Cần từ bỏ tập quán 'thương cho roi cho vọt'
Các Website khác - 21/03/2006

"Hành vi trừng phạt thân thể trẻ em là vấn đề cũ, bị lên án nhiều nhưng vẫn tái diễn. Nó bắt nguồn từ quan niệm 'thương cho roi cho vọt' tồn tại lâu nay ở VN. Nhưng xã hội văn minh thì phải từ bỏ tập quán đó", ông Lê Ngọc Điệp, Trưởng phòng giáo dục tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, nhấn mạnh.

Giáo viên TP HCM bàn luận về việc thay thế hình phạt với trẻ em. Ảnh: Đ.X.

Trao đổi với phóng viên VnExpress sau một hội thảo về thay thế hình phạt với trẻ em tại TP HCM, mới đây, ông Điệp cho rằng, đặc trưng văn hoá từng nước, địa phương và tâm, sinh lý học trò... tác động trực tiếp tới công tác giáo dục trẻ.

Tại Australia và một số nước châu Âu, khi mệt, học sinh được phép nằm ra ghế nghỉ. Vì giáo dục của các nước này "nương" theo quy luật phát triển tự nhiên của con người, học trò tuổi từ 6 đến 11 chỉ có thể tập trung nghe giảng trong thời gian nhất định và cần nghỉ ngơi, thư giãn để tiếp tục học tốt hơn. Nhưng ở các nước Á Đông, nếu học trò có hành vi trên sẽ bị cho là không nghiêm túc và bị phạt. Bởi thói quen Á Đông xem roi vọt là cách để buộc trẻ ngoan hơn.

Song theo ông Điệp, việc trừng phạt thân xác trẻ chắc chắn không phải là hành vi văn minh. “Thuở tôi đi học, bị thầy giáo, cha mẹ đánh là chuyện bình thường. Vì thời ấy, cha mẹ và con cái khá chênh lệch nhau về nhận thức. Còn nay, hai thế hệ đều được trang bị học vấn và kiến thức xã hội nhất định nên bình đẳng hơn. Cha mẹ cần ngồi nói chuyện với con, phân tích nguyên nhân kỹ càng, trước khi đưa ra biện pháp xử phạt”, ông Điệp nói.

Trong nhà trường, nhiều giáo viên khác không phủ nhận việc đã đôi lần phải dùng tay, dùng thước "phạt" học sinh, vì các em quá nghịch ngợm, sao nhãng việc học. Ông Điệp cho rằng một số giáo viên đánh học trò chủ yếu là do bột phát từ tiềm thức, đánh xong rồi hối hận. Còn theo ông Lê Văn Công, Phòng giáo dục quận 5, việc dạy trẻ bằng roi vọt là thói quen ăn sâu trong gia đình, xã hội nhiều năm nên không dễ thay đổi ngay. Để có cách ứng xử tình huống cho phù hợp, người thầy cần có kiến thức tốt cả về tâm, sinh học và xã hội học.

"Gia đình phải tích cực dạy dỗ con em mình, không nên khoán trắng cho nhà trường", ông Công nói. "Còn nhà trường và thầy cô giáo cần nhìn nhận việc học tập của học sinh là để biết, nhằm xã hội hoá giáo dục chứ không đơn thuần dựa vào điểm số. Như thế mới hạn chế được áp lực trong việc dạy và học. Các em sẽ hứng thú học hơn, thầy cô cũng bớt căng thẳng khi lên lớp và sẽ ít phải sử dụng hình thức xử phạt học sinh".

Bà Trần Thị Kim Dung, một phụ huynh học sinh ở quận 3, TP HCM, kịch liệt phản đối những hành vi trừng phạt thân thể, vi phạm nhân phẩm trẻ em trong nhà trường. Theo bà, trẻ em thể lực yếu, suy nghĩ non nớt nên khó quên ấn tượng về hành vi, thái độ khác thường của thầy cô.

"Cha mẹ chịu trách nhiệm chính trong việc hình thành tính cách trẻ, còn thầy cô giáo là người tham gia uốn nắn các em. Chính tình yêu thương, sự gần gũi, sẻ chia chân thành và sự công bằng của thầy cô sẽ cảm hóa và điều chỉnh được nhận thức của các em, nhất là học sinh cá biệt", bà Dung nói. Nhưng bà Dung cũng thừa nhận đã đôi lần "phết" con mình. Trong suy nghĩ của bà, ở hoàn cảnh nhất định, cha mẹ phải đánh để giúp trẻ thấy hành vi của mình là không chấp nhận được, sẽ nhận hậu quả nghiêm khắc. Cũng theo bà Dung, đánh không đồng nghĩa với bạo hành và không nên áp đặt trẻ phải tuân theo quan điểm của mình.

Còn theo bà Phan Thị Thanh Minh, Trung tâm tư vấn Gia đình và Trẻ em TP HCM, dù xuất phát từ nguyên nhân gì thì việc đánh trẻ em cũng không tốt. Hình thức tích cực nhất là tùy cách dạy dỗ cho phù hợp theo cá tính từng em, để việc xử phạt không ảnh hưởng tới sự phát triển thể trạng cũng như tinh thần các em. Đơn cử, nếu trẻ không thuộc bài thì nhắc nhở hoặc phạt bằng cách không cho tham gia những hoạt động giải trí thường xuyên mà các em thích như: đi chơi, xem phim. Hoặc yêu cầu các em làm một việc vừa sức nhưng các em không muốn như: rửa bát, lau nhà... Đây là hình thức xử trí theo quan điểm có công thì thưởng, có tội thì phạt.

"Việc gì muốn làm tốt cũng phải học, riêng làm cha mẹ lại theo kinh nghiệm thế hệ trước truyền cho thế hệ sau là chính. Các cặp vợ chồng trẻ nên học một lớp dạy về gia đình, tâm sinh lý trẻ để dạy con. Đây là biện pháp phòng bạo lực với trẻ, chứ không đơn thuần là chống như hiện nay", bà Minh đề xuất thêm giải pháp.

Thanh Lương