Bọ rầy tấn công Hà Nội
Các Website khác - 24/09/2005
Liên tiếp mấy ngày qua, nhiều vùng nội thành Hà Nội bị một loại côn trùng giống thiêu thân tấn công vào ban đêm. Tuy chúng không gây hại cho sức khỏe nhưng cũng gây khó khăn cho cuộc sống.
"Đây đúng là hiện tượng lạ vì trước kia cũng từng có nhưng không đến nỗi nhiều như thế này", Giáo sư - tiến sĩ Bùi Công Hiển, Giám đốc Trung tâm ứng dụng côn trùng học, trường Đại học Khoa học tự nhiên cho biết.

Anh Phạm Cường, 27 tuổi quê Hà Tây, tạm trú ở xã Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội kể, cứ từ bảy giờ tối trở đi, rầy xanh bay vào nhà, bám đầy bóng đèn và tường; khi đi ngủ phải mất hàng tiếng đồng hồ mới bắt hết số rầy bay vào màn.

Chị Phạm Thúy Nga, 24 tuổi, trú ở Dục Tú, huyện Đông Anh, nói, "Đi làm trong thành phố về, bật điện lên, chỉ mười lăm phút sau, trên tường nhà rầy bám đầy. Rầy còn bám đầy vào người, tuy chúng không thấy cắn, nhưng vẫn làm da ngứa ngáy, khó chịu".

Theo giáo sư Hiển, loại côn trùng "tấn công" Hà Nội hôm qua đúng là rầy, thuộc họ ve sầu. GS Hiển với hàng chục năm kinh nghiệm nghiên cứu côn trùng khẳng định con rầy này không hút máu người. "Chúng có vòi hút giống vòi ve sầu nhưng thức ăn của chúng là nhựa cây" và môi trường sinh sống của chúng là các bãi cỏ, ruộng lúa. Có một loại rầy xanh mang virus gây bệnh cho lúa lùn và từng gây thiệt hại đáng kể cho nhiều vùng canh tác lúa.

Điều đáng chú ý là cùng thời gian này, dịch sâu bệnh các nơi phát triển cũng khá mạnh. Tại Lạng Sơn, theo tin của Trạm Bảo vệ thực vật và Hạt Kiểm lâm huyện Đình Lập, tính đến ngày 23-9, rừng thông của Đình Lập bị sâu róm "vùng lên" phá hoại dữ dội. Diện tích rừng thông bị trụi lá ước tính lên đến 436 ha. Mật độ sâu róm tại diện tích rừng dự án của xã Thái Bình lên đến 411 con/cây thông. Hầu hết cây thông đang trong độ tuổi từ 3 - 5 năm bị sâu ăn lá, đã chết.

Điều đáng chú ý khác là tình trạng bệnh nhân nhập viện mấy hôm nay cũng có dấu hiệu tăng. Thạc sĩ Nguyễn Văn Mão, Phó giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, cho biết: "Thời gian gần đây, số bệnh nhân tim mạch nhập viện tại Bệnh viện Tim mạch Hà Nội tăng rất nhanh. Trung bình từ 70- 80 trường hợp/ngày, trong đó có từ bốn đến năm trường hợp cần can thiệp bằng phẫu thuật".

Câu hỏi là có hay không mối liên quan giữa các hiện tượng trên với một hiện tượng nhiễu từ đang xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới, PGS-TS Hà Duyên Châu, Phó Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu, là người đầu tiên bác bỏ. "Vì nhiễu loạn từ rất yếu và, hơn nữa, đến thời điểm 18 giờ chiều 23-9, chúng tôi vẫn chưa ghi nhận được tín hiệu của nhiễu loạn từ mặc dù dự báo nó sẽ xảy ra hôm nay".

Theo giáo sư - tiến sĩ Phạm Bình Quyền - Trung tâm nghiên cứu tài nguyên, môi trường (Trường đại học Khoa học tự nhiên) cho biết, đó là loại rầy nâu, rầy xanh đuôi đen và một số loại rầy khác. Những sinh vật này chủ yếu sống trên cây lúa. Hiện nay là thời điểm kết thúc lứa rầy trưởng thành, trùng với thời gian bà con nông dân gặt lúa nên rầy không có thức ăn, do đó chúng di chuyển thành đàn đến nơi có ánh sáng và những lùm cây cỏ. Theo ông, những loại rầy này không gây hại cho sức khỏe con người. Tuy nhiên, nếu bị rầy đậu vào mà đập chúng ngay trên da sẽ có thể gây ngứa, thậm chí viêm da. Biện pháp tốt nhất để hạn chế sự xâm nhập của rầy là đóng kín các cửa khi trời tối, dùng cửa lưới chắn muỗi. Trong vòng từ 7 đến 10 ngày lứa rầy trưởng thành này sẽ chết. Hiện thời các loại thuốc xịt côn trùng không có hiệu quả đối phó với loại rầy này.

Theo Theo Tiền phong