Sùng ngoại và thờ ơ
Các Website khác - 10/02/2006

Sùng ngoại và thờ ơ
Tô Phán

Sự cố SITC (Trung tâm Anh ngữ quốc tế) đổ vỡ, dẫn theo hậu quả lớn đổ xuống đầu biết bao người. Về góc độ hành chính, người ta sẽ cũng tìm ra nguyên nhân thuộc về cách quản lý. Nhưng nguyên nhân sâu xa dẫn đến hậu quả này là hai căn bệnh phổ biến hiện nay: Bệnh sùng ngoại và bệnh thờ ơ!

Khi mắc căn bệnh sùng ngoại thì cái gì khác mình (của ngoại) đều được cho là tuyệt vời. Đó cũng là lúc người ta tự vấn và coi thường những giá trị của chính mình. Người ta đổ xô đi làm cho nước ngoài, học rất nhiều những cái của nước ngoài, dùng đồ ngoại, tiêu ngoại tệ mạnh...

Thời gian đầu, nhiều chủ DN người nước ngoài đến VN làm ăn đã làm mưa làm gió mà không bị sao cả, vì chúng ta đang ngưỡng mộ và nhờ vả họ hơn là hợp tác bình đẳng. Đánh đúng vào cái bệnh sùng ngoại của người VN, nhiều chủ người nước ngoài đã đưa ra những cái bánh vẽ và cuối cuộc hợp tác để lại những thiệt hại về nhiều mặt cho đối tác. Những bài học của DN trong nước đã quá nhiều, nhưng hầu như ít ai thấy.

Đánh vào tâm lý sùng ngoại của nhiều người VN, chủ của SITC chỉ trong một thời gian ngắn đã lừa được rất nhiều người, với số tiền khổng lồ. Đồ ngoại họ trưng ra ở đây là gì? Đó là Trung tâm Anh ngữ quốc tế có Cty mẹ ở Singapore, với cách tổ chức rất "tây": Đi tiếp thị kiểu tây, học sinh được học trong phòng học có máy tính, được đặt tên tây, được học với thầy tây (dù chỉ là tây balô), được sinh hoạt vui chơi theo lối tây..., và tất nhiên chi phí cũng tính bằng tiền tây. Vì vậy, việc đổ xô đi đến các trung tâm SITC để học tiếng Anh là chuyện dễ hiểu.

Câu chuyện về SITC đã chứng minh tâm lý không ít người đi từ chỗ tự ti, khép kín hoặc dị ứng với nước ngoài, đến chỗ vồ vập và tin cậy thái quá những gì thuộc của... ngoại. Thế cho nên người ngoài mới lừa được ta ngay tại chính nhà ta.

Còn các cơ quan chức năng cũng coi đây là một mô hình đầu tư trong lĩnh vực giáo dục rất... quốc tế, nên cũng dễ dàng để nó gần như tự do hoạt động lừa đảo mà không có chút phòng ngừa. Và rồi trước những biểu hiện bất thường của SITC đã không được ai chú ý tới, bởi căn bệnh thờ ơ của chính chúng ta. Đến giờ sự cố xảy ra, hỏi thì cơ quan này bảo không biết gì, cơ quan kia thì bảo trách nhiệm không phải của mình. Đây lại là sự thờ ơ cố tình để tránh né trách nhiệm.

Hai căn bệnh này là hai cực tưởng như hoàn toàn khác nhau - một bên là cố nhào vào để có lợi ích, một bên là bàng quan trước những việc xấu, vì không liên quan hoặc không còn liên quan đến mình. Thế nhưng, tại chỗ "giao nhau" của hai đường thẳng (ở vô cùng) thì hai cực này lại là một - đó là sự ích kỷ! Mà chính sự ích kỷ là nguyên nhân sâu xa đưa đến tình trạng hôm nay học người này (học cả cái xấu), ngay ngày mai lại học người khác (và tất nhiên cũng học cả cái xấu), mà không biết chắt lọc cho mình những cái tinh tuý của người, để mình có một cách đi riêng! Các cuộc cải cách giáo dục liên tiếp trong vài chục năm qua là một bằng chứng chứng minh rõ nhất luận điểm nêu trên.

Đứng ở nhiều phương diện mà nói thì, sự cố SITC không chỉ là bài học xương máu về quản lý, mà còn là bài học về luân lý!