VietNamNet
đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Bá Ân, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), người có nhiều năm nghiên cứu về vùng kinh tế và thế mạnh của các địa phương, xung quanh vấn đề này.Chủ lực phải là những "anh khổng lồ"
- Thưa ông, có ý kiến cho rằng, TP.HCM chọn mũi nhọn sản phẩm công nghiệp nhiều như vậy sẽ giống... gai mít, không thực sự đột phá ở đâu. Quan điểm của ông thế nào?
- Sản phẩm công nghiệp chủ lực phải dựa vào lợi thế so sánh với các nước khác. Đã gọi là sản phẩm chủ lực thì phải có quy mô đủ lớn, tác động, chi phối nền kinh tế. Những sản phẩm có sức tác động không lớn lắm thì không gọi là chủ lực được. Chủ lực mà chọn quá nhiều thì cũng không phải.
Muốn chọn thì phải xem lại toàn bộ sản phẩm công nghiệp của TP.HCM đến nay và trong 5 - 10 năm qua phát triển như thế nào, cái gì còn có khả năng phát triển, cái gì có điều kiện phát triển mà chưa phát triển được. Từ đó chọn tập trung vào một số sản phẩm trong từng thời kỳ một, chứ không phải sản phẩm vĩnh viễn. Ví dụ, cách đây 10 - 15, ngành dệt là một trọng tâm của TP.HCM. Nhưng bây giờ, nhiều lao động không chấp nhận may, thì phải chọn sản phẩm khác.
- Thực tế, khi được chọn thì DN có lợi thế rất nhiều, như được củng cố thương hiệu, nhận hỗ trợ của chính quyền trong xúc tiến thương mại, đầu tư. Một số người thắc mắc, với việc chọn nhiều sản phẩm như trên, liệu có thể có "tình cảm riêng" giữa người chọn và DN?
- Nếu quản lý kém thì có thể có chuyện đó. Tiêu chí chọn cần chi tiết, minh bạch, được lượng hoá để người chọn có thể chọn chính xác. Chẳng hạn, tiêu chí hiện đại phải rõ hiện đại là như thế nào.
Còn nhìn dưới góc độ quy luật kinh tế, nếu không chọn đúng, thì tất cả đều tính vào chi phí xã hội. Nếu để chi phí quá đắt mà không cạnh tranh được thì sẽ thất bại. Sản phẩm chủ lực phải có ưu thế thì mới thành chủ lực, mới cạnh tranh được.
- Tuy nhiên, có ý kiến giải thích: Trong điều kiện của ta hiện nay, DN vừa và nhỏ rất nhiều. DN nào có thể cạnh tranh, chứng tỏ sự tồn tại thì nên giúp đỡ bằng cách đưa vào danh sách sản phẩm chủ lực. Từ đó vực DN lên. Nếu không, DN sẽ "chết"...
- Mũi nhọn mà "chết" thì làm sao ra mũi nhọn. Chủ lực mà cứ vừa và nhỏ thì chủ lực gì. Chủ lực thì phải là trụ cột, phải là những anh khổng lồ.
Hỗ trợ DN vừa và nhỏ thì các nước cũng có hỗ trợ. DN nhỏ thì tiếp cận với thị trường thấp. Cho nên, nhà nước thành lập các trung tâm thông tin hỗ trợ.
Doanh nhân sẽ làm nên đột phá
- Vậy, TP.HCM nên chọn những sản phẩm nào làm chủ lực?
- TP.HCM có những lợi thế về nguồn nhân lực, có hạ tầng tốt hơn tất cả các nơi khác của VN: mạng lưới giao thông, điện, hệ thống thông tin..., lại là thị trường rất quan trọng. Vậy, nên đi vào những ngành yêu cầu kỹ thuật, công nghệ cao. Chẳng hạn, cơ khí chế tạo, công nghiệp phần mềm. TP cũng cần chú trọng phát triển cơ khí phục vụ nông nghiệp, vì nước ta vẫn là nước nông nghiệp.
Ngoài ra, nếu tập trung vào công nghiệp chế biến thì chúng ta có lợi thế. Nhưng phải nghiên cứu kỹ tập quán tiêu dùng, mẫu mã, bao bì. Người Hàn Quốc từ gạo rang đều có chế biến thành các đồ tiêu dùng, rất thuận lợi cho người du lịch. Đó là lợi thế so sánh.
- Các nước đều chọn 1 - 2 mặt hàng để đột phá. Ấn Độ thì chọn công nghệ phần mềm. Trung Quốc chọn sản phẩm chất lượng vừa phải và giá rẻ. Vậy VN, cụ thể hơn là TP.HCM thì nên như thế nào?
- Công nghệ thông tin thì chúng ta đã xác định từ hàng chục năm nay. Hiện nay, công nghiệp đóng tàu là hướng VN có thể phát triển.
- Đóng tàu hiện nay, mà TP.HCM chiếm vai trò rất lớn, đã có nhiều đơn đặt hàng, nhưng vẫn làm với quy mô nhỏ. Vậy, làm sao có thể cạnh tranh mạnh?
- Ta có thể làm được. Ngành đóng tàu lên thì sẽ kéo theo sự đi lên của hàng loạt ngành khác. Hiện, từ thiết kế đến chế tạo vẫn phải nhập khẩu nhiều. Vậy, trước hết hãy làm nội thất tàu cho thật tốt, thật đặc thù, hấp dẫn. Nhưng phải có chiến lược khoa học đào tạo, thu hút nhân lực.
- Nhưng điều kiện làm việc, cơ hội phát triển hiện không thật tốt sẽ khó thu hút nguồn nhân lực thật tốt. Thiếu nhân lực sẽ khó phát triển. Đó là cái vòng luẩn quẩn. Vậy, khâu đột phá là gì?
- Đột phá thực sự phải từ các doanh nhân. Ta đang thiếu những người đó. Hàn Quốc đi lên là do một vài tập đoàn đột phá. Phải có chính sách đào tạo, phát huy được nhân tài.
- Có hai luồng ý kiến. Một, ta không nên "đua đòi", thấy các nước có ngành này, ngành nọ thì cũng lao vào, vì thị trường thế giới đã phân chia. Hai, vẫn phải mạnh dạn đầu tư sản xuất, vì như trường hợp Hàn Quốc những năm 60 - 70 thế kỷ trước, nếu cứ nghĩ công nghiệp ô tô, đóng tàu đã thuộc về Mỹ, Nhật..., thì làm sao có công nghiệp ô tô, đóng tàu....
- Phải dung hoà hai luồng ý kiến đó. Vẫn phải dựa vào thế mạnh của mình, nhưng cũng hướng tới những ngành quan trọng. Công nghiệp ô tô thế giới đang phát triển nhanh, nhưng Trung Quốc vẫn làm được, vì họ có nhu cầu nội địa. Làm được rẻ hơn để có thể cạnh tranh thì người ta làm. Cái đó là do sự đột phá của DN. Nhà nước chỉ có nhiệm vụ tạo hành lang.
- Xin cảm ơn ông!
Phạm Cường
thực hiện
Chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp của TP.HCM giai đoạn 2002 - 2005 do UBND TP.HCM chủ trương tính đến hết năm 2004 đã chọn được 35 DN với trên 40 sản phẩm thuộc các ngành: cơ khí, chế biến thực phẩm, điện tử, dệt may, nhựa, cao su… TP vừa công nhận 14 sản phẩm cho 11 công ty là sản phẩm công nghiệp chủ lực: cơ khí ô tô, cao su, dây cáp điện... Danh sách xét chọn đợt 1 có 12 sản phẩm, trong đó có những sản phẩm như: khăn giấy, bánh ngọt... Năm 2004, tổng mức đầu tư cho chương trình là gần 1.143 tỷ, đã thực hiện giải ngân được gần 122 tỉ. Dự tính năm 2005, tổng mức đầu tư là gần 2.765 tỷ cho 46 dự án của 27 DN. |
▪ Triển lãm về quá trình phát triển của Đảng (05/12/2005)
▪ “Sứ giả” văn hóa ẩm thực Việt Nam (05/12/2005)
▪ Người dân bắt đầu mua thịt gà sạch (05/12/2005)
▪ Dự báo mùa đông năm nay: lạnh nhất trong 30 năm qua (05/12/2005)
▪ Bảo vệ đàn chim cảnh, quý hiếm trong dịch cúm gia cầm (06/12/2005)
▪ Cần dừng ngay việc tiêu diệt bồ câu! (06/12/2005)
▪ Festival cà phê Buôn Ma Thuột - Một nửa là niềm vui (06/12/2005)
▪ Nguy cơ lây nhiễm virus cúm gia cầm cao nhất là từ khâu giết mổ (06/12/2005)
▪ Hạn chế ô nhiễm tại các hố tiêu hủy gia cầm (06/12/2005)
▪ Bốn đề án phòng chống buôn bán phụ nữ, trẻ em (05/12/2005)