SỰ KIỆN & BÌNH LUẬN BMW và xe đạp
Lê Thanh Phong Nhật báo International Herald Tribune, số ra ngày 8.2 có bài phân tích về tình hình kinh tế của Việt Nam, trong đó đưa ra nhận định của Spencer White - chuyên gia chiến lược về chứng khoán phụ trách khu vực Châu Á của một Cty tư vấn và quản lý tài chính lớn nhất thế giới - rằng: "BMW đang dần thay thế xe đạp trên đường phố Hà Nội và TPHCM". Chuyên gia này cố ý nhấn mạnh triển vọng phát triển của Việt Nam bằng hình ảnh thay xe đạp, nhưng không đi xe hơi thông thường, mà là một trong những loại xe hơi có thương hiệu hàng đầu thế giới.
Đọc dòng tin trên thật đáng để nở một nụ cười, vì báo chí thế giới đã có sự đánh giá tích cực về sự phát triển kinh tế ở Việt Nam và chúng ta dường như thấy đã qua rồi cái thời thiếu đói, người dân Việt Nam như bước một bước từ xe đạp lên hẳn xe hơi. Nhưng, nếu ngẫm nghĩ kỹ câu nói của Spencer White, sẽ thấy "cười ra nước mắt". Bởi vì, đối với nhiều nước trên thế giới, hay như các nước trong khu vực, chiếc xe hơi là phương tiện quá bình thường, thì ở Việt Nam còn là đồ xa xỉ, là món hàng quá xa vời đối với nhiều người. Chuyên gia này khá chính xác trong câu chữ khi nói "đang dần thay thế". Có nghĩa là kinh tế Việt Nam đã có dấu hiệu thay đổi và sẽ dần dần được thay đổi theo hướng tích cực. Và càng chính xác hơn khi chỉ rõ rằng, hiện tượng xe hơi thay dần xe đạp là chỉ ở Hà Nội và TPHCM.
Chúng ta phải hiểu rằng, còn lại hơn 60 tỉnh, thành khác, hình ảnh chiếc xe đạp cọc cạch đại diện cho sự lạc hậu và đói nghèo vẫn còn đó. Chưa kể, trong những chiếc BMW - đại diện cho một bộ phận khá giả ít ỏi đó - thử hỏi có bao nhiêu chiếc (hiểu cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) được làm ra từ đồng tiền lương thiện, bao nhiêu chiếc từ những hoạt động bất lương mà có?
Điều đáng suy nghĩ nữa, tuy được xem là một nước nghèo, nhưng Việt Nam đã có những thay đổi đáng kể. Sự thay đổi từ một nước mà người dân từng coi chiếc xe đạp là gia sản, nay đã có người mua được xe hơi tất nhiên đã là một thành công bước đầu trong phát triển và hội nhập.
Thoát ra khỏi đói ăn, khát uống để có được cơm ăn, áo mặc như hôm nay là bắt đầu từ công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng từ 20 năm về trước. Nhân dân mong muốn có một công cuộc đổi mới tiếp theo mạnh mẽ hơn, bứt phá hơn, toàn diện hơn để Việt Nam nhanh chóng trở thành một quốc gia dân chủ, văn minh và giàu có. Để một ngày rất gần, không phải một tờ nhật báo, mà cả thế giới biết rằng Việt Nam đã dẹp bỏ hoàn toàn chiếc "xe đạp" cổ lỗ của quá khứ, để phóng trên những xa lộ thênh thang bằng những "phương tiện" hiện đại số 1 của nhân loại. |