Theo chỉ thị số 01 mới ban hành, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải, Xây dựng, Lao động Thương binh và Xã hội chỉ đạo việc thiết kế, xây dựng các công trình mới; cải tạo công trình hiện có dành cho người tàn tật theo quy chuẩn.
Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo Bộ Công nghiệp cải tạo, chế tạo mới phương tiện giao thông công cộng để người tàn tật tiếp cận an toàn và tham gia giao thông thuận lợi. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội khẩn trương xây dựng và trình Thủ tướng đề án hỗ trợ người tàn tật giai đoạn 2006-2010; đôn đốc UBND các tỉnh thành tạo điều kiện cho người tàn tật nghèo tiếp cận và thụ hưởng chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo giai đoạn 2006-2010.
Rất ít công trình có lối đi dành riêng cho xe lăn. (Tổ chức người khuyết tật quốc tế) |
Thủ tướng chỉ rõ Bộ Y tế có trách nhiệm xây dựng và triển khai chiến lược chăm sóc sức khỏe cho người tàn tật, trong đó chú trọng chương trình phát hiện sớm dị tật và phục hồi chức năng cho người tàn tật dựa vào cộng đồng; hướng dẫn thực hiện các chính sách miễn, giảm viện phí đối với người tàn tật thuộc diện nghèo.
Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm phối hợp với Bộ Bưu chính - Viễn thông xây dựng các quy định khuyến khích nghiên cứu, sản xuất và ứng dụng các sản phẩm phù hợp để hỗ trợ người tàn tật dễ dàng tiếp cận, sử dụng dịch vụ truyền thông, công nghệ thông tin.
Theo đánh giá của Thủ tướng, trong 7 năm kể từ khi Pháp lệnh về người tàn tật, các quy định pháp luật dành cho 5 triệu người khuyết tật của cả nước rất đầy đủ, nhưng chưa đi vào cuộc sống. Nhận thức của cộng đồng, gia đình, một số cấp chính quyền và bản thân người tàn tật chưa đúng mực. Tỷ lệ được học văn hóa tại các trường, lớp theo mô hình hòa nhập còn thấp. Việc tiếp cận các công trình công cộng của một bộ phận người tàn tật còn gặp nhiều trở ngại.
Một khảo sát mới được Tổ chức người khuyết tật quốc tế công bố, chỉ 11% trong 137 công trình công cộng tại quận Hoàn Kiếm và Ba Đình (Hà Nội) người khuyết tật có thể sử dụng được thuận tiện. Còn khu vực nông thôn, khi các công trình công cộng dành cho người bình thường đã thiếu thì công trình để người khuyết tật có thể sử dụng càng trở nên xa vời.
Hồng Khánh
▪ Hà Tây phát triển du lịch làng nghề (14/01/2006)
▪ Khi học trò nói được điều khó nói (14/01/2006)
▪ Những ngày giáp Tết ở Trường Sa (14/01/2006)
▪ Khai trương tuyến xe Giáp Bát-Văn Giang (14/01/2006)
▪ Lương công nhân - bao giờ đủ sống? (14/01/2006)
▪ Công trình cầu lớn nhất Đà Nẵng gặp sự cố (14/01/2006)
▪ Đến năm 2010, giảm hơn 2/3 số hộ nghèo (14/01/2006)
▪ Hà Nội sắp có khoảng 1.000 căn hộ cho thuê (14/01/2006)
▪ Sự thật (14/01/2006)
▪ "Nghiêm cấm" thì phải nghiêm! (14/01/2006)