Thầy giáo “đường phố” 
Các Website khác - 24/09/2005
Minh và các trẻ em đường phố.
Mới học lớp 12 nhưng cậu học trò nghèo học giỏi nhiều năm liền Châu Cao Minh (lớp 12/4, xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) từng đứng lớp dạy học và là người anh trong đại gia đình trẻ em đường phố của Trung tâm Dạy chữ, dạy nghề cho người khiếm thị của tỉnh. 
Minh sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo. Minh kể: "Mắt cha giờ đã mù hẳn, ông phải làm công việc ít ai nghĩ người mù có thể làm được: đi mài dao kéo, kiếm 20.000-30.000đ mỗi ngày nuôi đại gia đình ở cái tuổi 66. Trước đây mình nửa buổi đi học, nửa buổi dắt cha đi làm. Bây giờ đứa em gái học lớp 9 thay mình dẫn cha”.

Minh có bốn người chị không biết chữ. Minh thương chị Hai gần 40 tuổi mà vẫn chưa có chồng. Chị Ba bất hạnh hơn khi ly thân với chồng, bán vé số nuôi ba con nhỏ; chị Tư phải đi ở đợ tận TP Hồ Chí Minh, còn chị Năm có chồng xa cũng không giúp được gì. Cái nghèo cứ mãi đeo bám đại gia đình bần hàn, vậy mà căn bệnh ung thư giai đoạn cuối đang rút ngắn cuộc sống mẹ Minh từng ngày. Mẹ xanh xao, ốm yếu, còn cái bụng thì ngày càng phình to. Minh nói: “Trước đây mẹ rong ruổi bán vé số hơn 10 năm, rồi căn bệnh nghiệt ngã đã không cho bà đi nữa”.

Năm lớp 7, Minh vừa đi học vừa bán vé số, bán hột vịt lộn, chiều về xắn quần bắt từng con ốc dừa đem ra chợ bán lấy tiền mua tập sách và lo nồi cơm cùng với mẹ. Cũng may, khi học năm lớp 8 Minh được vào Câu lạc bộ trẻ em đường phố (CLBTEĐP) tỉnh Bến Tre học tập, sinh hoạt. Cô Nguyễn Thị Hưng cho biết: “Sống tại đây Minh xem mấy đứa trẻ mồ côi như em, dạy các em học, sống hòa đồng, chia sẻ với chúng từng viên kẹo, gói mì tôm, hay bất kỳ món quà nào của nhà từ thiện. Tôi rất hài lòng khi Minh biết san sẻ nỗi bất hạnh của người khác”.

Hết chế độ, Minh phải rời CLBTEĐP. Lên cấp III được Hội Người mù tỉnh giúp đỡ chỗ ở tại Trung tâm Dạy chữ, dạy nghề Bến Tre. Tại đây Minh tham gia nhiều hoạt động giúp đỡ người khiếm thị, rồi tự nuôi sống bản thân bằng việc dạy thêm. Ban đầu Minh chạy vạy, gõ cửa nhiều phụ huynh mở lớp dạy hai đứa, rồi bốn đứa, 10 đứa và gần 20 đứa. Cái tên “thầy Minh” ra đời từ đó.

Minh tâm sự: “Mình là học sinh đâu dám mở miệng yêu cầu học phí, mấy đứa hiểu hoàn cảnh của mình nên hỗ trợ 15.000 - 20.000 đồng/tháng. Tội nghiệp các em nhỏ, chúng nó làm gì có tiền!”. Một phụ huynh cho biết: “Tại đất Bến Tre này có lẽ lớp học của Minh có một không hai. Nhiều học trò nghèo lam lũ cũng được Minh “lùa” vào đây học ké mà khỏi trả tiền. Mấy đứa trẻ đường phố rảnh rỗi cũng chạy sang lớp học của thầy Minh. Lớp học 5 buổi/tuần lúc nào cũng sinh động, đầy ắp tiếng cười. Tôi thấy mấy đứa nhỏ học được tính của thầy Minh nên cần cù, kỹ lưỡng, năng động và ham học lắm”.

Quãng đường làm thầy của Minh kéo dài được hai năm. Đầu năm học mới này, Minh đành chia tay lớp học để hướng đến ước mơ thi đại học ngành luật. Hiện Minh sống chủ yếu bằng khoản học bổng 200.000đ/tháng do Hội Thiện nguyện Vovicare (Australia) trợ cấp. Cô Lê Thị Mỹ Trinh - giáo viên chủ nhiệm lớp 11 của Minh - cho biết: “Mọi công việc của lớp Minh đều hoàn thành xuất sắc. Minh giàu nghị lực vượt khó, chưa bao giờ đến lớp trễ hay nghỉ học vô cớ”. Nói giữa chừng, cô Trinh bật khóc: “Có lần Minh đứng trước lớp nói sẽ nghỉ học vì mẹ ở nhà đang bệnh nặng. Thân thể Minh xanh xao là kết quả những ngày ăn mì gói, vậy mà vẫn lạc quan, trên môi không bao giờ thiếu vắng nụ cười”.

Theo Theo Tuổi trẻ