1h sáng 24/9, tâm bão số 7 ở vào khoảng 20,2 độ vĩ bắc; 116 độ kinh đông, trên vùng biển phía đông bắc Biển Đông, cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 600 km về phía đông đông nam. Sức gió vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (tức là từ 89 đến 102 km một giờ), giật trên cấp 10.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn, hôm nay, bão số 7 di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 15 đến 20 km.
Do ảnh hưởng của bão, khu vực đông bắc biển Đông có gió xoáy mạnh cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 10, giật trên cấp 10. Biển động rất mạnh. Vịnh Bắc Bộ gần sáng 25/9 gió đông bắc mạnh dần lên cấp 6-7. Biển động.
Bóng màu xanh là vùng tâm bão có thể đi qua. |
Trước tình hình cơn bão số 7 có khả năng ảnh hưởng đến Việt Nam, ngày 23/9, Thủ tướng có công điện gửi các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Xây dựng, Thủy sản, Công nghiệp, Lao động Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương, Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, UBND các tỉnh thành.
Thủ tướng yêu cầu rút kinh nghiệm công tác phòng chống cơn bão số 6, các ban ngành, địa phương cần chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời trong mọi tình huống, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cơn bão số 7 gây ra, nhất là về người. Các tỉnh thành cần sử dụng dự phòng ngân sách địa phương theo quy định để khắc phục hậu quả cơn bão số 6, đặc biệt phải sửa chữa, xử lý các đoạn đê biển xung yếu bị hư hỏng, đảm bảo an toàn cho đê, đồng thời chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư cần thiết sẵn sàng phòng chống bão số 7.
Các tỉnh ven biển cần theo dõi chặt chẽ diễn biến bão số 7, kiên quyết không cho tàu thuyền ra khơi, tổ chức neo đậu tàu thuyền tránh trú bão an toàn; rà soát lại phương án cứu hộ, cứu nạn khi bão vào; chỉ đạo các cấp, các ngành và nhân dân trong việc bảo vệ nhà cửa, trường học, kho tàng. Đối với các tỉnh miền núi, trung du, vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất phải thực hiện tốt công tác cảnh báo, chỉ đạo kiên quyết việc di dời người đến nơi an toàn.
Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cần chỉ đạo ngay phương án đối phó với lũ lớn và có thể kéo dài trong nhiều ngày, đưa người dân đang sống ở những vùng ngập sâu, vùng sạt lở nguy hiểm vào các cụm, tuyến dân cư và khu vực tôn nền vượt lũ. Các địa phương cần có kế hoạch trông giữ trẻ an toàn trong những những ngày lũ lớn, không được để trẻ em chết đuối.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, hôm qua, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương đã họp tại Hà Nội và sau đó liên tiếp ra 5 công điện khẩn gửi các tỉnh thành. Ban chỉ đạo đặc biệt nhấn mạnh địa phương cần vận động ngư dân hoạt động trên biển, trong khu nuôi trồng thuỷ sản, hộ dân ở những vùng chịu ảnh hưởng của bão, lũ phải di dời đến nơi an toàn. Cùng với đó, cần tiếp tục gia cố ngay các tuyến đê biển bởi hiện nay, hệ thống đê biển xung yếu, khó chịu đựng nổi trước sức gió, bão, triều cường như cơn bão số 6 vừa qua.
Hồng Khánh
▪ Nâng cao trình độ công nghệ trong doanh nghiệp (24/09/2005)
▪ Quan tham trả lại đất! (24/09/2005)
▪ Những thủ lĩnh đi tìm bạn (24/09/2005)
▪ Dịch sốt xuất huyết lan rộng ở TP Hồ Chí Minh (23/09/2005)
▪ Tour mùa nước nổi ở An Giang (23/09/2005)
▪ Cảnh báo về hiện tượng lạm dụng thuốc chống virus cúm (23/09/2005)
▪ Một trò hề cũ rích (23/09/2005)
▪ Một chiến sĩ công an hiến hơn 2.000 m2 đất xây trường học (23/09/2005)
▪ Việt kiều ở Houston chuẩn bị chống bão Rita (23/09/2005)
▪ Chúng tôi, những "thiếu nhi Moritzburg" ở tuổi 60 (23/09/2005)