Thế mạnh làng nghề được khơi dậy trong hơn năm năm qua đã góp phần giúp du lịch Hà Tây tăng trưởng một cách ổn định, bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao đời sống nhân dân.
Du lịch làng nghề Hà Tây bắt đầu ghi dấu sự hình thành từ Hội du lịch làng nghề lần thứ nhất năm 2001. Lần đầu những người thợ thủ công và nghệ nhân các làng nghề có ngày hội đích thực của mình trong phạm vi toàn tỉnh với đầy đủ các nghi thức rước lễ, giỗ Tổ nghề. Thông qua ngày hội này, nhiều người dân trong tỉnh, du khách và các cấp lãnh đạo Hà Tây mới nhận ra một thế mạnh tiềm năng du lịch của mình từ lâu nay vẫn đang "ngủ vùi". Người đi đầu khởi xướng khai thác, "đánh thức" tiềm năng du lịch làng nghề là Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Lại Hồng Khánh. Từ đó, một chiến dịch quảng bá cho loại hình du lịch này được tiến hành liên tục với đỉnh cao là những ngày hội du lịch làng nghề được tổ chức định kỳ hai năm một lần. Ngành du lịch tỉnh đã cùng Tổng cục Du lịch phối hợp tổ chức nhiều đợt quảng bá tại thị trường trong nước và ngoài nước thông qua các hội chợ, liên hoan, triển lãm, hội nghị, hội thảo du lịch. Lãnh đạo Sở Du lịch Hà Tây còn trực tiếp chỉ đạo Trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh xây dựng các tua du lịch làng nghề và thúc đẩy một số đơn vị trong ngành cùng chính quyền và nhân dân các làng nghề đưa, đón du khách về tham quan, mua sắm; chỉ đạo các chương trình liên kết giữa làng nghề với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch tại các khu du lịch trọng điểm. Toàn tỉnh hiện có 219 làng được tỉnh công nhận là làng nghề trong tổng số 1.150 làng có nghề, trong đó nhiều làng đã trở thành những điểm đến trong các tua du lịch. Thời gian qua, có sáu tua du lịch làng nghề được xây dựng đưa khách đi về trong ngày và hai ngày một đêm, tiêu biểu là các tua thăm làng lụa Vạn Phúc, mây tre đan Phú Vinh, mộc Tràng Sơn, nón Chuông, lồng chim Canh Hoạch, đỉnh màn Hoàng Xá, sơn mài Hạ Thái, tiện gỗ Nhị Khê, thêu Quất Ðộng, điêu khắc Nhân Hiền, cỏ tế Lưu Thượng, khảm trai Chuyên Mỹ, tạc tượng Sơn Ðồng, rèn Hạ Mỗ, bánh kẹo La Phù, làng diều Bá Giang, mộc Vạn Ðiểm. Mỗi tua, khách được tham quan từ ba đến năm làng nghề kết hợp thăm các đình, chùa, di tích lịch sử quốc gia. Khách được tận mắt xem quy trình làm nghề, nghe giới thiệu nguồn gốc, sự hình thành và phát triển làng nghề, các loại sản phẩm và thỏa sức lựa chọn, mua sắm hàng hóa lưu niệm.
Hỗ trợ cho du lịch làng nghề phát triển, với nguồn vốn 21 tỷ đồng của trung ương, tỉnh Hà Tây đã triển khai thực hiện 20 công trình đường vào làng nghề, trong đó Sở Du lịch tỉnh trực tiếp làm chủ đầu tư bốn công trình đường vào các làng nghề du lịch Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ), Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên), Nhị Khê (huyện Thường Tín), Hà Trì - Kiến Hưng (thị xã Hà Ðông) với tổng vốn 6,4 tỷ đồng và giúp 12 làng nghề trong tỉnh, mỗi làng nghề 30 triệu đồng xây dựng nhà trưng bày sản phẩm; thiết kế các biển báo, chỉ dẫn tại 23 làng nghề. Có thể nói, qua từng bước phát triển, du lịch làng nghề Hà Tây đã trở thành một thương hiệu, thu hút được sự quan tâm của du khách, nhất là khách quốc tế, đa dạng hóa sản phẩm và góp phần vào sự tăng trưởng 20% của du lịch Hà Tây trong năm năm trở lại đây về số lượng khách và 17% về doanh thu.
Trong nhiều lần làm việc cùng chúng tôi, đồng chí Lại Hồng Khánh đã nói khá nhiều về những ý tưởng và kế hoạch thúc đẩy phát triển du lịch làng nghề Hà Tây. Tuy có một quá trình năm năm nhưng loại hình du lịch này mới chỉ ở giai đoạn phát triển ban đầu, vẫn còn nhiều hạn chế, chưa thật sự tương xứng với thế mạnh tiềm năng. Bên cạnh những nguyên nhân như thiếu vốn cho đầu tư cơ sở hạ tầng, xúc tiến, quảng bá và xây dựng sản phẩm, du lịch làng nghề còn thiếu hệ thống dịch vụ hoàn hảo phục vụ du khách và một quy hoạch tổng thể mang tính chiến lược. Phần lớn các làng nghề được đưa vào tua du lịch chưa xây dựng được chương trình giới thiệu với khách về nghề một cách hấp dẫn và mang nặng tính tự phát, sản phẩm còn đơn điệu. Ðồng chí Khánh cho biết: "Ngay từ đầu chúng tôi đã nhận ra những bất cập đó, nhưng quãng thời gian quá ngắn, chưa kịp khắc phục và cũng có nhiều nguyên nhân tác động bất khả kháng nữa".
Theo một chuyên gia của Viện Nghiên cứu và phát triển du lịch Việt Nam, để nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch làng nghề Hà Tây, điều cần thiết là gắn kết được sự phối hợp giữa các ngành liên quan trong xây dựng, quy hoạch phát triển để từ đó có định hướng đầu tư khôi phục, bảo tồn và phát triển làng nghề, thiết lập các tuyến du lịch mang tính liên hoàn, dựa theo từng nhóm nghề hoặc theo các tuyến giao thông thuận lợi, có kết hợp những loại hình du lịch văn hóa, tín ngưỡng và sinh thái. Ðiều này giúp du khách tham gia vào nhiều hoạt động, thay đổi thường xuyên cảm giác, được khám phá những điều mới, lạ. Khi xây dựng tuyến du lịch này, Hà Tây nên rà soát lại hệ thống làng nghề, tập trung vào những làng cần bảo tồn để từ đó tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ du lịch. Những làng được lựa chọn phải tiêu biểu, còn lưu giữ vẻ đẹp cảnh quan, các giá trị văn hóa đặc trưng vùng, miền và ngành nghề truyền thống. Ngoài việc đầu tư làm đường giao thông, cổng làng, mỗi làng phải có nhà trưng bày, giới thiệu về lịch sử, văn hóa địa phương và về nghề cổ truyền cùng một số mô hình gia đình làm nghề theo các quy trình và phương thức cổ truyền để du khách thâm nhập thực tế, xem nghệ nhân thao tác quy trình làm ra sản phẩm theo một chương trình dàn dựng kỹ và luôn luôn có sự thay đổi, bổ sung những nội dung mới. Thậm chí, du khách còn có thể trực tiếp tham gia vào công đoạn làm ra sản phẩm dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân.
Một cán bộ của Trung tâm xúc tiến du lịch Hà Tây nhận xét với chúng tôi, thời gian tới, các làng nghề sẽ đào tạo những hướng dẫn viên tại địa phương, bởi chỉ có họ mới hiểu biết sâu sắc về nghề và những tri thức cần thiết về vùng quê đó. Tại làng nghề du lịch, quy trình sản xuất cùng sản phẩm làm ra vừa phải thiết thực, đáp ứng nhu cầu xã hội, vừa mang tính hấp dẫn, thu hút sự chú ý và quan tâm tìm hiểu của khách. Ngành du lịch đang nghiên cứu cùng chính quyền địa phương và nhân dân địa phương đầu tư trang thiết bị, phương tiện, máy móc, nâng cấp cơ sở hạ tầng, cải tạo vệ sinh môi trường, cảnh quan, duy trì sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm. Ðiểm hấp dẫn của làng nghề so với mô hình cơ sở nghề truyền thống ở các khu du lịch hiện đại chính là sự nguyên gốc của ngành nghề cổ truyền và môi trường mang tính cộng đồng, phường, hội. Trong khai thác du lịch làng nghề Hà Tây, các đơn vị đưa khách đến nên nghiên cứu thực hiện phân chia lợi nhuận thu được qua hình thức đóng góp xây dựng đối với cộng đồng làng nghề và trả lương cho những nghệ nhân, thợ thủ công ở các cơ sở được chọn đầu tư phục vụ du lịch để họ có thể yên tâm hành nghề. Ðồng thời, bố trí một hệ thống dịch vụ, bán sản phẩm, đồ lưu niệm cho du khách, giúp tăng thu nhập cho nhân dân trong vùng. Nhiều du khách từng than phiền về chương trình du lịch làng nghề Hà Tây còn nhàm chán, đơn điệu và đề nghị bổ sung thêm các chương trình biểu diễn nghệ thuật dân gian như hát chèo, hát dô, ca trù, rối nước, rối cạn, v.v hoặc tổ chức cho khách tham gia sinh hoạt văn hóa dân gian trong khung cảnh không gian làng quê. Các làng nghề cũng nên tạo dựng những dịch vụ lưu trú ngay tại nhà dân và dịch vụ về ẩm thực để du khách thưởng thức các món đặc sản địa phương.
Giám đốc Công ty du lịch khách sạn Sông Nhuệ Phạm Công Kha cho rằng, để giải quyết đầu ra cho sản phẩm làng nghề, đồng thời tăng tính gắn kết của làng nghề với du lịch, làng nghề Hà Tây nên liên kết với các khu du lịch giới thiệu và bán sản phẩm. Muốn vậy, cần tăng thêm độ phong phú về mẫu mã, kiểu dáng và nâng cao chất lượng của sản phẩm làng nghề. Sản phẩm phải đặc sắc, có chọn lọc và mang tính chất đồ lưu niệm nhiều hơn. Nên có một cơ chế phối hợp cùng có lợi giúp các làng nghề tổ chức cơ sở trình diễn và bán hàng phục vụ khách ngay trong các khu du lịch trọng điểm.
Trước đây, ngành du lịch Hà Tây từng có ý tưởng và kế hoạch đề xuất với lãnh đạo tỉnh về dự án xây dựng một phố nghề ven sông Nhuệ theo mô hình phố du lịch đi bộ nhằm giới thiệu tiềm năng "đất trăm nghề" và bán các mặt hàng sản phẩm thủ công mỹ nghệ mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống, vừa tạo một điểm đến cho du khách khi đến Hà Tây có được một cái nhìn toàn cảnh về tiềm năng làng nghề của tỉnh. Ý nghĩa và lợi ích của dự án này quá rõ ràng nhưng những vướng mắc hành chính và cả các khó khăn khách quan về địa điểm, công tác giải phóng mặt bằng khiến dự án vẫn tiếp tục nằm trên giấy. Ðây cũng là một trăn trở của lãnh đạo ngành du lịch tỉnh trong suốt ba kỳ Hội du lịch làng nghề truyền thống Hà Tây từ năm 2001 đến nay. Liệu đến bao giờ dự án nêu trên mới trở thành hiện thực?
Thương hiệu đã có, du lịch làng nghề Hà Tây đang hướng tới một chiến lược hoạch định và quy hoạch rõ ràng hơn cùng những đầu tư đúng mức, mang tính lâu dài, trong đó có tính đến lợi ích cộng đồng cùng công tác quảng bá hiệu quả. Ðiều đó sẽ giúp gia tăng lượng khách và doanh thu của ngành, đa dạng hóa sản phẩm, đồng thời thiết thực giúp các làng nghề thực hiện được phương châm "xuất khẩu tại chỗ", duy trì được sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân các vùng nông thôn trong tỉnh.
|