Chậm dự báo động đất, thiệt hại khó lường
Các Website khác - 12/08/2005

Kiến nghị UBND TP sớm phê duyệt đề án phân vùng động đất. Chiều 11-8, Sở Khoa học-Công nghệ (KH-CN) đã tổ chức buổi gặp gỡ với các nhà khoa học, các sở-ngành liên quan nhằm bàn giải pháp tránh thiệt hại khi có dư chấn động đất xảy ra.

Không thể chần chừ

Một ví dụ sinh động được cán bộ thuộc Liên đoàn Bản đồ địa chất Miền Nam đưa ra so sánh là thiệt hại của vụ động đất ở Mỹ trong hai năm 1971 và 1994. Cùng khu vực, cùng cấp động đất nhưng thiệt hại của 2 lần động đất hơn nhau 60 lần: năm 1971 là 511 triệu USD, còn năm 1994 là 30 tỉ USD! Lý do đơn giản vì sau gần 20 năm các công trình được xây dựng mọc lên rất nhiều nên thiệt hại về tiền của cũng tăng lên. Vì vậy, TP cần sớm xây dựng các đề án nghiên cứu cụ thể dù phải tốn tiền tỉ, nếu chần chừ thiệt hại sẽ khó lường! Thạc sĩ Cát Nguyên Hùng, Liên đoàn trưởng Liên đoàn Bản đồ địa chất Miền Nam, cho biết: Liên đoàn đã thực hiện xong và tháng 5-2005 đã trình UBND TP đề án “Phân vùng nhỏ động đất ở TPHCM”. Đề án này sẽ cung cấp các số liệu tin cậy để lập luận chứng kỹ thuật cho việc xây dựng các công trình nhằm đáp ứng nhu cầu tiết kiệm chi phí cho công trình xây dựng, đồng thời bảo đảm giảm thiểu tai họa cho TP khi xảy ra chấn động do động đất. Theo thạc sĩ Hùng, dự tính kinh phí để thực hiện đề án từ 5-7 tỉ đồng nên còn chờ UBND TP quyết định phê duyệt mới triển khai thực hiện được. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng: Vì tính cấp thiết của đề án trong việc phục vụ dự báo động đất nên TP có thể thực hiện đề án theo dạng phân kỳ.

Nỗi lo từ nhà cao tầng sau cơn dư chấn

Chung cư cũ xuống cấp sẽ nguy hiểm hơn nếu có động đất (Lô P chung cư Nguyễn Kim, Q.10, một trong những chung cư xuống cấp trầm trọng)

Đặt vấn đề an toàn cho nhà cao tầng khi động đất xảy ra, ông Nguyễn Văn Đạt, chuyên viên cao cấp ngành xây dựng Việt Nam, lo ngại: “Là một đô thị lớn như TPHCM nên nhà cao tầng đang mọc lên như vũ bão. Trong khi đó, tôi thấy rất mong manh về chất lượng của nền móng, kết cấu xây dựng nhất là sau cơn dư chấn xảy ra vừa qua”. Theo ông Đạt, TP cần tạo điều kiện để Sở Xây dựng hướng dẫn, kiểm tra chặt chẽ các đơn vị thiết kế, thi công các công trình nhà cao tầng. Đặc biệt là hàng trăm công trình nhà ở sắp xây dựng với chiều cao từ 16-18 tầng trong khi trước đây chỉ từ 6-8 tầng. Tiến sĩ khoa học Lê Minh Triết (Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ Việt Nam) nhìn nhận: Dù cấp động đất ở miền Nam thường là trung bình và yếu như cơn dư chấn động đất xảy ra vừa qua ở TP chỉ ở cấp 5 nhưng nhất thiết việc xây dựng các công trình cao tầng phải tính đến tác động của động đất. Theo tiến sĩ Triết, các nhà đầu tư ở nước ngoài khi xây dựng các công trình đều nâng mức kháng chấn (sức chịu của công trình khi có tác động) dù chi phí đầu tư cho công trình có tăng nhưng vẫn phải thực hiện để bảo đảm an toàn cho công trình.

Quy chuẩn xây dựng phải có yếu tố động đất

Ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP, cho biết: “Đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được báo cáo nào cho thấy các chung cư mới xây dựng có vấn đề; còn các chung cư cũ xuống cấp thì ngay cả chưa động đất cũng đã không an toàn! Riêng quy chuẩn xây dựng thì ngay cả Bộ Xây dựng chỉ quy định tác động dư chấn ở cấp 7 trong khi Việt Nam chưa có động đất đến cấp 7. Vì vậy, thời gian qua khi thiết kế các công trình cao tầng, các đơn vị thiết kế chưa tính đến quy chuẩn theo cấp này. Nếu các đơn vị quản lý như chúng tôi có mạnh dạn tính đến kháng chấn thì quy định lại có nhiều điều ràng buộc, nhất là mức đầu tư tăng lên là khó chấp nhận!”.

Ông Hiệp cũng cho biết, sắp tới Sở Xây dựng sẽ có hướng dẫn cụ thể về quy chuẩn xây dựng trong điều kiện có động đất để hướng dẫn người dân thực hiện.

Theo tiến sĩ Đào Văn Lượng, Giám đốc Sở KH-CN, Sở KH-CN sẽ sớm kiến nghị UBND TP phê duyệt đề án phân vùng động đất để đáp ứng việc dự báo động đất của các cơ quan khoa học. Trước mắt, Sở KH-CN thực hiện đề tài khảo sát ở các vùng khác nhau ở TP nhằm thu thập thông tin và đánh giá mức độ tác động của dư chấn động đất. Về nguy cơ ảnh hưởng của động đất đến các công trình chung cư cũ, Sở KH-CN sẽ đề nghị UBND TP chỉ đạo các sở-ngành, quận-huyện kiểm tra và vận động người dân ở chung cư xuống cấp di dời nếu TP đã có chỉ đạo.

Xuất hiện một vài vết nứt nhỏ ở chung cư Bình Trưng

Ngày 11-8, các đoàn kiểm tra của Sở Xây dựng và Công ty Kiểm định Xây dựng Sài Gòn tiếp tục kiểm tra mức độ ảnh hưởng của dư chấn động đất tại các khu chung cư trên địa bàn quận 2 và quận 5. Tại các căn hộ lô M2 và N1 của chung cư Bình Trưng (quận 2), có một vài vết rạn nứt nhỏ chạy dài dọc chân tường, trần nhà. Căn hộ số 312 lô M2 có một vết rạn nhỏ chạy dài gần 2 mét dọc chân tường khiến lớp gạch men ốp tường bị nứt. Chủ căn hộ cho biết những vết rạn nứt này chỉ xuất hiện sau đêm xảy ra dư chấn. Những vết rạn nứt tương tự cũng xuất hiện tại các căn hộ số 408, 410, 412 ở lô M2 và căn hộ số 110 lô N1. Theo kỹ sư Thân Đức Quốc Việt, Công ty Kiểm định Xây dựng Sài Gòn, những vết nứt nhỏ này không gây ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực của công trình. Các chung cư còn lại không phát hiện sự cố bất thường nào.

N.Triều

Quý Hiền - Hữu Nhã