Ông Phạm Văn Quyền |
Mặc dù quyết định tăng tốc độ tối đa của phương tiện trên nhiều tuyến quốc lộ đã có hiệu lực song những biển báo vẫn chưa được cắm, gây khó khăn cho người tham gia giao thông. Ông Phạm Văn Quyền, Cục phó Đường bộ Việt Nam, trao đổi với VnExpress về vấn đề này.
- Thưa ông, việc điều chỉnh tốc độ tối đa cho xe cơ giới tập trung trên những đoạn đường nào?
- Tại những đoạn đường quốc lộ qua nội thành, nội thị có quy mô 4 làn xe cơ giới trở lên, có dải phân cách giữa thì các xe được tăng tốc độ 10 km/h so với trước đây.
Những tuyến quốc lộ theo địa giới hành chính nằm trong nội thành nội thị song trên thực tế có đoạn chưa đô thị hoá, chưa quy hoạch, đường thông thoáng, thì cho phép xe chạy như đối với đường ngoài đô thị. Ngoài ra, đoạn đường quốc lộ đã xây dựng thành tuyến tránh trung tâm tại các thành phố cũng cho phép chạy như đường ngoài đô thị.
- Những đoạn quốc lộ nằm trong khu vực sắp tới sẽ được đô thị hóa thì xử lý thế nào?
- Khi khu vực đó có sự thay đổi thì sẽ dịch chuyển biển báo, chứ không phải thay đổi quyết định. Tuy nhiên, để xác định cụ thể đoạn đường nào đã đô thị hoá mà chạy theo như đường ngoài đô thị thì phải được Khu quản lý đường bộ phối hợp với địa phương đặt biển báo tại vị trí đó.
- Tăng tốc độ tối đa là nguy cơ tiềm ẩn của tai nạn giao thông, ông có ý kiến gì?
- Chúng tôi đã tính đến điều kiện tuyến đường qua nội thị đã được mở rộng, có giải phân cách giữa nên phương tiện cần được lưu thông tốt hơn. 2 mục tiêu đảm bảo an toàn giao thông và hiệu quả xã hội được xem xét song song. Với quy định mới là tăng thêm 10 km thì vẫn nằm trong phạm vi an toàn (70 km/h trở xuống).
- Tại sao quyết định mới có hiệu lực từ 11/10 song đến nay các biển báo tốc độ vẫn chưa được cắm?
- Việc xác định khu vực nào là đô thị hoá là không đơn giản vì chưa có tiêu chí cụ thể, nó tuỳ thuộc vào tình hình thực tế, quy hoạch khu vực đó. Nên cần có phối hợp giữa các cơ quan địa phương để xác định. Việc này đã gây ra chậm trễ.
Cục Đường bộ đã thí điểm điều chỉnh biển báo tốc độ trên quốc lộ 1 địa phận Ninh Bình và đoạn từ Ninh Bình đi Thanh Hoá, làm cơ sở để các đơn vị quản lý đường cắm biển trong toàn quốc thời gian tới.
Cục Đường bộ đã chỉ đạo hoàn thành cắm biển tốc độ mới trong tháng 10, những đoạn, tuyến trọng điểm sẽ được điều chỉnh trước.
- Việc chậm trễ này sẽ gây khó khăn cho người điều khiển phương tiện nếu họ không biết có sự điều chỉnh, cũng như nảy sinh tiêu cực nếu cảnh sát giao thông xử lý vi phạm theo quy định cũ, ông nghĩ sao?
- Nếu người điều khiển phương tiện không biết có thông tin điều chỉnh tốc độ, họ vẫn đi tốc độ cũ thì càng an toàn. Cảnh sát thì phải xử lý theo quy định mới, còn nếu người cảnh sát cố tình xử phạt thì là vi phạm. Hiện chúng tôi chưa phát hiện và chưa nhận được phản ánh về những vi phạm của cảnh sát giao thông.
Quyết định mới đã được đăng công báo và gửi đến các đơn vị liên quan, do vậy việc triển khai thực hiện theo quyết định mới. Trong thời gian rà soát biển báo, lực lượng tuần tra sẽ không thể lợi dụng xử phạt theo quyết định cũ.
Đoàn Loan thực hiện
▪ Đã xoá điểm đen tự tạo trên QL5 (04/10/2005)
▪ Từ hội liên hiệp Nông dân tập thể đến Hội Nông dân Việt Nam (14/10/2005)
▪ Vận động hay bắt buộc? (14/10/2005)
▪ Bài học làm người (14/10/2005)
▪ Cô giáo thành thị ở ngôi trường vùng cao (14/10/2005)
▪ Công cuộc đổi mới: Nhìn lại để tiếp tục tiến lên (Tiếp theo và hết) (14/10/2005)
▪ Công bằng với doanh nhân (14/10/2005)
▪ Giới trẻ Sài Gòn chơi trội (14/10/2005)
▪ Sét đánh trúng lớp học, 15 học sinh bị thương (14/10/2005)
▪ Lễ hội Tình yêu ở Đà Lạt sẽ lập nhiều kỷ lục Guinness (14/10/2005)