Bó tay trước ô nhiễm sông Nhuệ
Các Website khác - 24/03/2006

Giải pháp triệt để nhất nhằm giảm thiểu ô nhiễm sông Nhuệ, nguồn nước tưới cho 80.000 ha đất canh tác và nước sinh hoạt của gần 60.000 người dân Phủ Lý (Hà Nam), là phải xử lý nước thải trước khi đổ ra sông. Nhưng điều này lại khó thực hiện.
* 60.000 dân Hà Nam phập phồng lo thiếu nước

Bà Đào Anh Điệp, Phó phòng môi trường, Sở Tài nguyên Môi trường Hà Tây, cho biết, doanh nghiệp đều biết quy định phải xử lý nước thải trước khi đổ ra môi trường. Nhưng vì lợi nhuận, rất ít đơn vị thực hiện. Nhà máy dệt Hà Đông (thuộc Công ty Dệt may Hà Nội) báo cáo đã kiểm soát các nguồn chất thải. Nhưng kết quả thanh tra cuối năm 2005 của Bộ Tài nguyên Môi trường cho thấy, đơn vị này đã xả trực tiếp ra sông Nhuệ mỗi ngày đêm 500 m3 nước thải, trong đó nước tẩy nhuộm chiếm 70%.

Tương tự, công ty TNHH may Việt - Pacific Hà Đông, dù có lắp đặt hệ thống xử lý nước thải, đã xử lý nước thải có chứa một số chất tẩy rửa có nguồn gốc nhập khẩu từ Hàn Quốc, Đức và Trung Quốc, nhưng Thanh tra Bộ Tài nguyên Môi trường phát hiện hệ thống không hoạt động thường xuyên và chưa đảm bảo công suất.

Cống nước thải từ làng lụa Vạn Phúc (Hà Tây) ven sông Nhuệ. Ảnh: N.T.

"Thực tế không phải lúc nào chúng tôi cũng thanh tra. Dựa vào báo cáo giám sát môi trường của doanh nghiệp, nếu phát hiện tỷ lệ sai số trên 30%, chúng tôi sẽ đi lấy mẫu nước phân tích. Nếu sai phạm nhẹ thì nhắc nhở và cho thời gian khắc phục. Nếu vẫn chưa khắc phục thì sẽ chuyển sang phòng thanh tra rồi xử phạt", bà Điệp nói. Tuy nhiên, với mức xử phạt hiện nay (Dệt Hà Đông bị phạt 3 triệu đồng), nhiều đơn vị chấp nhận nộp tiền rồi tiếp tục vi phạm.

Việc buộc doanh nghiệp phải xử lý nước thải đã khó, yêu cầu các làng nghề lại càng khó hơn. "Các làng nghề phải được quy hoạch tập trung trên một khu đất xa dân cư, các hộ dân đóng góp tiền xây khu xử lý nước thải. Còn với kiểu sản xuất thủ công, phân tán, khu sản xuất nằm xen khu dân cư thì không thể xử lý được nước thải", bà Điệp nói. Đây cũng chính là lý do khiến hơn 1.000 làng có nghề của Hà Tây đều vô tư xả thẳng nước ra sông ngòi.

Tình trạng này cũng tương tự như tại thành phố Hà Nội. Theo ông Đặng Dương Bình, Trưởng phòng Môi trường, Sở Tài nguyên Môi trường thành phố Hà Nội, ít nhất cũng phải đến năm 2020 thành phố mới xử lý được các nguồn chất thải trước khi đổ ra sông. Hiện mỗi giây các nhánh sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét đổ ra sông Nhuệ 30 m3 nước chất thải, trung bình một ngày đêm là 2.592.000 m3.

Giải pháp căn cơ nhất không thực hiện được, các nhà nghiên cứu của Viện Quy hoạch Thủy lợi đã đề xuất giải pháp trước mắt là quản lý nguồn xả của Hà Nội, Hà Tây. Tại Hà Nội, 3 trạm bơm tiêu Đồng Bông I, Đồng Bông II, và Xuân Đỉnh sẽ ngừng vận hành và đóng cửa đập Thanh Liệt. Nước thải thành phố dẫn về Yên Sở và thoát ra sông Hồng qua trạm bơm Yên Sở. Theo tính toán, kinh phí dự kiến cho công tác bơm xả nước thải ra sông Hồng trong 6 tháng mùa khô là 1,8 tỷ đồng.

Theo ông Bình, giải pháp dẫn nước thải ra Hồng nhằm giảm thiểu ô nhiễm ở 2 tỉnh cuối nguồn là Hà Tây, Hà Nam, đã được Sở Tài nguyên Môi trường và Sở Giao thông công chính Hà Nội tính toán. Hiện đề án này đã được trình lên UBND thành phố. Bà Điệp cũng cho biết, tỉnh Hà Tây đang xây dựng một dự án xử lý nước thải trước khi đổ ra sông Nhuệ và Đáy. Tuy nhiên, tất cả hiện vẫn còn nằm trên giấy, việc triển khai thực tế vẫn xa vời.

Điều này đồng nghĩa nhiều năm nữa gần 60.000 dân thị xã Phủ Lý, tỉnh Hà Nam vẫn phập phồng nỗi lo thiếu nước trong mùa khô. Hàng chục nghìn nông dân canh tác trên 80.000 ha đất thuộc lưu vực sông Nhuệ vẫn canh cánh nỗi lo sông ô nhiễm, sản lượng, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp bị giảm sút.

Như Trang