Làng tôi ngày xưa um tùm cây lá. Mùa hè, đứng thả diều dưới cánh đồng lúa trông lên thấy làng là một quả đồi xanh thẫm. Ven làng có nhiều bụi rậm với những thứ cây mà đến tận bây giờ tôi vẫn chưa biết tên. Ðặc biệt, có nhiều cây thuốc quý hiếm. Nếu lạc vào đấy, có thể gặp rắn hổ mang, hổ chúa hay ong bầu vẽ như chơi. Trong làng còn có rất nhiều cây cổ thụ. Mỗi cây đứng ở một chòm (xóm), gắn với một số câu chuyện, huyền tích riêng khiến chúng tôi nhớ như in.
Nhưng bây giờ, chỉ sau có vài năm mà số cây cổ thụ trong làng cứ lần lượt mất dần. Chúng ra đi cứ thấm thoắt như bao người già giã từ con cháu về nơi suối vàng, lên cõi trời "Ðâu Suất". Mà không chỉ cây cổ thụ như đa, gạo, thị, sấu... cứ mất dần mà ngay cả những bụi rậm ở rìa làng, những rặng hoa dâm bụt, giậu cúc tần ở quanh vườn nhà cũng không còn nữa. Trong cảm nhận của tôi, cây xanh là một phần tài sản của làng quê và là món ăn tinh thần của bất cứ người dân nào được chôn nhau cắt rốn, được lớn lên sau lũy tre làng. Nhưng tài sản vô giá đó lại đang mất dần trước tốc độ đô thị hóa, trước áp lực tăng dân số, trước cơn sốt đất. Dường như ai cũng cảm nhận rằng mình đang mất một cái gì đó, nhưng chẳng thể xác định được cụ thể là gì. Nhà tôi ngày xưa có giậu cúc tần ngay ngõ. Bờ giậu chạy dài hai chục mét, luôn được bố tôi tỉa phạt phẳng lỳ. Nó không chỉ tô điểm thêm cho ngôi nhà của chúng tôi mà còn vẽ nên một bức tranh quê đậm đà, thơ mộng. Những khi chúng tôi đau ốm, mẹ tôi thường đào rễ cúc tần để giã lấy nước cho uống giải cảm hoặc rang với cám đánh gió. Tôi nhớ nhất là những năm cuối thập kỷ 80 thế kỷ 20, làng bị mất mùa, đói kém. Cả làng phải kéo ra đồng tranh nhau vặt từng ngọn rau khoai lang thì nhà tôi lại có một món "thực phẩm" để trông đợi là ngọn cúc tần luộc chấm muối vừng. Bây giờ, về thăm nhà, bố tôi báo tin sắp sửa phá cái giậu cúc tần để xây một bờ tường gạch cho đẹp. Chúng tôi tỏ vẻ tiếc xót, nhưng bố tôi bảo: Cả làng đều làm thế. Giậu cúc tần thì đẹp thật, nhưng bao năm nhà mình nghèo mới đành chịu vậy. Nay khá giả rồi phải xây dựng cho khang trang...
Suốt bờ giậu dọc hai bên đường làng kéo dài từ cổng làng Ðông đến cổng làng Tây ngày xưa ken dày cây dâm bụt. Chớm hè, hoa nở đỏ thắm, nhìn rợp cả mắt. Thế mà bây giờ bói không thấy một bông dâm bụt nữa.
Dọc bờ ao làng, quanh đình làng xưa trồng rất nhiều lộc vừng. Khi lũ trẻ chúng tôi lớn lên, vừng đã trở thành cổ thụ. Thân cây sù sì, cành sà xuống tận mặt ao, rung rinh bóng nước. Mùa xuân, lộc vừng bay lơ phơ theo gió. Chẳng ai biết ai là người đã trồng chúng, trồng để làm gì, vì sao lại chỉ trồng lộc vừng. Ðặc biệt, ở trước đình làng, giáp với cánh đồng, tự thuở nào đã có một cây vừng cổ thụ, 4 - 5 đứa trẻ xoải tay ôm chưa kín. Chung quanh cũng có một số dãy vừng cổ thụ, nhưng cây vừng trên là cổ nhất. Trưa hè, cả xóm kéo ra ngồi hóng gió nồm nam, kể chuyện tiếu lâm. Ngồi dưới tán vừng, nghe thấy tiếng lá reo như suối chảy. Thế mà đùng một cái như tin sét đánh, sau nhiều năm xuôi Hà Nội sống, khi trở về tôi được hay "làng" vừa bán cây lộc vừng cổ thụ ấy. Giá những 140 triệu đồng! Món tiền quá lớn, có thể trùng tu lại gian tiền tế đang sụp lở, dưng mà... cái hồn đình làng đã mất rồi, xây đình to, rộng còn phỏng ích gì? Mà người nào bỏ tiền mua cây vừng cổ thụ linh thiêng ấy kể cũng cả gan. Không chỉ cây vừng cổ thụ nhất làng biến mất mà tất cả dãy vừng cổ thụ mọc dọc bờ ao làng cũng đã có người từ xứ khác tìm đến mua, mỗi giá tới 25-40 triệu đồng. Ban đầu thực tình "làng" cũng không nỡ, nhưng sau nhiều lần nghe rủ rỉ bùi tai, lại thấy giá được đẩy lên quá cao, nên cũng gật. Mấy chục cây đều "bay" tuốt. "Cơn sốt" lộc vừng mấy năm qua thật nguy hiểm. Tệ hơn, không chỉ lộc vừng cổ thụ biến mất mà cả lộc vừng con cũng bói không ra cây nào. Người lạ tự tiện đến đánh lên, đem đổ buôn cho các "trung tâm cây cảnh", thấy trồng lộc vừng có giá, người làng cũng ra sức săn lùng. Ven những quả đồi ngày xưa lũ trẻ chúng tôi thường thả trâu bò, lộc vừng mọc chi chít từng cụm, lộc vừa nhò ra trâu bò lại thi nhau gặm, nên các thế cây ẩn trong bờ đất rất đẹp. Nhưng bây giờ, người ta dùng xà-beng đánh sạt cả bờ ruộng để bứng cây lên, chỉ vài tháng đã sạch sành sanh.
Thứ cây thân thuộc nhất là tre, trúc. Có đọc Cây tre Việt Nam của nhà văn Thép Mới và bài Tre xanh của nhà thơ Nguyễn Duy mới thấy được tâm hồn, ý nghĩa của cây tre. Làng quê nào chẳng có bờ tre, rặng trúc - nhiều người tất hẳn nghĩ vậy, nhưng bây giờ nhiều ngôi làng ở thôn quê lại không còn một bóng tre mới lạ. Trong làng, nhà ken sát nhà, lối ngõ cũng bị thu hẹp, chỉ vừa chiếc xe cải tiến. Ðứng từ trên cao nhìn ra, cả làng toàn khối bê-tông thô cứng. Nhiều mái nhà bên trong chen chúc 3 - 4 "tiểu gia đình". Mạnh ai nấy ở, thi thoảng lại tranh giành, đánh lộn nhau. Gửi đơn xin được cấp đất dãn dân, nhưng chính quyền cũng chưa tìm được nơi bố trí. Chỗ người an cư còn khó như thế, huống chi tre không còn chỗ bén rễ. Trong làng, nhiều nhà bây giờ sắm được cái ti-vi thì dễ mà khó là kiếm ở đâu cây tre chục mét để treo ăng-ten. Ngày xưa, ông ngoại tôi có cái thú lúc tuổi già là đi xuống vườn lựa những cây tre cật cao to nhất trong bụi để chẻ ra đan giát giường, đan gàu tát nước, rổ rá... Bây giờ có thể người ta không cần đến giát giường, rổ rá bằng tre, gàu tát nước nữa nhưng tăm tre, đũa tre thì vẫn rất cần. Vậy mà muốn kiếm một khúc tre vót tăm, đũa để tự dùng như xưa cũng khó lắm.
Cây xanh thưa thì chim chóc cũng vắng. Ngày xưa, trưa hè còn được nghe tiếng chim cu gù trên cây sấu già đầu ngõ, chiều chiều bầy cò về đậu xao xác suốt bờ tre phía ao làng... Bây giờ chỉ còn được nghe tiếng chim trong lồng.
Thật đáng tiếc, số "làng trọc" đang ngày càng mọc lên. Cảnh tượng ấy không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường môi sinh; vẻ đẹp, bản sắc làng quê mà còn làm thui chột tâm hồn của nhiều người.
|