Vẫn chung sống với ô nhiễm chết người
Các Website khác - 10/02/2006
Hơn ba năm đã trôi qua, kể từ khi có kết luận về mức độ ô nhiễm thuốc trừ sâu rất nặng ở khu 2, xã Yên Tập, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ), nhưng các hộ dân ở đây vẫn chưa thể di dời đi nơi khác vì không đủ kinh phí.
Số người mắc bệnh ung thư ở xã Yên Tập, ngày một nhiều đang gây sự quan tâm, lo ngại lớn trong dư luận. Một trong những nguyên nhân được đưa ra là do ô nhiễm thuốc trừ sâu. Chính quyền địa phương và các ngành chức năng tỉnh Phú Thọ đã vào cuộc từ cuối năm 2002, nhưng đến nay người dân vẫn đang chung sống với tình trạng ô nhiễm nguy hiểm chết người này.

Tìm hiểu thực tế tại xã Yên Tập, chúng tôi ghi nhận sự lo lắng của cán bộ và người dân ở đây. Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến căn bệnh quái ác này là do kho thuốc trừ sâu của Trạm vật tư nông nghiệp huyện Cẩm Khê sơ tán về khu 2 từ năm 1966 đến 1973 gây ra.

Anh Phan Kim Ninh, Trạm trưởng Y tế xã cho biết: Trong ba năm (từ 2003 đến 2005), xã có tới 16 người chết vì ung thư gan, ung thư phổi và hiện tại có sáu người mắc căn bệnh này. Xã có bảy khu hành chính, thì khu 2 là nơi có nhiều người bị ung thư nhất, từ năm 1979 đến nay có tới 10 người bị ung thư và tám người đã chết, có gia đình ba đời đều có người chết vì ung thư. Tuy nhiên, cũng theo anh Ninh, thì trong số 16 người chết vì ung thư ba năm gần đây, chỉ có hai người ở khu 2, còn lại các khu khác và chủ yếu ở khu 5, ở khá xa khu 2.

Ông Hoàng Xuân Lệ, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Ngày ấy, người dân chưa hiểu hết mức độ độc hại của thuốc trừ sâu, cho nên coi việc chung sống với chúng là bình thường. Khi kho thuốc chuyển đi, có gia đình còn dựng nhà ngay trên nền kho cũ. Mãi về sau, khi một số người bị mắc nhiều chứng bệnh như rụng tóc, bạc đầu sớm... rồi ung thư, người dân mới làm đơn kiến nghị xã, đề nghị cấp trên kiểm tra, xem xét.

Sau khi tiến hành điều tra theo đơn của nhân dân, ngày 24-9-2002, Sở Khoa học - Công nghệ và Môi trường tỉnh Phú Thọ có kết luận gửi UBND tỉnh, khẳng định: Ô nhiễm môi trường (đất, nước, không khí) do Trạm vật tư nông nghiệp huyện Cẩm Khê làm nhà kho, cửa hàng và chôn lấp thuốc trừ sâu từ năm 1966 đến 1973 tại khu 2, xóm Quang Trung, xã Yên Tập như đơn của nhân dân là đúng sự thật. Quá trình gây ô nhiễm kéo dài và chưa có biện pháp khắc phục. Mức độ ảnh hưởng do ô nhiễm môi trường đến đời sống, kinh tế, sức khỏe của chín hộ dân là nghiêm trọng. Dân trong chín hộ hay bị mắc bệnh dị ứng, bệnh phổi và ung thư, từ năm 1979 đến nay (2002) đã có bảy người chết vì ung thư. Nhân dân không thể phát triển được kinh tế vườn, ao, chuồng, mà còn phải đầu tư khá nhiều tiền của, công sức cho việc chữa bệnh cứu người.

Báo cáo cũng đề nghị UBND tỉnh giao UBND huyện Cẩm Khê nghiên cứu, xem xét lập phương án di dời và hỗ trợ kinh phí di chuyển chín hộ dân khu vực ô nhiễm trình UBND tỉnh; đề nghị Sở Y tế tổ chức điều tra sức khỏe người dân vùng bị ô nhiễm và có biện pháp bảo vệ sức khỏe cho dân.

Ngày 21-9-2004, UBND huyện Cẩm Khê có văn bản chỉ đạo chính quyền xã Yên Tập, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Y tế huyện, triển khai việc di dời chín hộ dân và kiểm tra sức khỏe cho các nhân khẩu của các hộ này. Ðến ngày 5-11-2004, UBND huyện Cẩm Khê có công văn báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện, tiếp tục khẳng định: Ô nhiễm môi trường ở khu 2, xã Yên Tập là rất nặng, ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe của dân.

Trung tâm Y tế huyện đã khám sức khỏe miễn phí và lập sổ y bạ theo dõi sức khỏe cho các nhân khẩu của chín hộ trong khu vực. Kết quả kiểm tra sức khỏe 60/70 nhân khẩu của các hộ, thì 13 người mắc bệnh về phổi, sáu người về tiêu hóa, 11 người mắc bệnh ngoài da, 10 người mắc bệnh khác. UBND huyện đã chỉ đạo xã tổ chức di dời ngay các hộ ra khỏi khu vực bị ảnh hưởng ô nhiễm. UBND xã đã quy hoạch khu vực đất để các hộ chuyển đến, trước mắt chưa thu tiền sử dụng đất, hỗ trợ mỗi hộ hai triệu đồng từ nguồn hỗ trợ di dân. Tuy nhiên, các hộ đều nghèo, không đủ kinh phí di chuyển, cho nên công việc không tiến triển. UBND huyện đã đề nghị UBND tỉnh và các sở: Tài chính - Vật giá, Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, hỗ trợ kinh phí cho các hộ khi phải di dời, có chính sách hỗ trợ khám, theo dõi, điều trị bệnh và phục hồi sức khỏe cho chín hộ dân.

Tuy nhiên, hơn một năm nữa lại trôi qua, nhưng mọi việc vẫn dậm chân tại chỗ. Ngoài văn bản của Sở Tài chính cho rằng, trách nhiệm bồi thường cho dân thuộc về Trạm vật tư nông nghiệp huyện (đã giải thể) và ngân sách tỉnh không thể cân đối được nguồn kinh phí để hỗ trợ, thì không có một sự hồi âm nào khác! Tháng 8-2005, Sở Tài nguyên - Môi trường cử cán bộ về Yên Tập kiểm tra thực tế tình hình ô nhiễm môi trường, lấy mẫu đất, nước để xét nghiệm, nhưng chưa thấy thông báo kết quả.

Hơn ba năm đã trôi qua, kể từ khi có kết luận về mức độ ô nhiễm rất nặng ở khu 2, xã Yên Tập, nhưng các hộ dân ở đây vẫn tiếp tục sống, sinh hoạt mặc dù vẫn biết mức độ ô nhiễm nguy hiểm chết người, vì họ không đủ kinh phí di dời. Nguyên nhân dẫn đến ung thư có phải do thuốc trừ sâu hay không chưa được làm rõ, vì trong số 16 người chết vì ung thư ba năm qua, chỉ có hai người ở khu 2. Ðiều này phải có thời gian, có kết luận khoa học, nhưng việc di dời chín hộ dân là việc không đáng để kéo dài. Chủ tịch UBND xã Yên Tập tha thiết đề nghị tỉnh, huyện, các ngành sớm giúp xã giải quyết dứt điểm tình hình hiện nay bằng việc hỗ trợ kinh phí để các hộ dân di chuyển đến nơi ở mới an toàn. Bà con cũng đề nghị được miễn tiền sử dụng đất, được cấp thẻ khám, chữa bệnh miễn phí và kiểm tra sức khỏe cho tất cả người dân của chín hộ trong khu vực ô nhiễm.

VIỆT ANH