Đường ống có phải là nguyên nhân gây nước bẩn? |
Các nguyên nhân làm nước máy đục và giải pháp súc xả mà Tổng công ty cấp nước TP HCM đưa ra vừa qua vẫn chưa làm hài lòng người dân. Theo một số chuyên gia trong ngành, khi chưa tìm ra nguyên nhân thì các biện pháp khắc phục chỉ là tình thế.
Ban đầu, Tổng công ty cấp nước cho rằng, có 2 nguyên nhân liên hoàn làm nước đục: Nhiều nguồn nước hoạt động đồng thời nên tạo xung, gây xáo trộn trong đường ống. Thêm vào đó, cặn lắng do măngan và sắt kết tủa lâu ngày trong đường ống cũ, khi có xáo trộn về áp lực nước đã gây bong tróc các chất kết tủa trên.
Trong buổi lấy ý kiến các nhà khoa học về nguyên nhân nước đục và giải pháp khắc phục vừa qua, ông Võ Dũng, Tổng giám đốc Tổng công ty, khẳng định: "Kẻ thù chính là các chất kết tủa". Ông Dũng giải thích, nước có màu vàng do chất kết tủa của sắt, màu nâu đỏ là kết tủa mangan tạo nên. Chỉ cần súc xả một thời gian thì nước sẽ sạch trở lại.
Quá trình súc xả cho thấy, nhiều khu vực nước có màu nâu đỏ và vàng. Tuy đã đổ bỏ hàng triệu mét khối nước từ hệ thống ống cấp 1, 2, 3 và xả qua cả đồng hồ nước của người dân nhưng tình trạng tái bẩn vẫn diễn ra. Đến lúc này, người đứng đầu ngành cấp nước TP HCM lại cho rằng: "Có thể nước bẩn đã xâm nhập vào đường ống nước máy gây đục". Tuyên bố này lại càng gây hoang mang trong người dân về chất lượng nước.
Tiến sĩ Lê Long, Chủ tịch danh dự Hội Cấp thoát nước Việt Nam, cho rằng, nguyên nhân cặn lắng do sắt và măngan kết tủa đã có từ lâu. Trước đây do sử dụng nước ngầm (nguồn nước có hàm lượng măngan và sắt rất cao) nên có hiện tượng kết tủa. Tuy nhiên, trước đây nước không đục. Nếu chỉ là cặn lắng thì quan trọng là cách súc xả sẽ làm nước sạch trở lại. Tuy nhiên, nếu xả nước qua trụ nước cứu hỏa là không đúng quy chuẩn vì họng cứu hoả quá nhỏ so với đường ống nên không thể tống cặn lắng ra hết. Theo ông Long, trong mạng phân phối nước, mỗi cấp đường ống phải có những hầm xả tương ứng thì mới súc xả có hiệu quả.
Về nguồn nước ngầm, Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn cho biết, còn khoảng 43 giếng đang tồn tại. Vừa qua, Công ty khai thác và quản lý nước ngầm có đi lấy các mẫu và thấy rằng hàm lượng măngan và sắt ở một số giếng rất cao (0,8-1mg/lít). Tiến sĩ Lê Long nhận định: “Để chấm dứt tình trạng nước nhiễm bẩn do kết tủa, Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn phải đóng cửa ngay các giếng nước ngầm và cả nhà máy cấp nước, nếu không đạt yêu cầu”.
Tiến sĩ Ngô Hoàng Văn (Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật TP HCM) đề nghị, Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn cần thiết phải có robot để kiểm tra tình trạng lắng cặn trong đường ống. Nếu xác định nguyên nhân do cặn lắng thì có thể dùng robot dọn sạch hoặc sử dụng hoá chất làm tan đi chất kết tủa bám ở thành ống. Theo ông Văn, nếu chỉ là nguyên nhân cặn lắng do kết tủa thì phải xem lại chất lượng đường ống và mạng cung cấp. Nếu đã cũ hoặc kết tủa quá nhiều thì nên thay mới. Trong thời điểm hiện nay, khi chưa tìm ra nguyên nhân chính gây nước đục thì súc xả chỉ là biện pháp tình thế. Ngành nước phải tính đến kế hoạch lâu dài và có chế độ súc xả định kỳ hàng tháng.
Ông Vũ Hải, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Nước - Môi trường TP HCM, cho rằng, phải tìm đúng nguyên nhân vì sao nước máy bẩn thì mới có hướng khắc phục hiệu quả. Theo ông Hải, nguyên nhân là do quá trình phân phối và mạng lưới cung cấp có vấn đề. Nếu là cặn lơ lửng và nước có màu đen thì phải xem lại vì không thể xả vài lần mà vẫn còn. Để xác định chính xác nguyên nhân ông Hải cho rằng, phải đi khảo sát cụ thể thì mới đưa ra quyết định chính xác. Trước đó, kỹ sư Vũ Hải, đã mạnh dạn đề xuất đơn vị cấp nước nên kiến nghị Bộ Y tế tham khảo chỉ tiêu sắt và mangan theo tiêu chuẩn quốc tế, vì chỉ tiêu mangan bằng 0,5 mg/lít là cao. Ông Hải thừa nhận ngành nước có chủ quan sau hàng chục năm sử dụng nguồn nước ngầm, do nước thiếu nên không súc xả, không kiểm tra đã dẫn tới hậu quả không lường trước được.
Về nguyên nhân nước đục do nhiễm bẩn từ bên ngoài, Sở Giao thông công chính TP HCM cho biết, qua bốn đợt kiểm tra, phát hiện hơn 1.100 điểm giao giữa ống thoát nước với ống cấp nước, dây điện, cáp quang. Trong các điểm này có hơn 900 điểm giao nhau giữa ngành thoát nước với cấp nước. Đặc biệt, có nhiều điểm ống cấp nước chui trong cống thoát nước hoặc ống thoát nước nằm trên ống cấp nước. Đến nay còn khoảng 500 điểm chưa khắc phục.
Việt Hòa
Theo dòng sự kiện: |
▪ Biển Đông gió xoáy mạnh cấp 10 vì bão số 7 (24/09/2005)
▪ Nâng cao trình độ công nghệ trong doanh nghiệp (24/09/2005)
▪ Quan tham trả lại đất! (24/09/2005)
▪ Những thủ lĩnh đi tìm bạn (24/09/2005)
▪ Dịch sốt xuất huyết lan rộng ở TP Hồ Chí Minh (23/09/2005)
▪ Tour mùa nước nổi ở An Giang (23/09/2005)
▪ Cảnh báo về hiện tượng lạm dụng thuốc chống virus cúm (23/09/2005)
▪ Một trò hề cũ rích (23/09/2005)
▪ Một chiến sĩ công an hiến hơn 2.000 m2 đất xây trường học (23/09/2005)
▪ Việt kiều ở Houston chuẩn bị chống bão Rita (23/09/2005)