Những thách thức của việc phòng, chống lao hiện nay ở Việt Nam
Các Website khác - 23/03/2006
Những khó khăn của công tác phòng, chống bệnh lao chính là tình hình dịch tễ lao chưa giảm, Tỷ lệ người bệnh lao đồng nhiễm với HIV ngày càng tăng. Chúng ta còn phải đối phó với hiện tượng kháng thuốc…
Chương trình chống lao quốc gia Việt Nam được Tổ chức Y tế thế giới công nhận là một trong những chương trình thành công nhất trong các quốc gia có dịch tễ lao nặng nề vì đã đạt và duy trì được mục tiêu của WHO đặt ra. Từ năm 1997 cho đến nay, mỗi năm CTCL đã phát hiện hơn 70% số bệnh nhân lao phổi AFB (+) mới ước tính và điều trị khỏi cho hơn 85% số đăng ký điều trị.

Ðạt được thành công đó, trong rất nhiều nỗ lực cố gắng của toàn xã hội, của ngành y tế là phải kể đến công sức của đội ngũ làm công tác chống lao ở các tuyến cơ sở. Nguyên nhân thành công của chương trình chống lao quốc gia (CTCLQG) được thể hiện trên ba yếu tố cơ bản nhất, đó là:

Chúng ta đã thiết lập được một mạng lưới chống lao đồng bộ, thống nhất, rộng khắp từ trung ương tới địa phương. Chỉ đạo chuyên môn kỹ thuật là từ Bệnh viện Lao và bệnh phổi Trung ương, Dự án phòng, chống lao quốc gia xuống tới các chương trình chống lao cấp tỉnh, tổ chống lao tuyến huyện và mạng lưới y tế thôn, bản. Ðiều phối hoạt động và chỉ đạo được thống nhất từ Bộ Y tế xuống các sở y tế và hệ thống y tế xã, phường. Như vậy, mạng lưới chống lao được lồng ghép chặt chẽ về tổ chức và điều hành hoạt động kỹ thuật vào hệ thống y tế chung với sự chỉ đạo của Bộ Y tế.

Chúng ta đã sớm tổ chức được một chương trình chống lao theo mô hình tiên tiến nhất. Từ năm 1989, CTCLQG đã bắt đầu triển khai chiến lược điều trị có kiểm soát trực tiếp, có nghĩa là người bệnh lao được điều trị (uống thuốc và tiêm thuốc) với sự giám sát chặt chẽ của nhân viên y tế hoặc các tình nguyện viên hoặc người thân trong gia đình. Chiến lược này bảo đảm cho người bệnh được chăm sóc y tế chu đáo nhất, hạn chế tối đa những trường hợp bỏ dở điều trị và phát hiện kịp thời những diễn biến trong quá trình điều trị. Sau một thời gian triển khai, đến nay gần 100% dân số đã được tiếp cận với chiến lược này.

Trước một tình trạng khẩn cấp toàn cầu về bệnh lao đã được WHO thông báo từ tháng 4-1993, thì ngay sau đó hai năm, năm 1995, Việt Nam tuyên bố CTCL là một trong các chương trình ưu tiên y tế quốc gia. Với chính sách ưu tiên đặc biệt trên lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung và nhằm thanh toán một số bệnh xã hội nói riêng, việc đầu tư cho chương trình chống lao ngày càng được quan tâm. Những chính sách xã hội, những nguồn tài chính từ ngân sách nhà nước, từ dự án hỗ trợ y tế quốc gia... đã góp phần quan trọng trong thành công của công tác chống lao.

Mặc dù đạt được những thành tích như vậy, nhưng CTCL Việt Nam vẫn còn rất nhiều khó khăn thách thức.

Tình hình dịch tễ lao của chúng ta chưa có xu hướng giảm một cách đáng kể, hiện chúng ta đang đứng thứ 13 trong 22 nước trên toàn cầu có nhiều người bệnh lao, và đứng thứ ba trong khu vực Ðông - Nam Á (WHO, 2004). Theo kết luận của Hội thảo giữa Bộ Y tế với Tổ chức Y tế thế giới khu vực tây Thái Bình Dương (21-25 tháng 11-2005) thì một trong những nguyên nhân khiến các chỉ số dịch tễ của bệnh lao tại Việt Nam chưa giảm đáng kể mặc dù CTCLQG đã cố gắng nỗ lực phát hiện và điều trị thành công cao là tác động của đại dịch HIV/AIDS.

Tỷ lệ người bệnh lao đồng nhiễm với HIV ngày càng tăng là mối đe dọa lớn với CTCLQG. Tính đến ngày 31-12-2005, tổng số người nhiễm HIV đã lên tới 103.084, trong đó AIDS là 17.128 và tử vong là 9.941. Tại Việt Nam tỷ lệ lao - HIV/AIDS đang có nguy cơ tăng mạnh và không chỉ còn tập trung ở một số tỉnh, thành phố lớn. Số lượng người bệnh lao đồng nhiễm HIV (theo giám sát trọng điểm) tăng từ 0,45% năm 1996 tới 3,03% năm 2002 và tới 4,45% năm 2004 và 4,8% năm 2005 (Cục Phòng, chống HIV/AIDS). Tại một số thành phố, tỷ lệ đồng nhiễm lao/HIV lên tới 13,8% (thí dụ Hải Phòng năm 2005 - CTCLQG).

Ðây mới chỉ là con số dựa vào điều tra trọng điểm, trong thực tế, con số này có thể còn cao hơn nhiều. Như vậy đồng nhiễm lao - HIV như một "phần chìm của tảng băng nổi" chưa được nhìn nhận rõ. Ðiều nguy hại là những người bệnh đồng nhiễm hai loại bệnh này rất khó điều trị và tỷ lệ thành công rất thấp.

Hơn nữa, CTCL Việt Nam còn phải đối phó các vấn đề khác như: bệnh lao kháng thuốc, vấn đề phát triển nhanh chóng các cơ sở y tế tư nhân tham gia "không chính thức" vào công tác chống lao, sự tiếp cận dịch vụ y tế tại các khu vực khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa và tình hình bệnh lao trong các nhóm đặc biệt như: tù nhân, người trong trung tâm chữa bệnh, giáo dục, lao động xã hội, người vô gia cư, người bệnh tâm thần, làm cho tình hình bệnh lao trong giai đoạn mới càng phức tạp hơn.

Hiện nay một số quy định của Nhà nước nếu không được triển khai một cách đúng đắn sẽ có thể ảnh hưởng quan trọng đến việc duy trì tính bền vững của công tác chống lao. Chương trình chống lao quốc gia có một chiến lược DOT đã và đang phát huy hiệu quả trong nhiều năm với sự lớn mạnh của công tác chống lao tuyến cơ sở. Ðơn vị y tế tuyến huyện là tuyến cơ bản của chiến lược DOT. Nhiều huyện đã triển khai Dự án phát triển mạng lưới chống lao tại tuyến y tế cơ sở và đã tạo ra được đội ngũ cán bộ với năng lực tổ chức rất tốt.

Cùng với công tác phát hiện bệnh lao tại tổ chống lao tuyến huyện (hiện nằm tại bệnh viện tuyến huyện), việc quản lý người bệnh lao tại tuyến xã cần có sự chỉ đạo chuyên môn sát sao của tổ chống lao tuyến huyện, và chương trình chống lao cấp tỉnh. Việc điều động cán bộ là cần thiết trong phát triển đội ngũ, song cần phải tính đến sự cần thiết và tính đặc thù của các cán bộ đã có kinh nghiệm trong chương trình chống lao tuyến cơ sở. Cần có một cơ chế điều hành về kỹ thuật và tổ chức mạng lưới thật phù hợp trong khi thực hiện Nghị định 171/2004/NÐ-CP ngày 29-9-2004 của Chính phủ về cải cách tổ chức y tế tuyến cơ sở để bảo đảm duy trì tính bền vững của chương trình chống lao.

Việc thực hiện cơ chế tự quản tài chính của các bệnh viện cũng phải xem xét tới khả năng coi nhẹ công tác y tế dự phòng, chỉ đạo tuyến. Các bác sĩ có xu hướng muốn ổn định công tác tại khu vực lâm sàng, khiến cho công tác kiểm tra giám sát chương trình chống lao, chỉ đạo tuyến ở cộng đồng gặp không ít khó khăn. Hơn nữa mức bồi dưỡng độc hại trong chuyên ngành đã được thay thế bằng phụ cấp ưu đãi, có thể làm giảm thu nhập của các cán bộ làm công tác chỉ đạo tuyến chống lao tại cộng đồng. Ðây thật sự là một khó khăn cho các nhà quản lý công tác chống lao tại các tuyến - từ trung ương tới địa phương.

Hơn bao giờ hết, CTCL cần phải phối hợp tốt không những với y tế ngoài công lập mà ngay cả với các đơn vị y tế đa khoa trong công tác phát hiện và quản lý người bệnh lao. Tuy nhiên, do sự điều tiết "tự nhiên" của bảo hiểm y tế tự nguyện mà hiện nay một số cơ sở y tế đa khoa tuyến tỉnh đã không phối hợp tốt với CTCL tuyến mình. Nhiều người bệnh lao không được phát hiện do được giữ lại ở các cơ sở y tế đa khoa để chẩn đoán, điều trị, khiến cho người bệnh được phát hiện muộn, ảnh hưởng công tác quản lý và điều trị của chương trình.

Những khó khăn đó của công tác chống lao hiện nay cần được các cấp lãnh đạo xử lý và tháo gỡ một cách phù hợp, để ổn định về tổ chức, duy trì tính bền vững của mạng lưới chống lao và động viên được những cán bộ y tế công tác trong lĩnh vực này.

PGS - TS ÐINH NGỌC SỸ
Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh phổi Trung ương