Các công trình giao thông đều được đẩy nhanh tiến độ
Các Website khác - 18/10/2005
Thi công cầu Rạch Miễu.
Khắc phục những yếu kém, chậm trễ mà dư luận nhiều lần lên tiếng phê bình, các đơn vị thi công đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng và nâng cấp các công trình giao thông ở đồng bằng sông Cửu Long, sớm đưa vào khai thác.
Trong những tháng cuối năm, nhiều công trình giao thông ở phía nam đang được khẩn trương thi công, trong đó có nhà ga quốc tế Tân Sơn Nhất, tuyến đường ô-tô cao tốc từ TP Hồ Chí Minh đi Trung Lương; cầu Rạch Miễu nối Bến Tre với các tỉnh lân cận và cầu Cần Thơ - cây cầu cuối cùng trên quốc lộ 1, nối thông toàn tuyến từ Cà Mau đến Lạng Sơn.

Ðến các công trình, chúng tôi đều nhận thấy sự cố gắng của các nhà thầu để tìm các biện pháp vượt qua khó khăn nảy sinh trong quá trình thi công. Tại công trình mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, công trình chuẩn bị cho hội nhập AFTA, đồng thời là công trình có yêu cầu rất cao về kỹ thuật trong thi công. Trong vòng năm năm trở lại đây, Tân Sơn Nhất là một trong những sân bay được đầu tư khá toàn diện, từ nhà ga, sân đỗ, đến trang thiết bị phục vụ hành khách, cho nên lượng hành khách bình quân đạt bảy triệu lượt người/năm, bằng tổng số hành khách qua lại các sân bay khác trong cả nước cộng lại. Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Tổng Giám đốc Cụm cảng hàng không Tân Sơn Nhất, tần suất lên xuống của các loại máy bay đi và đến sân bay chưa cao. Vì vậy việc mở rộng sân bay trở thành một thành phố sân bay với đầy đủ dịch vụ phục vụ hành khách để nâng lượng hành khách lên từ 12 đến 15 triệu người/năm, là mục tiêu quan trọng của cụm cảng này. Với vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng, trong đó có 15% vốn đối ứng trong nước, cùng với tư vấn, giám sát, thi công của nước ngoài, công trình mở rộng với tòa nhà ba tầng lầu khang trang, hiện đại cùng các công trình phụ trợ như đường băng, các trang thiết bị có thể sánh ngang với các sân bay của nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới. Ông Nguyễn Hoàng, Phó Trưởng phòng Kế hoạch của cụm cảng, cho biết: Sau hơn một năm thi công công trình đã hoàn thành 30% khối lượng.

Trước khi rời TP Hồ Chí Minh đi thăm một số công trường xây dựng cầu và đường giao thông ở Tiền Giang, Bến Tre, Cần Thơ, các cán bộ trong Ban Quản lý dự án giao thông 9 và Mỹ Thuận thông báo cho chúng tôi một thông tin không vui, đó là các công trình khởi công và thi công đúng vào thời điểm giá vật tư, nhiên liệu tăng hằng ngày, thêm vào đó là thời tiết không thuận lợi và tình hình giải phóng mặt bằng khó khăn. Mặc dù vậy, kỹ sư Dương Tuấn Minh, Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, đơn vị hiện đang quản lý hai công trình đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương và cầu Cần Thơ khẳng định: Vấn đề chất lượng là mục tiêu hàng đầu. Với các nhà thầu thì dù bị biến động thế nào cũng cần có biện pháp để bảo đảm yêu cầu chất lượng công trình.

Ðường TP Hồ Chí Minh - Trung Lương là đường cao tốc. Công trình được đầu tư theo Quyết định số 1286/QÐ-TTg ngày 6-12-2004 của Thủ tướng Chính phủ và được đầu tư bằng nguồn vốn ứng trước của ngân sách Nhà nước, với tổng mức đầu tư toàn bộ dự án là 6.555 tỷ đồng. Quy mô công trình với chiều dài tuyến đường cao tốc gần 40 km, với chiều rộng nền đường 41m và mặt cắt ngang tám làn xe cơ giới và hai làn xe khẩn cấp, cộng thêm các tuyến đường nối đi Tân Tạo dài 9,6 km, đi Bình Thạnh tới Chợ Ðệm dài 3,7 km, cùng với hai cầu vượt cạn và cầu vượt sông Tân An. Công trình được khởi công vào cuối tháng 12-2004 và dự tính sẽ hoàn thành vào tháng 6-2007. Ðến nay, chỉ trừ hai nhà thầu chưa thật sự bắt tay vào thi công, còn 14 nhà thầu khác, hầu hết là các công ty mạnh thuộc các tổng công ty trong ngành giao thông, xây dựng, quốc phòng đang chạy đua với thời gian, đưa công trình vào sử dụng.

Công trình cầu Rạch Miễu chỉ có một phần vốn ngân sách, còn lại hầu hết được xây dựng bằng nguồn vốn BOT của ba nhà thầu lớn trong xây dựng giao thông, đó là liên danh các Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1, 5 và 6. Dự án cầu Rạch Miễu có thể coi là một liên hoàn các công trình vượt sông Tiền tại Bến Tre để xóa đi tình trạng chia cắt của mảnh đất anh hùng trong chiến tranh về địa lý với các tỉnh bạn. Cụm công trình liên hoàn này có tổng chiều dài hơn 8.330 m, trong đó cầu chính dài 1.887 m, với nhịp dây văng có khẩu độ 117m - 270 m - 117m, tương đương cầu Mỹ Thuận, nhưng đây là cây cầu dây văng đầu tiên do các kỹ sư Việt Nam tự thiết kế, thi công. Việc thi công công trình sẽ là biểu hiện sức mạnh và trình độ kỹ thuật của các cán bộ, kỹ sư, công nhân các đơn vị cầu đường Việt Nam. Từ khâu tư vấn, thiết kế (do Công ty cầu lớn, hầm đảm nhiệm) đến khâu giám sát (do Tổng công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải phụ trách) đến việc thi công là các công ty cầu của Tổng công ty 1, 5 và 6. Ông Nguyễn Thành Nam, Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án giao thông 9, không giấu được niềm tự hào khẳng định: Công trình cầu Rạch Miễu có thể tự hào là công trình nói lên sức mạnh của nội lực các nhà thầu Việt Nam. Do đòi hỏi của việc cần nhanh chóng đưa công trình vào sử dụng để góp phần đưa một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, nhất là Bến Tre phát huy được thế mạnh kinh tế của mình, cho nên từ Ban Quản lý công trình đến các nhà thầu luôn tìm ra các biện pháp phù hợp để vượt qua khó khăn, bảo đảm tiến độ và chất lượng công trình, trong đó sự kết hợp của các lực lượng liên quan công trình là cực kỳ quan trọng.

Chúng tôi cùng kỹ sư Quản Văn Quý, Giám đốc BOT cầu Rạch Miễu, đi xuồng máy dọc theo sông Tiền, vượt lên đảo Dừa, đảo Cồn, được chứng kiến địa hình đa dạng với các tầng địa chất phức tạp mà các đơn vị xây dựng cầu đang phải đối mặt. Nhưng vượt lên trên mặt sông là hàng chục cọc bê-tông được dựng lên bằng kỹ thuật khoan nhồi hiện đại, cùng gần chục bệ trong tổng số 21 bệ của thân cầu đã hoàn thành mới thấy hết sự cố gắng của những người thợ cầu Việt Nam.

Khi đến công trình cầu Cần Thơ chiếc cầu dây văng dài nhất Việt Nam (dài 2,7 km) và cũng là chiếc cầu cuối cùng nối liền quốc lộ 1 chạy dài từ Lạng Sơn đến Cà Mau. Chiếc cầu với hai trụ tháp chính để đỡ nhịp dài nhất Ðông - Nam Á 550 mét, với kết cấu thép và bê-tông. Một kết cấu hỗn hợp bằng công nghệ đặc biệt. Ông Nakadika, Phó giám đốc gói thầu 2 - cũng là gói chính của công trình, nói với chúng tôi về sự khó khăn thi công cầu trong mùa lũ của sông Hậu và những biện pháp định vị thiết bị khoan dưới lòng sông. Ông cho biết: Với trình độ và tay nghề của các thợ cầu Việt Nam, cộng với công nghệ và thiết bị hiện đại của nhà thầu, cầu Cần Thơ sẽ hoàn thành vào tháng 12-2008. Ðó chính là nút cuối cùng để quốc lộ 1 của Việt Nam liền một mạch. Quan trọng hơn, TP Cần Thơ sẽ có một công trình thuận lợi trong đi lại và tạo thêm vẻ đẹp cho thành phố. Nhưng để có được cây cầu chúng tôi phải vượt qua rất nhiều khó khăn. Song chúng tôi tin sẽ thành công vì ngoài sự cố gắng của chúng tôi thì còn có sự hợp tác của các bạn Việt Nam nhất là những người thợ cầu cần cù và thông minh.

KIỀU THẮNG, NGUYỄN HIẾU