Khi học trò nói được điều khó nói
Các Website khác - 14/01/2006
Cô Dương Thị Phượng - GVCN
lớp 9A2 Trường THCS Bình Quới
Tây đồng thời cũng là tư vấn viên -
và học trò của mình.
Từ hai điểm trường THCS đầu tiên vào năm 2000, đến nay Ủy ban Dân số - gia đình và trẻ em TP Hồ Chí Minh đã xây dựng được 31 điểm tư vấn học đường (TVHĐ) cho cả ba cấp tiểu học, THCS và THPT. Ở đây, học trò đã có thể thổ lộ 1.001 điều lâu nay chưa biết nói cùng ai. Áp lực tâm lý được giải tỏa, rất nhiều HS tìm lại được hồn nhiên đúng với lứa tuổi của mình.
Bí mật là số 1

Làm sao để học trò có thể gửi trọn niềm tin trút đi những gánh nặng trong lòng? Tiêu chí đầu tiên của TVHĐ: bí mật.

Phòng tư vấn Trường cấp II-III Diên Hồng nằm tuốt ở tầng ba. Có vẻ không ồn ào tấp nập nhưng ngày nào mở cửa cũng không bao giờ “ế khách”. Giờ ra chơi, HS kéo nhau đến đọc sách báo, tài liệu về sức khỏe sinh sản, nói chuyện lớp chuyện trường tự nhiên như một góc trong sân trường. TVV Huỳnh Thị Thanh cho biết: “Các em thường đến thăm dò xem cô tư vấn có tâm lý thiệt không, có giữ bí mật không rồi mới dám mở lời tâm sự”.

Thực tế, nhiều cô cậu học trò đến phòng tư vấn không bắt đầu câu chuyện bằng lời nói mà là những giọt nước mắt. Chị Thanh kể có một nữ sinh đã khủng hoảng suốt hai tháng, học hành sa sút, ủ ê đến bất thường vì bị một người anh họ ở chung nhà quấy rối.

Ngoài dặn dò bạn phải cẩn thận, tuyệt đối không ở nhà một mình, ăn mặc kín đáo, chị Thanh còn nhanh chóng liên lạc với gia đình để phối hợp giúp đỡ. Hay V. - một nam sinh lưu ban lại lớp 7 Trường THCS Thạnh Mỹ Lợi, Q.2 - phá và đánh bạn kinh khủng, thuộc dạng nằm ngoài bộ nhớ của các thầy cô.

TVV Huỳnh Kim Quyên đã tiếp cận bằng cách giao việc cho V. làm phụ. Hóa ra ở nhà V. là cháu đích tôn, thường được chiều chuộng nên đã “ăn hiếp nhiều người trong nhà”.

Có người lắng nghe, trò chuyện và định hướng, học kỳ này V. đã “đằm thắm” rõ rệt, kết quả học tập cũng tốt hơn. “Mới đây hay tin V. bị tai nạn, nhiều giáo viên đã đến thăm, trong đó có cả những người lúc trước có thành kiến với V.”, TVV Kim Quyên nói thêm.

Phần lớn các phòng tư vấn trường học hiện chỉ mở cửa 1-2 ngày trong tuần. Hộp thư điện tử, chat, điện thoại là những cách khác để học trò có thể liên lạc với TVV. Chẳng hạn địa chỉ: tamsutuoihoa@yahoo.com thật sự là nơi HS Diên Hồng trút vào đủ thắc mắc, từ “Tình yêu là gì?” cho đến “Sao của con bên nhỏ bên to vậy?”...

Ai là TVV?

Chính thức “đóng đô” tại mỗi phòng TVHĐ thường chỉ 1-2 người. Đó là những bạn trẻ tốt nghiệp ĐH chuyên ngành tâm lý học, những nhà giáo về hưu tâm huyết, đầy kinh nghiệm tâm lý tuổi học trò. Có người phụ trách một lúc ba trường (hai buổi/tuần/trường).

Khá đặc biệt là chị Lê Thị Minh Hoa - TVV tổng đài 1080. Chị tâm sự: “Gọi điện thoại đến tổng đài tư vấn phải trả cước dịch vụ. Khi trả tiền nhiều phụ huynh quay sang trách mắng con; trong lúc nhiều câu chuyện quá sức bi kịch, không thể nói ngắn, nói một lần. Vì vậy tôi đã tìm đến làm việc cho TVHĐ”.

Thù lao là vấn đề rất ít khi được đề cập đến và như Kim Quyên: “Nhận được bao nhiêu mình lại mua hết bánh, kẹo cho các em”. Thậm chí rất nhiều TVV còn bỏ thêm hầu bao của mình cho những hoàn cảnh quá khó khăn.

Bà Phan Thanh Minh, phụ trách Văn phòng tư vấn gia đình và trẻ em TP, cho biết: “Điểm TVHĐ được xây dựng theo phương thức : trường cung cấp địa điểm; Văn phòng tư vấn gia đình và trẻ em TP cung cấp nhân lực và hỗ trợ hoạt động. TVV bên ngoài thường khách quan hơn”.

Nhiều năm trong nghề, cô Nguyễn Thị Hường - vốn là hiệu trưởng Trường THCS Hà Huy Tập (đơn vị đầu tiên có TVHĐ) - cho biết: “Khi bắt tay nhận mô hình này, việc đầu tiên là đả thông tư tưởng giáo viên, kế đến là phụ huynh bởi phần lớn lo lắng khi có một người ngoài vào”.

Cạnh đó, ban giám hiệu đã đề nghị và có động tác để tất cả giáo viên chủ nhiệm thành TVV qua các chương trình tập huấn sâu về kiến thức và kỹ năng làm việc với lứa tuổi vị thành niên. Năm học 2005-2006, cô Hường chuyển về làm hiệu trưởng Trường THCS Bình Quới Tây và lại tiếp tục nhân rộng TVHĐ ở điểm mới.

Được biết, sắp tới phòng TVHĐ của Trường THPT Mạc Đĩnh Chi sẽ ra mắt, thành địa chỉ nói điều khó nói của hơn 3.000 HS nơi đây...

TP Hồ Chí Minh hiện có hơn 800 trường tiểu học, THCS, THPT. Chỉ mới 31 trường có điểm TVHĐ, con số này rõ ràng vẫn còn quá ít ỏi!

Theo Tuổi trẻ