Để bảo đảm công khai, minh bạch, ngành điện nên công bố đầy đủ các yếu tố cấu thành giá điện như: vật tư đầu vào, khấu hao tài sản, chi phí truyền tải, tỷ lệ hao hụt điện năng cho phép... để có giá điện (đã được điều chỉnh tăng giá) bảo đảm kinh doanh, tái đầu tư cho các loại hình sản xuất điện năng.
Tôi là một cán bộ hưu trí, sống tại thủ đô Hà Nội. Ðồng lương hưu của hai vợ chồng chúng tôi trong một tháng phải trang trải cho những việc sau: tiền ăn, tiền điện, tiền nước, tiền vệ sinh môi trường, tiền điện thoại, tiền truyền hình cáp, tiền khám, chữa bệnh thông thường, tiền ga... Những khoản cố định nói trên đã ngốn hết lương hưu của hai vợ chồng. Nếu cần chi tiêu cho những nhu cầu đột xuất đều phải nhận từ sự chi viện của con. Từ sau Tết Bính Tuất, vợ tôi lại sinh bệnh thoái hóa cột sống nên mọi sinh hoạt trong gia đình đều đảo lộn vì còn phải dành dụm để lấy tiền chữa bệnh. Tôi đã nghiên cứu rất kỹ các phương án tăng giá điện lần này, xin đưa ra những đóng góp sau đây:
Thứ nhất, tôi rất thông cảm và chia sẻ với ngành điện vì không đủ cung cấp điện cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Vì vậy tôi cũng đồng ý phải tăng giá điện.
Thứ hai, để bảo đảm công khai, minh bạch, ngành điện nên công bố đầy đủ các yếu tố cấu thành giá điện như: vật tư đầu vào, khấu hao tài sản, chi phí truyền tải, tỷ lệ hao hụt điện năng cho phép... để có giá điện (đã được điều chỉnh tăng giá) bảo đảm kinh doanh, tái đầu tư cho các loại hình sản xuất điện năng. Như vậy, không phải đưa ra nhiều phương án tăng giá điện, mà phù hợp quy luật dùng nhiều trả tiền nhiều, dùng ít trả tiền ít.
Thứ ba, trong điều kiện cung không đủ cầu thì cần phải đưa ra một chính sách "triệt để tiết kiệm, chống lãng phí trong tiêu thụ điện năng". Ngành điện nên thực hiện giá điện giờ cao điểm và giá điện giờ thấp điểm. Nếu thực hiện việc này, gia đình tôi sẽ sử dụng các thiết bị điện thiết yếu cho sinh hoạt gia đình như: bơm nước, giặt quần áo, dùng quạt, điều hòa không khí... từ 22 giờ hôm trước đến sáu giờ sáng hôm sau. Còn vào giờ cao điểm, gia đình tôi không lượng đủ sức thì triệt để tiết kiệm trong tiêu dùng điện, dành cho các nhu cầu sử dụng điện khác của xã hội. Có như vậy mới hài hòa được lợi ích của Nhà nước cũng như lợi ích của người dân.
NGUYỄN VĂN KHÁNH DUY (Khương Thượng, Ðống Ða, Hà Nội)
|