Trợ giúp nông dân mua máy nông nghiệp
Các Website khác - 24/03/2006
Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn bà con nông dân
bảo quản máy cầy ở huyện Anh Sơn (Nghệ An).
Với quan điểm trợ giúp nông dân, chỉ cần chúng ta tiết kiệm một chút, hạn chế thất thoát trong xây dựng con đường, công trình thủy lợi, là giành ra được hàng tỷ đồng, giúp nông dân mua được nhiều máy phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Những năm qua, nhiều tỉnh đã có chính sách trợ giúp nông dân mua máy phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần tăng tỷ lệ cơ giới hóa, giảm lao động nặng nhọc, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả sản xuất. Nghệ An, Hà Tĩnh là hai tỉnh sớm thực hiện chính sách này, nhưng thực tế cho thấy còn một số vấn đề vướng mắc cần có hướng giải quyết.

Ý kiến người dân...

Ông Võ Tá Lâm ở khối 12, thị trấn Thạch Hà (Hà Tĩnh) cho biết, theo chính sách hỗ trợ lãi suất, cùng với số tiền của mình, gia đình ông vay thêm vốn ngân hàng nông nghiệp mua một máy cày đa chức năng 12 sức ngựa (BS 12), giá 14 triệu đồng, thời hạn vay 36 tháng. Ðến nay, ông chỉ còn nợ ngân hàng năm triệu đồng, sẽ trả hết đúng hạn trước tháng 12-2006. Ðặc điểm đồng đất quê ông, làm đất bằng máy chỉ dùng phay và bánh lồng. Ngay vụ lúa đầu tiên, sử dụng máy làm đất thuê cho các hộ trong 17 ngày, sau khi trừ chi phí nhiên liệu dầu, mỡ, ông thu về tám triệu đồng (đó là chưa kể việc ông dùng máy làm đất cho mười sào ruộng của nhà, mà trước đây vẫn phải thuê người làm). Làm đất bằng máy vừa bảo đảm thời vụ, yêu cầu chất lượng kỹ thuật, vừa rẻ hơn thuê làm đất bằng trâu, bò.

Theo cách tính của ông Lâm, mỗi vụ, thời gian làm đất khoảng 15 - 17 ngày, mỗi ngày sử dụng máy, ông làm được 10 đến 12 sào (một sào trung bộ bằng 500m2), giá dịch vụ là 50 nghìn đồng/sào, trừ chi phí nhiên liệu hết 100 nghìn đồng/ngày, ông thu về 400 - 500 nghìn đồng/ngày. Ngoài làm đất, khi thu hoạch còn dùng máy để tuốt lúa. Một năm làm đất thuê hai vụ, tính toán "khiêm tốn" sau hai năm đủ trả được tiền vay mua máy. Chính vì vậy, sau hai năm, ngoài trả nợ khoản vay, thu về dịch vụ làm đất, gia đình ông còn để ra được 10 triệu đồng góp vào xây nhà gạch mái ngói rộng 45m2, nền lát gạch men, trị giá 30 triệu đồng. Tuy mới sử dụng khoảng 45 ngày cho công việc làm đất, tuốt lúa trong một năm, nhưng ông Lâm cho rằng mua máy phục vụ sản xuất nông nghiệp là rất hiệu quả.

Ông Cao Văn Hộ ở khối 7, thị trấn Anh Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An), vay Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mười triệu đồng, thời hạn 36 tháng, cùng với số tiền tự có, tháng 7-2004, ông mua một máy cày đa chức năng, công suất 16,5 sức ngựa, trị giá 14,9 triệu đồng. Ðến nay, sau 20 tháng, ông đã trả được sáu triệu đồng, còn lại bốn triệu đồng bảo đảm trả đúng hạn. Ông Hộ cho biết, thật ra số tiền thu về từ việc sử dụng máy làm dịch vụ, nếu không phải chi vào những khoản khác, chỉ trong một năm là đủ tiền trả nợ vay ngân hàng. Ông dùng máy làm đất cho 15 sào ruộng, vườn của nhà, làm thuê cho bà con ở thị trấn và ngoài thị trấn. Ðất trung du, miền núi quê ông rộng, nếu không có máy, làm đất khó khăn, nhất là khi vào vụ. Làm đất bằng máy ngày được 15 sào, ông thu giá dịch vụ 60 nghìn đồng/sào, sau khi trừ chi phí dầu, mỡ thu từ 600 đến 700 nghìn đồng/ngày. Mỗi vụ thời gian làm đất từ 15 đến 20 ngày, một năm làm hai vụ từ 30 đến 40 ngày. Ngoài ra, ông mua thêm rơ-moóc, máy bơm cùng máy cày đa chức năng thực hiện vận chuyển, bơm nước phục vụ nhu cầu sản xuất của gia đình và làm dịch vụ. Nguồn thu từ dịch vụ làm đất, vận chuyển, gia đình ông đã mua một số máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, sinh hoạt: động cơ, máy xay xát, xe máy, có thêm tiền nuôi con ăn, học. Theo ông, làm nông nghiệp nên có máy cày đa chức năng và một số máy khác.

Cũng ở huyện Anh Sơn, gia đình ông Nguyễn Anh Ðạt ở xóm 1, xã Phúc Sơn, vay vốn ngân hàng được hỗ trợ lãi suất, tháng 10-2003, mua một máy cày đa chức năng, giá 14,9 triệu đồng. Ðến nay, đã trả nợ đầy đủ, đúng hạn. Do thiếu lao động, cho nên không sử dụng hết tính năng, tác dụng của máy, chủ yếu dùng vào việc làm đất cho gia đình 10 sào và làm đất thuê cho các hộ, nhưng ông đã mua được rơ-moóc. Một năm dùng máy làm đất thuê hai vụ trong vòng từ 35 đến 40 ngày, sau khi trừ chi phí dầu, mỡ, cũng thu được từ bảy đến tám triệu đồng. Vốn tính cẩn thận, ông luôn quan tâm đến việc quản lý sử dụng, chăm sóc, bảo dưỡng... cho nên sau gần ba năm làm đất, chiếc máy của gia đình ông trông vẫn còn như mới.

...Và ý kiến của các cơ quan, đơn vị

Phó Chủ tịch Hội Nông dân Hà Tĩnh Trần Công Thành cho biết, ngày 8-11-2002, UBND tỉnh Hà Tĩnh có Quyết định số 2396 QÐ/UB-NL2, hỗ trợ nông dân mua máy cày đa chức năng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Kế hoạch ba năm (2002 - 2004), tỉnh trợ giúp nông dân mua 1.500 máy, bình quân 500 máy/năm. Cụ thể, đối tượng mua máy được vay Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cao nhất là 70% số tiền mua máy, thời gian không quá 36 tháng; ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% lãi suất cho số tiền đối tượng thực vay của ngân hàng trong thời hạn quy định.

Trong hai năm (2003 - 2004), Hội Nông dân các cấp của Hà Tĩnh phối hợp các cơ quan: Sở Tài chính - Vật giá, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện giúp nông dân mua được 620 máy. Tuy nhiên, so với kế hoạch, mới thực hiện được 41,3%, còn phải tiếp tục trợ giúp để nông dân mua 880 máy. Là tổ chức của nông dân, gần gũi với họ, ông Thành cho biết, thấy dùng máy làm đất hiệu quả, nhiều người bán trâu, bò lấy tiền mua máy, hầu hết các hộ vay ngân hàng theo chính sách mua máy đều trả nợ sòng phẳng, đúng hạn. Những huyện miền núi đất rộng, thực hiện chủ trương xóa vườn tạp, trồng cây công nghiệp, cây ăn quả chuyên canh, càng cần đưa máy vào để cơ giới hóa khâu làm đất. Nhưng năm 2005, do ngân sách địa phương eo hẹp, không có nguồn hỗ trợ, Hà Tĩnh không giúp nông dân mua thêm được một chiếc máy nào.

Ông Thành đề nghị, năm 2006 và những năm tiếp theo, tỉnh cần quan tâm bố trí nguồn hỗ trợ lãi suất để giúp nông dân mua số máy còn lại theo kế hoạch đề ra. Theo điều tra, nhu cầu vay vốn được hỗ trợ lãi suất để mua máy của nông dân rất lớn, vì nông dân phần đông còn nghèo, được giúp đỡ một chút lợi ích là có khả năng tự lực, sáng tạo, chứ không đơn giản hiểu là bao cấp.

Trưởng phòng Phát triển kinh tế nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh) Phan Ðồng cho biết, hai năm (2003 - 2004) tỉnh bố trí, chuyển thanh toán bù lãi suất cho nông dân vay vốn mua máy hai đợt, tổng số 3,6 tỷ đồng. Năm 2005, ngân sách địa phương không có nguồn hỗ trợ nông dân mua máy. Chính sách hỗ trợ nông dân mua máy rất tốt, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nông dân, nhất là các hộ sản xuất ở các huyện miền núi.

Khác với Hà Tĩnh, từ tháng 12-1998, UBND tỉnh Nghệ An đã có quyết định hỗ trợ, khuyến khích nông dân mua máy nông nghiệp. Từ đó đến nay, liên tục năm nào tỉnh cũng bố trí nguồn vốn hỗ trợ, từ trợ giúp mua máy cày đa chức năng đến trợ giúp mua máy sấy, máy gặt. Cụ thể, cấp bù lãi suất vay vốn mua máy cày loại nhỏ đa chức năng, tính cho hai phần ba giá trị máy hoàn chỉnh, thời hạn 36 tháng; hỗ trợ kinh phí tập huấn, quản lý, sử dụng máy; trợ cấp 40% giá trị lò sấy công suất nhỏ cho vùng miền núi, 20% vùng đồng bằng; trợ cấp 20% giá trị lò sấy công suất hơn hai tấn/lần sấy, phục vụ liên hộ, HTX và cấp bù lãi suất vay vốn trong 24 tháng cho 80% giá trị lò sấy còn lại; trợ cấp 20% giá trị máy gặt và cấp bù lãi suất vay vốn trong 24 tháng cho 80% giá trị máy gặt còn lại.

Ông Võ Trọng Ngọ, Trưởng phòng Chế biến nông lâm sản và ngành nghề nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An), cho biết, bảy năm (1999-2005), tỉnh đã trợ giúp nông dân mua 2.376 máy cày đa chức năng. Năm 2005, nhu cầu của nông dân giảm chỉ còn 319 máy, giảm 100 máy so với những năm trước. Năm 2006, tỉnh bố trí hai tỷ đồng trợ giúp nông dân mua máy nông nghiệp, trong đó 457 máy cày, 50 máy gặt, 40 máy sấy, đồng thời tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách khuyến khích mua, sử dụng máy, tăng kinh phí tuyên truyền từ 15 triệu đồng (năm 2005) lên 150 triệu đồng (năm 2006).

Theo ông Ngọ, vì đặc điểm khi thu hoạch vụ đông thời tiết địa phương ẩm ướt, thiếu nắng, dễ gây nên hư hỏng, giảm cấp sản phẩm làm cho bị "mất mùa trong nhà". Không đưa được máy sấy vào phục vụ thu hoạch, sơ chế, bảo quản nông sản, thì không thể phát triển được vụ đông (vụ 3) vững chắc.

Công ty cổ phần xây dựng dịch vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn Nghệ An là đơn vị chủ lực trong việc tham gia đưa máy đến bà con nông dân theo chính sách trợ giúp của tỉnh. Công ty làm đại lý cung ứng, giao máy, hướng dẫn sử dụng, bảo quản, bảo hành, sửa chữa sau bán hàng. Trong số máy nông dân mua được bảy năm qua với cơ chế hỗ trợ, công ty đã thực hiện cung ứng, dịch vụ kỹ thuật 2.037 máy.

Giám đốc Công ty Nguyễn Ðình Hòa cho biết, việc sử dụng máy làm đất, chẳng những bảo đảm tính thời vụ như vụ hè thu, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, còn thích ứng đồng bộ với quản lý, điều tiết thủy lợi, tiết kiệm, hiệu quả. Nông dân vay vốn mua máy đều trả nợ sòng phẳng, đúng hạn, nhiều hộ còn trả nợ trước hạn.

Ông Hoà phân tích, năm qua, số lượng máy nông dân mua được hỗ trợ có giảm, có thể do thiên tai mất mùa, sức mua giảm; mặt khác, lượng máy nông dân mua thương mại ngoài chính sách hỗ trợ đến hơn một nghìn máy, cho nên tại thời điểm nào đó, nhu cầu tạm bão hòa. Nhưng, những máy nông dân mua cách đây năm năm đã hết hạn sử dụng, cần được mua mới thay thế. Kinh tế phát triển, thu nhập tăng lên, thực hiện chủ trương dồn điền, đổi thửa, khai hoang ruộng đất ở những huyện trung du, miền núi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tích tụ đất đai, nhu cầu mua, sử dụng máy của nông dân sẽ gia tăng. Với quan điểm trợ giúp nông dân, ổn định xã hội, chỉ cần chúng ta tiết kiệm một chút, hạn chế thất thoát trong xây dựng con đường, công trình thủy lợi, là giành ra được hàng tỷ đồng, giúp nông dân mua được nhiều máy phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần cơ giới hóa, CNH, HÐH nông nghiệp, nông thôn.

Anh Sơn là huyện miền núi của Nghệ An. Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nguyễn Văn Minh cho biết, đất đai ở đây rộng, huyện có chỉ đạo dồn điền, đổi thửa, nhu cầu đưa máy vào làm đất, khai hoang lớn, chưa kể có năm trâu, bò bị dịch bệnh, chết nhiều, dẫn đến tình trạng thiếu sức kéo nghiêm trọng, càng cần có máy. Hiện tại, các xã Lĩnh Sơn, Lạng Sơn, Tào Sơn của Anh Sơn nhiều hộ nông dân vẫn phải thuê máy làm đất trồng mía từ huyện Ðô Lương.

Những kiến nghị

Nông dân Hà Tĩnh phần lớn còn nghèo, nhu cầu được hỗ trợ lãi suất, vay vốn mua máy phục vụ sản xuất nông nghiệp khá lớn. Hai năm qua, việc trợ giúp nông dân mua máy chưa được nhiều, so với kế hoạch đặt ra, còn phải giúp nông dân mua 880 máy. Do đó, dù khó khăn đến mấy, trong hai năm tới địa phương nên dành riêng, bố trí đủ ngân sách để hỗ trợ lãi suất nông dân vay vốn mua máy. Tùy tình hình có thể điều chỉnh chính sách hỗ trợ định hướng cho việc mua, sử dụng những loại máy phục vụ làm đất, thu hoạch, bảo quản, chế biến nông sản, phát triển ngành nghề...

Nghệ An đang giải quyết những vấn đề đặt ra cho cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, đơn vị cung ứng, dịch vụ kỹ thuật gặp khó khăn trong việc lựa chọn thiết bị lò sấy. Các đơn vị sản xuất trong nước sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, giá cả đối với nông dân. Tập trung cho hướng bảo quản sản phẩm, tỉnh nên chỉ đạo, trợ giúp về tài chính để có thể đặt hàng các nhà thiết kế, chế tạo, tìm ra những loại máy, thiết bị phù hợp điều kiện cụ thể của địa phương, từ đó từng bước nhân rộng vững chắc, hạn chế được những lúng túng, gây lãng phí, tốn kém.

Cần có sự nghiên cứu, tổng kết sâu sắc về việc thực hiện chính sách hỗ trợ nông dân mua máy, rút kinh nghiệm, củng cố, xây dựng mô hình phù hợp, tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn. Ðồng thời định hướng, khuyến khích đầu tư máy, thiết bị kỹ thuật vào những khâu, lĩnh vực phù hợp, hiệu quả. Cơ giới hóa nông nghiệp là việc làm khó khăn, phức tạp có tính cách mạng, đòi hỏi thực hiện đồng bộ các yếu tố, giải pháp, tạo môi trường hoạt động, hướng phát triển sản xuất hàng hóa lớn. Thực tiễn đã chỉ ra khâu đột phá, cần được phát huy, phát triển.

HỮU HẠNH và MẠNH THUẦN