![]() |
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng Ảnh: T.H. |
Thay đổi trong thủ tục thị thực, visa, tránh tình trạng 'trên thông dưới tắc' trong vấn đề nhà ở... là những bức xúc mà gần 70 trí thức Việt kiều bày tỏ trong hội thảo "Trí thức Việt kiều với sự nghiệp xây dựng quê hương", lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội, sáng nay.
Ngay từ đầu, đề xuất thành lập một tổ chức chuyên gia Việt kiều của GS. Nguyễn Đăng Hưng (ĐH Liège, Bỉ) đã lập tức thu hút được sự chú ý của đông đảo các nhà khoa học dự khán. Theo giáo sư, tổ chức này sẽ là đầu mối giữa người Việt tại nước ngoài với doanh nghiệp trong nước, đồng thời cũng tạo diễn đàn để trí thức kiều bào cùng chia sẻ những kinh nghiệm đã có tại những nước tiên tiến. Lấy ngay 2 ví dụ có tính thời sự là vụ Liên đoàn bóng đá VN phải bồi thường, và vụ Vietnam Airlines bị kiện, GS. Nguyễn Đăng Hưng cho rằng, nếu như có một hiệp hội Việt kiều thì sẽ không xảy ra những chuyện đáng tiếc như vậy. "Vì khi đó, Việt kiều là những người nắm thông tin nhanh nhất, họ có đủ tư cách pháp nhân đại diện cho các tổ chức này trước tòa. Chúng ta sẽ không phải rơi vào thế bị động như vừa qua", ông tin tưởng.
Không phải bây giờ ý định thành lập một tổ chức khoa học dành cho các trí thức Việt kiều mới xuất hiện mà đây là niềm mong mỏi nhiều năm của những nhà khoa học xa quê. Cách đây 5 năm, GS. Nguyễn Đăng Hưng đã có ý định thành lập Hiệp hội các nhà khoa học Việt Nam tại nước ngoài. Nhưng ý tưởng đó không thành hiện thực vì vướng Nghị định 88, quy định các tổ chức có yếu tố nước ngoài chỉ được thành lập dưới dạng liên danh, liên kết. "Tôi vừa thông báo ý định của mình với bạn bè trong giới thì đã có 82 người từ nhiều quốc gia gửi thư xin đăng ký. Tuy nhiên, khi biết hiệp hội sẽ phải đứng tên với người khác, Việt kiều sẽ không còn là "chính chủ" thì họ không còn muốn tham gia nữa", ông Hưng bức xúc.
Mặc dù vậy, GS. Hưng vẫn duy trì công việc này bằng việc chuẩn bị thành lập câu lạc bộ khoa học kỹ thuật Việt kiều hoặc một trung tâm thông tin của Việt kiều. Ông nói: "Nếu các câu lạc bộ này được thành lập với sự hậu thuẫn của các cơ quan trong nước sẽ là một hình thức hữu hiệu giúp chuyển giao tri thức của kiều bào về nước".
![]() |
Giáo sư Nguyễn Quý Đạo. Ảnh: T.H. |
Các nhà khoa học đánh giá rất cao những nỗ lực và kết quả công tác của Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài. Tuy nhiên, so với đòi hỏi của thực tế thì Ủy ban cần hoàn thiện cơ cấu tổ chức, nâng cao thẩm quyền và tăng cường ngân sách hoạt động. Kiều bào cũng đề nghị Chính phủ nâng Ủy ban lên cấp bộ để có thể giải quyết và đáp ứng những yêu cầu chính đáng của cộng đồng hơn 3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài. "Uỷ ban cần được nâng cấp cả về quy mô, tổ chức và tài chính để có thể là một chỗ dựa vững mạnh cho cộng đồng kiều bào", ông Nguyễn Quý Đạo, GS-TS. Hóa học tại Pháp, đề xuất.
Nhiều Việt kiều cũng bức xúc trước những bất cập trong thủ tục chính sách để họ có thể yên tâm hồi hương. Hiện thủ tục xin về nước quy định phải có người ruột thịt bảo lãnh. GS. Hưng kể lại lần đầu tiên ông về nước đã phải đăng ký rất nhiều lần và phải rất lâu mới được duyệt vì quy định người bão lãnh. Xa quê đã nhiều năm nên ông chẳng còn anh em, cha mẹ. Tìm mãi giáo sư mới liên lạc được ông chú ruột còn sống, và viết thư xin chú làm giấy bảo lãnh cho mình được về quê. "Việc bảo lãnh không nhất thiết phải là người thân ruột thịt, có thể chỉ là người Việt Nam không vi phạm pháp luật là được, điều này cũng tương đồng với các nước trên thế giới", vị giáo sư già bộc bạch.
Trong khi đó, GS. Nguyễn Văn Chuyển lại phàn nàn thời hạn visa quá ngắn. Ông cho biết, ở Nhật Bản nơi ông sinh sống rất khắt khe trong công tác quản lý người nước ngoài, song nhiều người quốc tịch Việt Nam vẫn được gia hạn 3-5 năm. "Vậy nhưng ở Việt Nam, visa chỉ được kéo dài có vài tháng đến 1 năm", ông Chuyển than thở.
Cùng chung bức xúc với ông Chuyển, nhiều nhà khoa học cho rằng để khuyến khích kiều bào trở về thì vấn đề cần phải điều chỉnh ngay là thủ tục hành chính. Trước mắt là mở rộng thời hạn thị thực và tiến tới miễn thị thực cho Việt kiều nói chung.
Bên cạnh thủ tục thị thực, visa, nhiều bà con Việt kiều còn băn khoăn về việc mua nhà ở. Trong Chương trình Hành động của Chính phủ nhằm triển khai Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác đối với người VN ở nước ngoài có giao các Bộ liên quan xây dựng các quy định, trong đó cho phép người Việt ở nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở. Tuy nhiên, nhiều trí thức kêu rằng chính sách có nhưng thiếu biện pháp đi kèm nên cũng chỉ là chung chung hoặc "tình trạng trên thoáng nhưng dưới không thông".
"Các cụ ta đã có câu an cư mới lập nghiệp. Các trí thức trở về quê nhà nhưng chẳng biết ở đâu. Mua nhà thì chưa được phép. Họ không thể ở nhà trọ khách sạn để làm việc lâu dài tại Việt Nam được", giáo sư Hưng bày tỏ.
Để giải quyết mọi phiền phức này thì theo ông Hưng, chỉ cần có "luật duy nhất", nghĩa là Việt kiều phải được hưởng quyền lợi và nghĩa vụ như người trong nước.
Cũng trong buổi hội thảo hôm nay, nhiều Việt kiều bày tỏ sự quan tâm đặc biệt tới vấn đề giáo dục trong nước và vai trò của trí thức Việt kiều. Nhiều ý kiến gợi ý hình thức đào tạo mới, đào tạo nghiên cứu phải gắn liền với sản xuất kinh doanh và phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam. Nhà nước cần có biện pháp quản lý và sử dụng những sinh viên du học bằng ngân sách. Giáo sư Đoàn Kim Sơn tự hào nói: "Sinh viên của ta rất giỏi. Những học sinh tôi lựa chọn sang du học tại Pháp thường có kết quả khá giỏi. Có điều khi về nước họ vẫn chưa được hưởng những chế độ phù hợp với tài năng của họ. Đây chính là lực cản đối với nguồn lực chất xám từ các bạn trẻ".
Giáo sư Nguyễn Quý Đạo cho rằng ngay những trí thức về hưu vẫn có thể cống hiến cho nước nhà. Họ có thể về Việt Nam giảng dạy, đưa những kinh nghiệm cọ xát trong thương trường, trong công nghệ về giới thiệu tại Việt Nam.
Chính vì vậy, các nhà khoa học kiến nghị các ban ngành nghiên cứu để ban hành một chính sách phát triển phù hợp có liên kết tam giác giữa nhà nước, nhà nghiên cứu và doanh nghiệp để phát huy chất xám hiệu quả.
Hằng năm, lượng ngoại tệ do kiều bào gửi về là hơn 3 tỷ USD, tuy nhiên đây vẫn là con số còn khiêm tốn so với thực lực của hơn 3 triệu kiều bào. Thực tế này là do sự e ngại về những chính sách, thủ tục của Việt Nam. Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Trí Dũng gợi ý: "Để có thể huy động được tối đa lượng kiều hối thì nên có một ngân hàng đầu tư Việt kiều. Qua đó kiều bào có thể tự tin gửi về cho người thân cũng như dễ dàng đầu tư cho các dự án, chương trình ở quê hương. Biện pháp này sẽ giúp nhà nước thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư bên ngoài, cũng như quản lý được lượng kiều hối chuyển về mỗi năm".
Trịnh Vũ
▪ Thước đo chất lượng chính quyền cơ sở (12/08/2005)
▪ Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cách mạng Tháng 8 (17/08/2005)
▪ Bán đảo Sơn Trà (17/08/2005)
▪ Dân góp tiền xây dựng bệnh viện cho người nghèo (17/08/2005)
▪ Trao giải báo chí '30 năm vì bình yên thành phố' (17/08/2005)
▪ Phát hiện lượng lớn dụng cụ y khoa vi phạm nhãn mác (17/08/2005)
▪ Lũ quét ở Nghệ An cướp đi 13 sinh mạng (17/08/2005)
▪ Kết thúc tiêm văcxin vào 15/11 để có gia cầm ăn Tết (17/08/2005)
▪ Mạng lưới kinh doanh ăn mày: Sự thật từ làng quê (17/08/2005)
▪ Ngừng thi công các công trình trong phạm vi hồ Đại Lải (17/08/2005)