Trung tâm giáo dục lao động xã hội Cần Thơ có chức năng tiếp nhận người nghiện ma túy và người hành nghề mại dâm (đối tượng 05 và 06) để chữa trị bệnh và giáo dục, dạy nghề hướng nghiệp, tạo cơ hội cho họ tái hòa nhập cộng đồng. Bình quân mỗi năm có từ 750 đến 900 học viên đến trung tâm bằng nhiều kênh khác nhau.
Ông Dương Văn Khương, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: Những năm gần đây, công tác tiếp nhận quản lý giáo dục các đối tượng thuộc diện 05 - 06 ở trung tâm đã đạt được thành công đáng kể, là nhờ thay đổi mô hình, phương pháp tiếp nhận, quản lý, điều trị và giáo dục học viên. Nếu người nào chưa học hết tiểu học hoặc mù chữ, thì tổ chức cho học viên học văn hóa để phổ cập tiểu học cùng với dạy nghề. Nếu học viên ở khu vực nông thôn ngoại thành thì đào tạo các nghề như nuôi trồng thủy sản, mộc gia dụng, hớt tóc, thợ xây dựng, các đối tượng không đủ khả năng lao động nặng thì dạy nghề dệt chiếu, đan thảm, tiểu thủ công khác. Ðối với học viên là người cư trú ở khu vực nội thành, thị xã thì dạy nghề may công nghiệp, điện dân dụng, sửa xe gắn máy, vi tính...
Với cách làm này, trung tâm đã huy động hơn 92% số học viên ở trung tâm hằng ngày tham gia học tập, lao động, tham gia các sinh hoạt văn hóa văn nghệ, thể dục, thể thao, tạo cho các em tính siêng năng, cần mẫn trong công việc, tránh được các hiện tượng lo sợ, chán nản, buồn bực, nhớ gia đình... Vì vậy, các biểu hiện tiêu cực, gây gổ, đánh nhau không còn xảy ra phổ biến như trước đây, ngược lại tạo được tinh thần đoàn kết, thân ái giúp đỡ nhau trong học tập, sinh hoạt, vui chơi, làm cho môi trường luôn có sức sống lành mạnh, văn hóa. Sau khi rời trung tâm trở về gia đình, mỗi học viên đều có nghề nghiệp để sinh sống, nhờ đó mà tỷ lệ tái nghiện, "tái nghề" giảm đáng kể.
Trong số những học viên hoàn thành chương trình cai nghiện và học nghề được trở về cộng đồng, cũng có một số xin ở lại để phục vụ trung tâm, có người đã trưởng thành, dạy nghề lại cho học viên mới, như trường hợp anh Phan Văn Nh ở phường Thới Bình, quận Ninh Kiều, xin ở lại trung tâm để phục vụ. Anh tâm sự: Không ở đâu tốt hơn môi trường ở đây. Ban giám đốc tạo điều kiện cho anh phấn đấu và đã trở thành cán bộ quản lý của trung tâm, anh đang chuẩn bị lập gia đình.
Hay như trường hợp của đôi vợ chồng N.T.H và N.T.N ở thị trấn Long Mỹ, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. Khi mới vào trung tâm, hai anh chị là con nghiện nặng, do tái nghiện nhiều lần, cuộc đời tưởng chừng như bỏ đi. Nhờ sự giáo dục, động viên của ban quản giáo, hai người quyết tâm đoạn tuyệt với quá khứ, họ yêu nhau và tiến tới hôn nhân. Thấy anh chị quyết tâm làm lại cuộc đời, chính quyền địa phương xây cho anh chị căn nhà, cho vay vốn để buôn bán làm ăn. Ðến nay họ đã có hai đứa con một trai, một gái đang học mẫu giáo. Mỗi khi có dịp là anh chị lại ghé thăm trung tâm, với tình cảm biết ơn chân thành. Ðó mới chỉ là vài trường hợp trong số gần 4.600 con người đã được chữa khỏi bệnh, được hướng nghiệp, dạy nghề ở Trung tâm giáo dục lao động xã hội Cần Thơ, và hoàn lương trở về với gia đình và cộng đồng. Nhiều người trong số họ đang sống bằng chính ngành nghề đã học được từ trung tâm này.
|