Biếu Tết thời lương, thưởng kém
Các Website khác - 21/01/2009
Nhiều chủ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cho biết, quà biếu các đối tác, gia đình của họ năm nay phải cắt giảm đến 40 - 50% so với cùng kỳ. Còn người lao động có thu nhập trung bình khá cũng chọn cách chi tiêu hợp lý, tiết kiệm nhưng vẫn thể hiện được tình cảm đối với người được biếu là lựa chọn của số đông.
“Cắt, xén” quà cho đối tác
 
Đến văn phòng của anh Chăm - Giám đốc một công ty kinh doanh thiết bị công nghiệp mới thành lập tại Hà Nội những ngày cận Tết này vẫn thấy anh và các nhân viên làm việc cặm cụi.
 
Trái với cùng kỳ năm trước khi anh còn là Phó Giám đốc một doanh nghiệp khác cùng lĩnh vực, thời điểm trước Tết hai tuần, mọi công việc đã phải ngừng hết lại để lo việc mua sắm quà biếu, lịch liên hoan tất niên dày đặc với các doanh nghiệp đối tác và nhân viên. Thay vì cảnh tất bật, rộn rã năm ngoái thì anh Chăm cho hay: “Thời điểm này tôi vẫn chưa thấy bất cứ cái gì gọi là không khí Tết”.
 
Anh Phạm Ngọc Minh – phụ trách kinh doanh một công ty phát triển viễn thông tại Hà Nội cùng đồng nghiệp đi sắm hàng chục giỏ quà Tết cho nhân viên. Mỗi giỏ quà giá 500.000 đồng năm nay, theo anh kém hơn mức thưởng bằng tiền mặt 700 – 800.000 đồng/người của năm ngoái.
 
Anh Chăm nhớ lại ở công ty cũ, trong số khoảng 40 đối tác có mối liên hệ thân thiết phải gửi một giỏ quà biếu giá trị từ 300 – 500.000 đồng thì ban giám đốc còn chọn ra 10 đối tác có mức doanh số lớn nhất (từ 700 triệu – 1 tỷ đồng) để biếu thêm một phong bì khoảng 2 - 3 triệu đồng. Với nhân viên, Tết âm lịch mỗi người còn được thưởng ít nhất một tháng lương và một giỏ quà. "Vậy mà công ty cũ của tôi năm nay cũng chỉ thưởng cho mỗi người trung bình khoảng 1 triệu đồng" - anh nói.
 
Ở công ty mới do anh sáng lập, mặc dù vẫn có những khách hàng quan trọng nhưng do năm vừa rồi kinh tế khó khăn, kinh doanh không thuận lợi, Tết này anh Chăm quyết định “tiết kiệm”, tạm thời cắt giảm hết các khoản đối ngoại.
 
Ngay cả mua sắm cho gia đình, biếu họ hàng cũng giảm nhiều. Giáp Tết năm ngoái, anh Chăm còn dành cả một ngày nghỉ đánh ô tô đi siêu thị mua sắm đủ thứ lích kích, hết 4 – 5 triệu đồng, thì năm nay anh chỉ dành vỏn vẹn 2 triệu đồng để sắm và tiêu Tết với chủ trương "ăn Tết đơn giản, mua sắm nhanh chóng”.
 
Chủ một doanh nghiệp xin giấu tên, kinh doanh trong lĩnh vực điện tại thị xã Hà Đông, Hà Nội trong lúc đang chờ thanh toán tại siêu thị BigC Thăng Long cũng nhẩm tính, năm nay ngân sách dành cho quà biếu các bên cũng giảm từ 30 – 40%. Quan sát các sản phẩm mà anh lựa chọn để biếu, hầu hết là bánh kẹo nội, rượu nội với giá cả phải chăng.
 

Mua sắm quà biếu Tết sôi động tại các siêu thị Hà Nội.

 
Giữ người, giảm mình
 
Khác với việc cắt giảm mạnh chi tiêu như một số chủ doanh nghiệp kể trên, với những người lao động có thu nhập trung bình - khá, xác định việc biếu xén khó có thể cắt xén, thậm chí còn phải tăng hơn do đồng tiền năm nay mất giá, tâm lý chung là đều giảm, hạn chế trong gia đình để duy trì đối ngoại.
 
Trỏ vào số sản phẩm bánh kẹo vừa chọn trong siêu thị, anh Đàm Xuân Lương ở xã Đồng Mai, Hà Đông cho biết, mua lặt vặt để biếu, sắm Tết năm ngoái nhà anh hết khoảng 5 triệu đồng. Nhưng năm nay do các con anh đi làm da giày không đủ việc, thưởng Tết giảm gần một nửa, từ mức 3 triệu của năm ngoái, giảm còn 1,5 - 2 triệu nên Tết này cả nhà phải tiết kiệm hơn.
 
Song, tiết kiệm ở đây theo anh Lương là chỉ đối với những mua sắm không cần thiết, ăn Tết trong nhà chỉ ở mức đủ dùng, ví dụ Tết thường mua 5 con gà thì nay giảm còn 3 con, chứ còn các mối quan hệ thân tình thì vẫn phải duy trì.
 
Tương tự quan điểm trên, chị Nguyễn Phương Hoa, làm việc tại một công ty tư nhân thuộc quận Thanh Xuân, sau khi thanh toán số tiền sắm và biếu Tết nội ngoại hơn 2 triệu đồng cũng chia sẻ: “Cả năm mới có một dịp Tết nên không thể cắt giảm mà vẫn phải cố gắng giữ nguyên như cũ”.
 
Công tác tại một cơ quan Nhà nước, theo lệ, trước Tết nhân viên thường phải thu xếp “đi Tết” sếp lớn sếp bé, Kim Ngân, 25 tuổi quê Phú Thọ rành rọt các loại rượu ngoại, cây cảnh, đồ cổ hoặc phong bì… tùy theo sở thích, tâm lý của sếp mà lựa chọn.
 
Dù cho thu nhập thực tế giảm sút nhưng so về sự trượt giá và mặt bằng giá năm nay thì hiển nhiên mức chi Tết sếp còn lớn hơn năm trước - Ngân nói và kể thêm, tâm lý là việc đối ngoại có chu toàn thì ăn Tết mới thoải mái nên ngay bản thân cô, dù muốn mua sắm vài bộ quần áo mới nhưng cũng phải đành tạm gác.
 
Theo Vietnamnet