Tình nguyện viên chăm sóc người cao tuổi
Các Website khác - 24/03/2006
Các tình nguyện viên thăm hỏi sức khỏe
và động viên người cao tuổi cô đơn ở
Chí Linh (Hải Dương).
Sau gần ba năm thực hiện thí điểm dự án chăm sóc người cao tuổi (NCT) dựa vào đội ngũ tình nguyện viên (TNV) ở hai địa bàn là quận Ðống Ða (Hà Nội), huyện Chí Linh (Hải Dương), hơn 100 NCT già yếu, cô đơn không nơi nương tựa được chăm sóc chu đáo cả về vật chất, tinh thần.
Bà Nguyễn Thị Thức, 58 tuổi, TNV ở xã An Lạc, huyện Chí Linh (Hải Dương) kể về quá trình trở thành TNV của mình: Trong lần đi viếng một đồng chí thương binh, con trai duy nhất của cụ Phạm Thị Xuân, 87 tuổi, ở xóm 3, tôi đã được chứng kiến nỗi đau vô hạn của người mẹ già. Ðám tang kết thúc, mọi người ái ngại cho cuộc sống cô đơn của cụ, khi con gái lấy chồng ở xa. Sau nhiều đêm suy nghĩ, tôi đem chuyện giúp đỡ cụ Xuân nói với chồng, con. Ðược mọi người trong gia đình ủng hộ, hằng ngày tôi sang nhà cụ dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ, quét sân, lúc nấu bát canh ngon mang sang mời cụ. Nhưng buổi đầu thật sự khó khăn, do chưa có kinh nghiệm chăm sóc người cao tuổi, chưa hiểu hết nỗi cô đơn, mất mát của cụ, nên cụ tìm mọi cách lẩn tránh. Ðang lúc băn khoăn, tìm cách để gần cụ Xuân, thì dự án chăm sóc NCT được triển khai tại huyện, tôi là một trong số 87 TNV ở huyện, cùng 22 TNV ở quận Ðống Ða (Hà Nội) được chọn vào lớp tập huấn kỹ năng chăm sóc NCT.

Sau sáu tháng tham gia tập huấn, từ các buổi trao đổi, thảo luận, đi tham quan ở những địa bàn TNV có cách làm hay, tôi và các bà, các chị đã rút ra được một số kinh nghiệm chăm sóc NCT. Ðể thực hiện công việc có hiệu quả, bước đầu tôi vận động bà con làng xóm hằng tối đến chơi động viên cụ Xuân, cùng nhau cấy một mẫu ruộng giúp cụ có gạo ăn, xới lại mảnh vườn bị bỏ hoang trồng rau xanh, khi rau cho thu hoạch, tôi gọi người đến mua, nhiều người thấy hoàn cảnh cụ như vậy đã trả giá cao hơn so bên ngoài, nâng mức thu nhập cho cụ... Từ những việc làm đó, tình cảm giữa tôi và cụ Xuân ngày thêm gắn bó, cụ coi tôi như con trong gia đình. Mỗi khi địa phương tổ chức các hoạt động dành cho NCT, mời cụ, cụ đều nhận lời và rủ các cụ khác cùng tham gia. Cháu nội của cụ Xuân được chính quyền địa phương giúp đỡ, tạo điều kiện đã có việc làm và quan tâm chăm sóc cụ. Giờ đây, không chỉ những buổi viếng thăm, tặng quà của các đoàn thể địa phương vào những dịp lễ, Tết mà hằng ngày, hễ ai có miếng ngon đều mang đến biếu cụ Xuân. Anh Bản, chị Hương người hàng xóm khi có mớ tôm, con cá tươi chưa mang biếu cụ Xuân được, đều nhắn tôi đến lấy về nấu mời cụ ăn; hoặc như cháu Linh Trang, mỗi lần đi hái rau đều không quên đem biếu cụ mớ ngon nhất.

Cụ Bùi Thị Khối, 85 tuổi đời, 50 tuổi Ðảng ở xã Ðồng Lạc xúc động kể: Hoàn cảnh của tôi trước kia cơ cực lắm. Con nhà nghèo, lớn lên được gả vào gia đình địa chủ. Mang tiếng lấy chồng nhà giàu nhưng thực chất chỉ là con ở cho gia đình họ. Không chịu nổi cơ cực đó, tôi bỏ nhà đi theo kháng chiến, tham gia vận chuyển thương binh, chống thực dân Pháp. Tôi vinh dự được kết nạp Ðảng. Hòa bình lập lại, trở về quê hương, tôi tham gia công tác phụ nữ, đến năm 1974 thì về hưu và ở vậy đến giờ. Từ khi có dự án chăm sóc NCT và cử TNV về giúp đỡ, tôi thấy khỏe hơn và không còn cô đơn nữa. Ngày ngày, sau giờ đi làm về, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hương, Bùi Ðức Thủy là TNV lại ghé qua nhà hỏi thăm xem tôi ăn uống ra sao, giúp quét dọn nhà cửa, giặt giũ quần áo, biếu đồng quà, tấm bánh.

Các cụ Mạc Thị Thiện, 82 tuổi, ở xã Tân Dân; Mạc Thị Ðạo, 67 tuổi ở xã Ðồng Lạc (Hải Dương); Trần Thị Tư, 68 tuổi, ở phường Phương Mai, quận Ðống Ða (Hà Nội)... đều mong muốn chương trình phát triển rộng hơn, giúp mọi NCT cô đơn, già yếu có nơi nương tựa. Ðể giảm bớt khó khăn cho các cụ và cũng là để tạo thuận lợi cho các TNV, Trung tâm nghiên cứu trợ giúp NCT lắp đặt chuông thay hình thức điện thoại từ nhà TNV đến các đối tượng được mình chăm sóc, mỗi khi có việc đột xuất cần giúp đỡ các cụ chỉ việc bấm chuông, TNV lập tức kịp thời có mặt.

Ðánh giá về hiệu quả của mô hình chăm sóc NCT dựa vào đội ngũ TNV, ông Nguyễn Ngọc Quý, Phó Bí thư Huyện ủy Chí Linh, cho biết: Cuộc sống nâng lên, công tác xã hội được đẩy mạnh hơn, toàn huyện đã hoàn thành chương trình xây nhà đại đoàn kết tặng các hộ chính sách, xóa nhà dột nát cho người nghèo và chúng tôi thống nhất sẽ triển khai mô hình này trong toàn huyện, bởi đây là một mô hình năng động, ít tốn kém nhưng đem lại hiệu quả cao hơn so với những trung tâm nuôi dưỡng, phù hợp nguyện vọng của NCT. Qua mô hình này, tình làng nghĩa xóm được gắn chặt hơn.

Trịnh Sơn