Xử lý nước máy bị nhiễm bẩn ở TP Hồ Chí Minh
Các Website khác - 24/09/2005
Nhiều tháng qua, nước sinh hoạt từ hệ thống cấp nước (nước máy) không bảo đảm vệ sinh, ảnh hưởng sức khỏe hàng nghìn hộ dân. Vì sao có tình trạng trên? Giải pháp nào để có nguồn nước sạch để người dân sử dụng ?
Nước sinh hoạt nhiễm bẩn tại nhiều khu vực

Theo phản ánh của người dân, từ tháng 2-2005, lác đác ở một vài khu vực tại các quận nội thành TP Hồ Chí Minh xuất hiện tình trạng nước máy vàng, đục, có mùi khó chịu. Nhiều nơi như phường 14, 15, quận Tân Bình, phường 8 quận Tân Phú nước máy chảy ra lợn cợn nhiều cặn, có lúc kèm theo cả bùn, đất, mùi tanh tưởi không thể dùng được. Ban đầu, có ý kiến cho rằng nhà máy nước Tân Hiệp công suất (giai đoạn 1) 300.000 m3/ngày, đêm mới đưa vào sử dụng, cộng với hệ thống ống nước mới được đầu tư lắp đặt, chắc chưa sạch, cho nên hy vọng một thời gian ngắn sẽ trong trở lại. Nhưng nhiều tháng trôi qua, hiện tượng nước bẩn không những không chấm dứt còn lan rộng ra nhiều quận, huyện khiến mọi người lo lắng và bức xúc. Tính đến cuối tháng 9-2005, đã có hàng nghìn hộ dân khiếu nại về vụ nước nhiễm bẩn.

Trong khi đó, Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (SAWACO), đơn vị được thành phố giao đầu tư quản lý, kinh doanh hệ thống cấp nước vẫn chưa có giải pháp tích cực, thậm chí vẫn thu tiền nước hằng tháng cả nơi nước nhiễm bẩn. Chỉ tới khi sự việc trở nên trầm trọng, người dân kêu ca nhiều, mới vội vã tiến hành kiểm tra, lấy mẫu nước và tìm biện pháp khắc phục bằng cách xúc xả nước nhiễm bẩn, rửa ống.

Từ ngày 25-8 đến nay, công ty đã mở gần 150 điểm trên đường ống dẫn nước cấp 1 và 2 tại các quận 6, 10, 11, Tân Bình, Tân Phú, v.v... xúc xả, tháo bỏ hàng trăm nghìn m3 nước (trị giá hàng tỷ đồng). Kết quả là: Nước ở một số khu vực có "trong" hơn trước, nhưng do chưa xác định được nguyên nhân chính dẫn tới nước máy nhiễm bẩn, trên thực tế đến cuối tháng 9-2005, ở nhiều nơi nước vẫn tiếp tục vàng, đục tại nhiều điểm, mỗi ngày bình quân vẫn có gần 20 trường hợp gọi điện đến báo nước kém chất lượng.

Trước bức xúc của dân, ngành y tế thành phố, cụ thể là Trung tâm y tế dự phòng (TTYTDP) thành phố lại chậm vào cuộc, chủ quan, đưa ra những kết quả kiểm định mẫu nước không đúng với thực tế, khiến nhiều người nghi ngờ, hoang mang. Một hộ dân tại phường 5, quận Tân Bình bức xúc cho biết: Bằng mắt thường, ai cũng thấy rõ nước máy chảy ra từ vòi màu vàng, đục, cặn lơ lửng, ngành cấp nước phải xúc xả nhưng không hiểu sao TTYTDP vẫn kết luận nước đạt chất lượng, đúng tiêu chuẩn cho phép?!

Giải pháp có nước sạch tốt cho dân

Theo lãnh đạo SAWACO, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do tại các khu vực cuối nguồn: quận 6, 10, 8, Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp... nhiều tuyến đường ống cũ tuổi thọ từ 20 năm trở lên đã mục nát, chưa được thay thế làm nước máy nhiễm bẩn. Ở khu vực này áp lực nước yếu, những chất dễ kết tủa như sắt, mang-gan, v.v... lâu ngày tích tụ lắng cặn bám vào lòng đường ống, đến khi đón nguồn nước mới, áp lực nước tăng lên, các chất trên bong tróc trôi theo dòng nước gây vàng, đục. Vì thế chỉ có biện pháp xúc xả đường ống mới khắc phục được tình trạng trên.

Tuy nhiên đã tốn khá nhiều nước xúc xả nhưng nước vẫn cứ vàng, đục và có lẫn cả... bùn, đất? Nhiều người cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến nước máy nhiễm bẩn, chất lượng không bảo đảm là xuất phát từ công trình xây dựng đường ống phía tây được thành phố đầu tư triển khai từ năm 2002, đón nguồn nước mới từ Nhà máy nước Tân Hiệp. Trong quá trình thi công, các đơn vị xây dựng không tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật đã "góp phần" làm nhiễm bẩn nguồn nước. Từ "nghi ngờ" này, ngày 22-5, Tổng công ty cấp nước Sài Gòn đã lập đoàn thanh tra 10 dự án mạng cấp nước phía tây thuộc các quận 6, 8, 11, 12, Tân Bình, Tân Phú và huyện Bình Chánh.

Lãnh đạo thành phố cũng đã trực tiếp chỉ đạo ngành cấp nước bằng mọi cách nhanh chóng khắc phục tình trạng trên, phải bảo đảm cung cấp nước sạch, đúng tiêu chuẩn cho nhân dân. Thực hiện ngay việc rà soát, kiểm tra lại hệ thống cấp nước, kịp thời thay thế đường ống cũ, mục, vệ sinh đường ống mới sạch sẽ trước khi lắp đặt, nối kín. Tổ chức nghiệm thu, nếu đạt chất lượng mới đưa vào sử dụng. Ngoài ra, cần tổ chức nạo vét lòng hồ, bể chứa tại các khu dân cư tập trung. Ðóng cửa ngay tại các giếng nước ngầm nhiễm bẩn không đủ tiêu chuẩn khai thác, mua sắm thiết bị, phương tiện chuyên dùng hiện đại (robot, camera) dò tìm, phát hiện các điểm ống bị hở, vỡ, xử lý ngay không để nước nhiễm bẩn.

Thành phố chỉ đạo SAWACO phối hợp Sở Y tế, có kế hoạch giám sát kiểm tra, kiểm định chất lượng nước, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Trước mắt, trong khi chờ kết luận cuối cùng về chất lượng nước, cần hướng dẫn người dân ở những vùng nước nhiễm bẩn lọc nước (thủ công) trước khi sử dụng. Nhắc nhở mọi người ăn chín, uống sôi, đề phòng bệnh tật lây nhiễm từ nguồn nước. Về lâu dài, thành phố cần có phương án bảo vệ nguồn nước (thô) cung cấp cho thành phố là sông Sài Gòn và sông Ðồng Nai. Ðã đến lúc cần đẩy mạnh xã hội hóa ngành cấp nước, có cơ chế chính sách thông thoáng tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia cung cấp nước sạch cho người dân. Xóa bỏ dần tình trạng quan liêu, độc quyền trong kinh doanh nước sạch.

Nguyễn Đình Kháng