Chuyến đi ra đảo này, còn có một số anh em bộ đội mới ra đảo lần đầu, để thay cho một số anh em cũ. "Ðược ra làm nhiệm vụ ở Trường Sa là một vinh dự lớn của em!" Khi được hỏi về nguyện vọng, tâm tư lính trẻ thì cả mười câu trả lời đều là như vậy.
Ấy là tâm trạng người đi ra. Còn người về, như chiến sĩ Nguyễn Lương Truyền, quê Nghệ An, cho biết, Truyền không thể quên được cuộc sống cùng đồng đội trên đảo, gian khó có nhau. Truyền nói: "Những ngày ở đảo với em thật không thể quên được! Em phụ trách thông tin ở đảo. Về đất liền nguyện vọng của em là trở thành quân nhân chuyên nghiệp, được phục vụ lâu dài trong quân đội".
Anh Tạ Trung Ðức, Bí thư Ðảng ủy, Phó Trưởng đảo về chính trị đảo Trường Sa lớn, cho biết: Ở Trường Sa, Tết đến sớm cả tháng so với đất liền. Trường Sa đã có Tết khi những chuyến tàu từ đất liền mang hương Xuân ra đảo. Tháng Chạp năm nay thời tiết Trường Sa đẹp hơn mọi năm. Có lẽ Tết này trời Trường Sa cũng sẽ đẹp hơn năm trước. Một chút gió mùa Ðông Bắc, một chút lạnh cho vừa đủ để cảm nhận được hơi ấm được mang ra từ đất liền.
"Ðảo là nhà. Biển cả là quê hương", tình cảm ấy của những người lính đảo mà tôi được gặp ở mọi lúc, mọi nơi trên quần đảo Trường Sa. Mỗi đảo đều có một bàn thờ Tổ quốc, ngày Xuân vẫn có đủ hương, hoa. Thường ngày, nhà cửa vốn đã gọn ghẽ, tinh tươm rồi, ấy vậy mà sắp Tết, anh em vẫn cứ lúi húi lau chùi, trang trí lại cho thật đẹp. Không có mai vàng tươi thì đã có những cành mai vàng giấy. Thế vẫn đầm ấm và thiêng liêng. Ðêm giao thừa, anh em tề tựu rất sớm, hăng hái tham gia hái hoa dân chủ, hát ca. Sau đó nghe lời chúc Tết của các đồng chí lãnh đạo Ðảng, Nhà nước. Ðến nay, tất cả các đảo đều đã có ti-vi, xem được cả các kênh truyền hình. Rồi anh em ra tận các vọng gác để thăm, chúc Tết và động viên nhau. Anh lính trẻ Nguyễn Lương Truyền tâm sự: "Những lúc giao thừa như thế, em thấy mình lớn lên nhiều lắm!".
Anh Biện Xuân Khương, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân cho biết: Vui Xuân là thế, nhưng những người lính Trường Sa luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, với quyết tâm "còn người, còn đảo, còn chủ quyền". Xong mấy ngày Tết là nhanh chóng tập trung ngay vào công tác huấn luyện, tập trung thực hiện các nhiệm vụ chính trị của năm mới. "Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay, ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó". Trường Sa thấm thía lời Bác dạy.
Khi rời đảo Cô Lin, tôi ngắt một ngọn rau muống ép vào sổ tay và gọi là rau muống bão táp. Bởi ở đây, rau đứng sát bên sóng nước mặn, cho nên, cọng chúng cứng cáp hơn, lá nhỏ, dài, và cũng cứng hơn rau muống ở các đảo khác. Cũng từ lâu, tôi đã nghe nhiều về cây phong ba. Trường Sa có cây phong ba. Anh Huỳnh Phước Long đã đưa cây phong ba vào ca từ của mình trong tâm sự người lính đảo, rằng: "Ðời anh như cây phong ba/ Vững vàng giữa đảo ngàn xa..." Còn bây giờ, tôi biết thêm rằng, Trường Sa còn có một loài cây mang tên bão táp. Những người đi biển quen gọi Trường Sa là quần đảo bão tố. Vì nơi này hay sinh ra bão. Nhưng, chính tại nơi này, lại có những loài cây sinh sống, mang những tên gọi nghe cũng dữ dội không thua kém: Cây phong ba, cây bão táp.
Ông Nguyễn Bá Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Trường Sa, cho biết: Năm 2005 vừa qua, mặc dù bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, quân và dân huyện đảo Trường Sa đã hoàn thành một cách xuất sắc các nhiệm vụ về kinh tế, xã hội, xây dựng chính quyền... Tình cảm của nhân dân cả nước dành cho Trường Sa là nguồn động viên hết sức lớn lao đối với quân dân huyện đảo. Tết này, Trường Sa ăn Tết khá hơn mọi năm.
Bây giờ, thành phố Nha Trang đã rộn ràng không khí Tết. Tỉnh Khánh Hòa, TP Nha Trang đã thể hiện trách nhiệm, tình cảm của mình một cách cụ thể với Trường Sa bằng những món quà thiết thực gửi ra đảo.
Một chiều trên đường Trần Phú rộn rã người xe, nhìn ra khơi xa, bất giác, tôi nhớ mấy câu thơ của bác sĩ quân y Từ Công Tào, người đã hàng chục năm gắn bó với Trường Sa: "Ðụn mây giăng ở chân trời/ Nhấp nhô như thể núi đồi quê hương". Mây mà cứ ngỡ đất đai quê nhà. Nỗi nhớ dường như luôn thường trực như thế, và Tổ quốc cũng thế, cũng dường như luôn hiện lên thật gần, thật rõ trong tâm trí những người lính đang làm nhiệm vụ ở Trường Sa.
Và, bên bờ biển Nha Trang dịu nắng, tự đâu đó có giọng hát cất lên, một ca từ của anh Huỳnh Phước Long: "Không xa đâu Trường Sa ơi, vẫn gần..." .
|