Hoang mang... thật, giả tuổi vàng 
Các Website khác - 20/03/2006
Nữ trang vàng không đạt chất lượng đang được lưu thông công khai trên thị trường đã gây thiệt hại không những cho người tiêu dùng mà còn xâm hại đến uy tín nữ trang vàng Việt Nam trên thị trường quốc tế. Các nhà quản lý nhà nước trăn trở, các doanh nghiệp vàng (DN) đau đầu.
TP Hồ Chí Minh, nơi tập trung đông đảo nhất những nghệ nhân và đội ngũ thợ kim hoàn có tay nghề, phản ứng ra sao trước thực trạng đáng báo động trên?

Ông Nguyễn Hữu Thuận, Phó Giám đốc Tổng Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn – SJC nhận định: “Không nên đánh đồng việc kinh doanh vàng thấp tuổi với việc gian lận thông tin về tuổi vàng trong mua bán các sản phẩm nữ trang”. Các nước tiến tiến từ lâu đã cho phép sản xuất và kinh doanh các loại trang sức, hàng mỹ nghệ (phụ tùng đồng hồ, chi tiết bút máy, gọng kiếng, khuy áo,…) bằng vàng thấp tuổi như vàng 9K (3,75 tuổi hay 37,52% vàng ròng), 10K (4,16% tuổi hay 41,6% vàng ròng), 12K (5 tuổi hay 50% vàng ròng).

Các sản phẩm nữ trang thì tuổi vàng - hàm lượng vàng - phải là 14k, 18k, 20K, 22K. Ở nước ta, lợi dụng sơ hở trong chính sách, không ít cơ sở sản xuất nữ trang nhỏ lẻ đã cạnh tranh không lành mạnh bằng cách gian lận tuổi vàng của sản phẩm: đóng dấu 18K nhưng tuổi vàng chỉ đạt 65%-68% (thay vì phải 75%, tức 7,5 tuổi), thậm chí có nơi chỉ có 51%.

Từ sau Tết đến nay, giá vàng tăng cao, tình hình làm ăn gian lận nữ trang vàng càng gia tăng. Tuy nhà nước có quy định các tổ chức, cá nhân kinh doanh vàng đều chịu sự thanh tra, kiểm tra của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan thẩm quyền, nhưng chỉ có hiệu lực với DN nhà nước và đơn vị làm ăn lớn, có đăng ký kinh doanh và cam kết đảm bảo chất lựơng- tuổi vàng.

Còn đối với hàng ngàn cơ sở sản xuất nhỏ đang gia công cho các “chành” - chủ yếu đưa hàng đi các tỉnh kể cả nữ trang xuất khẩu lậu với hàng trăm ngàn sản phẩm/ngày - thì rõ ràng, các cơ quan chức năng không thể giám sát hết được.

Ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý TPHCM (SJA) hiện có 1.600 hội viên là các đơn vị, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế tác, gia công, kinh doanh, xuất nhập khẩu vàng bạc đá quý trên địa bàn TPHCM - chua xót nhận định: vàng nữ trang đang lưu thông trên thị trường hiện chưa có thống nhất về tiêu chuẩn chất lượng; DN tự quy định chất lượng và tự chịu trách nhiệm.

Do vậy, một số DN vàng làm ăn gian dối đã làm ảnh hưởng đến uy tín chung của ngành kim hoàn. DN làm ra sản phẩm kém chất lượng- hạ tuổi so với tuổi ghi trên sản phẩm, độn lót bên trong-đã “tự giết chết nghề nghiệp của mình”. Trong khi chờ các cơ quan quản lý có giải pháp chung, Chủ tịch SJA đề nghị được cấp giấy chứng nhận cho các hội viên ký cam kết bảo đảm chất lượng sản phẩm.

Trước hiện tựơng gian lận tuổi vàng phổ biến, người tiêu dùng đã chọn mua nữ trang của những DN vàng làm ăn chân chính hoặc có thương hiệu mạnh, uy tín như SJC, PNJ, Bến Thành, D.A.N,... Trong dịp lễ Tình nhân 14-2 và 8-3 vừa qua, các cửa hàng nữ trang SJC và PNJ đạt doanh số tăng vọt. Riêng nữ trang PNJGold đã đạt doanh thu bán lẻ kỷ lục trong tuần lễ ra mắt bộ sưu tập Valentine: 24,5 tỷ đồng.

Rất nhiều DN đồng tình với ý kiến của ông Võ Kim Seng, chủ DN nữ trang chuyên xuất khẩu Kim Seng: “DN vàng Việt Nam phải cạnh tranh bằng mẫu mã, nghệ thuật sản phẩm; không nên và không được cạnh tranh bằng cách giảm tuổi vàng. Muốn ngành nữ trang Việt Nam phát triển, phải lành mạnh hóa chất lượng sản phẩm”.

Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Phó Tổng Giám đốc PNJ, lâu nay, nữ trang xuất khẩu của PNJ đã phải làm nhỉnh hơn so với tuổi vàng khách đặt để có dung sai an toàn, bảo vệ uy tín thương hiệu PNJ và cho cả kim hoàn Việt Nam.

Theo Sài Gòn giải phóng