của HN được giao nhiệm vụ tiếp nhận bệnh nhân cúm.
Bệnh viện đã chuẩn bị sẵn sàng khu vực cách ly gồm 30 giường bệnh cùng nhân lực, cơ số thuốc, trang thiết bị (ở giai đoạn hiện nay - tương ứng giai đoạn 3 của WHO) đến phương án giành 100% cơ số giường phục vụ điều trị bệnh nhân cúm (ở giai đoạn 4-5 của WHO).
TS Nguyễn Thị Bích Đào, Giám đốc Bệnh viện Đống Đa cho biết, Ban Chỉ đạo khẩn cấp phòng chống đại dịch cúm ở người năm 2005-2006 của Bệnh viện Đống Đa được thành lập từ cuối tháng 10.
Các kế hoạch chuyên môn, cơ sở vật chất, bảng phân công trách nhiệm, các buổi tập huấn của bệnh viện cũng đã và đang được chuẩn bị ráo riết. Chiều 15/11, toàn bộ bác sỹ, điều dưỡng, y tá, dược sĩ của bệnh viện được triệu tập để nghe phổ biến kế hoạch chi tiết, nhiệm vụ phòng chống dịch cúm.
Bệnh viện đã thành lập 3 tổ điều trị, mỗi tổ gồm 5 bác sĩ, 10 điều dưỡng, 1 hộ lý với nòng cốt là bác sĩ chuyên khoa Truyền nhiễm và Hồi sức cấp cứu. Ngoài ra, bệnh viện cũng thành lập 2 đội cơ động chống dịch, mỗi đội gồm 2 bác sỹ và 2 điều dưỡng.
Theo kế hoạch, khi số bệnh nhân cúm trên toàn quốc dưới 100 người, những bệnh nhân nghi ngờ cúm được chuyển đến Viện Lâm sàng các bệnh nhiệt đới và Bệnh viện Nhi TW. Chỉ khi nào số bệnh nhân cúm trên toàn quốc trên 100 người, bệnh viện Đống Đa bắt đầu tiếp nhận bệnh nhân.
Theo TS Nguyễn Thị Bích Đào, khi dịch xảy ra ở cấp độ I (Khi có dưới 10 bệnh nhân cúm điều trị tại bệnh viện) thì toàn bộ giường bệnh của 7 phòng tại tầng 3 khoa Truyền nhiễm được sử dụng. Khoa Truyền nhiễm chỉ để lại bệnh nhân nặng tại phòng cấp cứu, các bệnh nhân khác chuyển sang khoa Nội và Nhi. Riêng bệnh nhân HIV/AIDS được chuyển đến Trung tâm 09 và cho ra viện điều trị tại cộng đồng.
Khi dịch xảy ra ở cấp độ II (có từ 11-50 bệnh nhân cúm vào điều trị), bệnh viện sẽ giành toàn bộ giường bệnh của khoa Truyền nhiễm để điều trị cho bệnh nhân. Khi dịch xảy ra ở cấp độ III (có từ 51-200 bệnh nhân vào điều trị) sẽ giành 100% cơ số giường của bệnh viện dành tiếp bệnh nhân cúm.
Khi dịch xảy ra ở cấp độ IV (có trên 200 bệnh nhân cúm vào điều trị), đại dịch đã bùng phát vượt quá khả năng kiểm soát của bệnh viện và của ngành y tế, cần có sự tham gia của nhiều cấp, ngành, lực lượng khác nhau theo chỉ đạo chung.
Tuy nhiên, theo phương pháp dịch tễ học của WHO thì khi đại dịch cúm xảy ra sẽ gây bệnh cho 10% dân số, gây tử vong cho 1% dân số. Như vậy, với dân số Hà Nội hiện nay khoảng 3 triệu người, khi đại dịch xảy ra, số người mắc sẽ là 300.000 người, số tử vong sẽ là 30.000 người.
Như vậy, với số lượng bác sĩ, cơ sở vật chất thiếu thốn như hiên nay tại các bệnh viện chuyên ngành, chúng ta không thể yên tâm khi đại dịch thật sự bùng phát ở Việt Nam?
Chưa phát dịch đã đông khách |
Trong đợt dịch cúm A đầu năm nay, Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới đã tiếp nhận trên 130 trường hợp viêm phổi cấp với các triệu chứng sốt, khó thở, tức ngực... Trong đó, khoảng 20% được phát hiện nhiễm H5N1. Vài tuần qua, tại nhiều địa phương trong cả nước cũng xuất hiện các bệnh nhân có biểu hiện giống cúm A như sốt, ho, khó thở, tức ngực... Tuy nhiên, các trường hợp được xét nghiệm hầu hết đều cho kết quả âm tính với H5N1. Trong đợt dịch mới này, chỉ mới 2 bệnh nhân được xác định là nhiễm virus cúm gia cầm, đó là anh Hải ở Hà Nội, nhiễm H5N1, và anh Nhật ở Hải Phòng, nhiễm virus H3. Cả 2 người đều đã tử vong. |
Thế Vinh - Lệ Hà
▪ Ngành y tế chuẩn bị diễn tập phòng, chống đại dịch cúm (15/11/2005)
▪ Du lịch Việt Nam và hiện tượng hướng dẫn viên người Hàn Quốc (15/11/2005)
▪ Một cụ rùa tròn 175 tuổi (15/11/2005)
▪ Phan Ðăng Lưu - người cộng sản, nhà báo ưu tú (15/11/2005)
▪ Những đoạn đường "đắt nhất hành tinh" (15/11/2005)
▪ Luật mà chưa phải luật (16/11/2005)
▪ Hy sinh "thượng đế"! (16/11/2005)
▪ Sau 30/11 không được nuôi chim cảnh ở TP HCM (15/11/2005)
▪ TP HCM ồ ạt thịt gia cầm trước thời hạn cấm (15/11/2005)
▪ Gà cúm, trứng cũng lao đao (15/11/2005)