Cây xanh Hà Nội kêu cứu
Các Website khác - 12/09/2005
Cây xanh Hà Nội bị đổ
sau một trận mưa lớn
Hà Nội hiện có khoảng 200 nghìn cây xanh, thuộc 700 loài khác nhau. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng cây xanh trên các tuyến phố bị gãy đổ, chặt phá khá phổ biển. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới cảnh quan môi trường đô thị mà còn nguy hiểm với người đi đường.
Hiểm họa được báo trước

Nhiều người coi tuyến đường Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng là đẹp nhất Hà Nội bởi phố mát ngợp giữa hàng cây xà cừ cổ thụ. Phố Thợ Nhuộm, Đại Cồ Việt... rực rỡ hoa bằng lăng. Mùa thu, phố Bà Triệu, đường Quang Trung lại nồng nàn hoa sữa... Sự hiện diện của cây xanh trong thành phố không chỉ góp phần điều hòa môi trường sống mà còn tỏa bóng mát cho các tuyến đường, tạo nên cảnh quan môi trường hài hòa cho đô thị.

Tuy nhiên, hiện nay, trong những ngày có mưa kéo dài hoặc trời nổi giông gió thì tình trạng cây xanh bị gãy đổ đã trở thành vấn đề khá bức xúc, khiến người đi đường lúc nào cũng nơm nớp lo sợ.

Năm 2003 toàn thành phố có hàng trăm cây đổ và gây cành.

Năm 2004, thành phố xảy ra gần 90 vụ cây đổ và hàng trăm cây khác gãy tán. Sau mỗi trận mưa giông, lòng đường lại ngổn ngang cành cây, nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi bật gốc phá hoại nhà cửa, làm sập cống, gây tắc nghẽn giao thông.

Chỉ trong tháng 5-2004 trên phố Hai Bà Trưng, Quang Trung, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Nhân Tông đã xảy ra bốn vụ đổ cây cổ thụ, làm hư hỏng gần 10 chiếc xe máy, đè nát 1 ô-tô và làm 2 người đi đường bị trọng thương. Sang mùa mưa bão năm nay, tuy thời tiết thuận hơn những năm trước, ít có mưa giông lớn, nhưng trên địa bàn toàn thành phố đã xảy ra trên 20 vụ cây đổ, hàng chục cây gãy cành. Hè năm nay, trên đường Nguyễn Trãi, một cây xà cừ cổ thụ đổ chắn ngang đường khiến tuyến đường ùn tắc 4 km trong suốt 3 giờ liền. Cuối tháng 7 đầu tháng 8, do ảnh hưởng của bão tình trạng dỗ cây gãy cành xảy ra rất nhiều trên các tuyến đường như: Trần Nhân Tông, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Du... làm hư hỏng các phương tiện đang đậu đỗ di chuyển, gây ùn tắc giao thông và phá hủy công trình công cộng, dân sinh.

Bảo vệ cây xanh, bắt đầu từ nhận thức

So với cách đây khoảng 50 năm, khi Hà Nội mới được giải phóng, số lượng cây xanh trong thành phố đã tăng lên đáng kể. Hằng năm, thành phố đều mở rộng diện tích cây xanh đồng thời có cơ chế quản lý bảo vệ hợp lý. Riêng năm 2004, Công ty công viên cây xanh đã trồng thêm gần 3.500 cây, năm 2005 dự kiến sẽ trồng và cấp cho nhân dân khoảng 5.000 cây các loại. Sự nỗ lực của thành phố Hà Nội trong vấn đề phát triển mạng lưới cây xanh, tạo cảnh quan môi trường đô thị là rất lớn và đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, vấn đề bảo vệ cây xanh vẫn còn nhiều điều phải bàn tới. Bên cạnh những lý do khách quan như sự già cỗi của cây cối theo thời gian, sâu bọ phá hoại, thì cây xanh bị gãy đổ còn có tác nhân từ con người. Trong cơ chế thị trường, khi mà vỉa hè, lòng đường cũng bị biến thành nơi kinh doanh, buôn bán, thì số phận của cây cối trở nên mong manh. Người ta sẵn sàng chặt cây để mở rộng mặt tiền, lấn chiếm khoảng không và họ cũng không ngần ngại đóng đinh, vạc vỏ, cắt rễ, chặt cành để treo mắc hàng hóa, dán panô, áp-phích quảng cáo. Tại nhiều tuyến phố, không ít cây cổ thụ bị triệt phá bằng các thủ đoạn ác độc như: đổ nước nóng, dầu luyn, muối, láng xi-măng bịt gốc, cưa đến 2/3 cây khiến cây dần chết khô, chết héo. Hiện tượng bẻ cành hái lộc trong mỗi dịp xuân về cũng khiến cây xanh bị xâm hại nghiêm trọng. Khi cây xanh trong các vườn hoa, công viên được ban quản lý bảo vệ nghiêm ngặt thì những người thiếu ý thức giữ gìn tài sản của công lại ngang nhiên mang dao, cưa để "hái lộc" những cây ven đường.

Không thể để tình trạng cây xanh trên các tuyến đường bị triệt phá bởi hành vi thiếu ý thức, tư lợi của một số người, đã đến lúc cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ. Xử lý kịp thời và thích đáng các trường hợp vì lại ích cá nhân mà có các hành vi triệt phá cây xanh ảnh hưởng tới cảnh quan môi trường, gây ra hiểm họa cho người, phương tiện mỗi khi qua lại trên đường.

Theo Theo Tin tức