Buổi đầu thi thử trắc nghiệm suôn sẻ
Các Website khác - 14/01/2006
Thí sinh tập trung làm bài tại Hội đồng thi Phan Huy Chú.
Thí sinh tại Hội đồng thi Phan Huy Chú. Ảnh: T.H

Kết thúc buổi thi thử chiều nay, hầu hết các thí sinh đều đánh giá đề thi đơn giản, phù hợp với khả năng. Các hội đồng thi có chung nhận định phương pháp trắc nghiệm là xu hướng tất yếu, tuy nhiên các thủ tục còn rườm rà, mất thời gian, cần được cải tiến.

Trước khi vào phòng thi, nhiều thí sinh tỏ ra khá hồi hộp. Một thí sinh tại trường Nguyễn Trãi ngồi đợi vào phòng thi lo lắng: "Nếu lần này mà làm không xong thì lúc thi thật còn khó hơn nhiều".

Theo ghi nhận của VnExpress, tại các hội đồng thi ở Hà Nội như Nguyễn Trãi, Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú, kỷ luật phòng thi thực hiện tốt. Tất cả tài liệu, cặp sách của học sinh đều được để ở ngòai khu vực thi. Mỗi phòng thi có hai giám thị phòng và một giám thị hành lang. Ngoài ra đoàn kiểm tra của Sở GD&ĐT, Cục Khảo thí cũng đi kiểm tra các trường. Thí sinh không quá bỡ ngỡ với phương pháp mới này bởi đã được tập huấn kỹ càng từ trước. Đặc biệt một số trường THPT còn tự tổ chức một kỳ thi thử trước đó như trường Lê Quý Đôn, Thăng Long, Phan Huy Chú...

Tuy nhiên, đây là lần đầu làm bài trắc nghiệm với một quy trình khép kín, nghiêm túc như một kỳ thi thật nên cũng vẫn có những sự cố nho nhỏ như có thí sinh viết nhầm tên vào phần dành cho giám thị, một trường hợp khác lại quên không đánh dấu mã số đề thi. Hiệu trưởng trường Bán công Phan Huy Chú, Đặng Ngọc Yên nói: "Học sinh được hướng dẫn kỹ càng, tập luyện thực tế tại kỳ thi thử trước nên cũng đã quen với phương pháp trắc nghiệm, các em cũng xác định đây là tập dượt cho đợt thi quan trọng sắp tới nên làm bài không mang tính đối phó". Tuy nhiên theo ông Yên, với cách thi này thì thí sinh cần phải thật cẩn thận, nhất là không được tô bút mực vào phần trả lời vì máy không nhận được tín hiệu. Trong trường hợp muốn sửa phần làm bài, sai phải tẩy bút chì thật kỹ nếu không máy sẽ loại những bài thi có hai đáp án. Những bài thi bị gập mép, nhàu nát cũng sẽ bị loại.

Sau 15-20 phút, nhiều thí sinh đã hoàn thiện bài làm của mình. Các em cho biết, đề thi có 50 câu và khá đơn giản. "Bài thi lần này còn dễ hơn đề thi thử của trường. Em làm chỉ mất 15 phút, nhiều bạn trong phòng cũng làm xong trước giờ. Các ô để đánh dấu phần trả lời cũng nhỏ hơn nên không tốn nhiều thời gian để tô đậm", Tú Anh - thí sinh tại Hội đồng thi Phan Huy Chú - cho biết. Một giáo viên dạy ngoại ngữ nhận xét, đề thi tiếng Anh nằm trong phần ôn tập và phù hợp với khả năng của một học sinh trung bình khá trở lên. Nguyễn Ngọc Bảo Ngân, học sinh trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP HCM), cho rằng, đề trắc nghiệm Anh văn có thể dễ ăn điểm hơn thi viết. Theo Ngân: "Thi viết, không có từ cho sẵn nên thí sinh viết sai một nguyên âm hay phụ âm nào đó là mất điểm. Còn thi trắc nghiệm kiểu này, từ có sẵn nên nắm chắc ngữ pháp là làm tốt".

Khá nhiều giám thị tỏ ra bức xúc trước những thủ tục phức tạp của việc tổ chức và coi thi. Một giám thị tại Hội đồng Nguyễn Trãi bày tỏ: "Chúng tôi có hàng tập văn bản hướng dẫn. Thí sinh phải nhớ 12 điểm nội quy, giám thị phải thuộc lòng 24 điểm yêu cầu, chưa kể những chú thích, lưu ý khác nữa". Nhiều giám thị tại Hội đồng Phan Huy Chú, Lê Quý Đôn cũng cho rằng cần phải cải tiến lại những quy trình này vì còn quá rườm rà, mất thời gian. Ngay khâu thu bài cũng phải Chủ tịch Hội đồng thi ký vào danh sách số lượng tờ bài làm của thí sinh.

Theo đánh giá của một số chủ tịch hội đồng thi, mỗi thí sinh một đề thi khác nhau sẽ tạo sự khách quan cao và đánh giá đúng chất lượng học sinh. "Việc chuẩn bị, tổ chức, làm đề có mất nhiều thời gian nhưng phương pháp trắc nghiệm là một xu hướng tất yếu và đã được nhiều nước thực hiện thành công", ông Đặng Ngọc Yên nhận xét.

TP HCM có 108 trường tổ chức thi với khoảng 50.000 thí sinh. Phần lớn thí sinh tham dự tỏ ra khá thoải mái, vì cho rằng đây chỉ là kỳ thi thử. Kết thúc buổi thi, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết không xảy ra sự cố đặc biệt. TP HCM cũng là điểm tập trung chấm bài thi trắc nghiệm đợt này của 24 tỉnh thành phía Nam.

Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An Lê Tiến Hưng cho biết, kỳ thi diễn ra bình thường. Việc tổ chức thi theo đúng quy trình của Bộ GD&ĐT, học sinh làm bài tốt, thực hiện đúng kỹ thuật làm bài. Ông Hưng cũng tin tưởng với việc thực hiện thành công kỳ tập dượt này thì áp dụng phương pháp trắc nghiệm vào kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học sẽ không có gì trở ngại. Tiến tới các môn học khác sẽ áp dụng hình thức này vào năm 2007-2008 là hợp lý.

Giám đốc sở cũng cho biết, Nghệ An đã có một máy chấm thi, song Bộ GD&ĐT vẫn đầu tư cho tỉnh một máy mới có tốc độ cao để chấm cho 4 tỉnh miền Trung.

Đến 16h chiều nay, hơn 20 nghìn thí sinh của Hải Phòng cũng đã hoàn thành kỳ thi tốt đẹp. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó phòng Khảo thí, Hải Phòng là tỉnh đầu tiên đã thực hiện thí điểm trắc nghiệm từ hồi tháng 10/2005. Kỳ thi học kỳ một của khối 12 vừa qua, tỉnh cũng đã áp dụng phương pháp này tại các trường. Đó cũng là lý do khiến buổi thi thử hôm nay thành công.

Theo Bộ GD&ĐT, tất cả những tỉnh chưa có máy chấm sẽ phải chuyển bài thi về Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng vào để chấm thi.

Trịnh Vũ - Lương Nga