Nếu có một hộ gia đình nào đó thật nghèo và đang cần vốn làm ăn, những “thầy cô giáo” này sẽ trở thành những người đi khảo sát để cho vay tiền với lãi suất rất thấp, và năm năm qua họ chưa bao giờ mang trở về nhà số tiền lãi của mình...
Họ là những sinh viên của Trường Grande École HEC (Paris) chuyên về thương mại của Pháp, và chương trình cho vay tín dụng nhỏ “Good morning Viet Nam” cũng là một hoạt động của HEC. “Gương mặt” họ luôn thay đổi, không bao giờ lặp lại trong suốt năm năm thành lập của “Good morning Viet Nam”. Đơn giản là vì “chúng tôi muốn càng có nhiều bạn sinh viên được tạo điều kiện tìm hiểu, tiếp xúc và làm việc với Việt Nam càng tốt. Vì vậy, mỗi bạn chỉ có cơ hội đi theo chương trình một năm và đó luôn là lớp sinh viên năm thứ nhất. Mặt khác, nếu ở lại trong chương trình quá hai năm, mọi người sẽ có xu hướng chỉ làm theo những kinh nghiệm đã có. Trước khi sang Việt Nam, chúng tôi nhận lại kinh nghiệm và những lời dặn dò khác như địa chỉ đối tác từ đàn anh đàn chị, kết thúc phần việc dở dang của họ, đồng thời lại mở ra phần việc mới để trao cho người sau” - Sandra Lương, cô trưởng nhóm tại TP Hồ Chí Minh trong năm nay, cho biết.
“Good morning Viet Nam” ra đời từ bao giờ và ai là người đề xướng? - tôi hỏi. Ba bạn trẻ người Pháp chụm đầu vào nhau một lúc rồi nhìn lên: “Chúng tôi không biết rõ chính xác người khởi xướng. Những gì chúng tôi biết được là năm năm trước có một nhóm sinh viên cảm tình với Việt Nam, và có lẽ trong đó có nhiều người gốc Việt, đã kiến nghị chương trình này và được nhà trường đồng ý”.
Mỗi năm, “Good morning Viet Nam” gửi bốn nhóm sinh viên sang bốn thành phố Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh. Sandra Lương cố gắng tóm tắt: “Chúng tôi mở lớp tiếng Pháp miễn phí ở 222 Lê Văn Sĩ, quận 3, TP Hồ Chí Minh (ĐH Sư phạm) vừa giúp mọi người có thể thực hành tiếng, vừa giải đáp những thắc mắc về hệ thống giáo dục, đào tạo của Pháp cho những ai muốn sang du học, vừa trao đổi với nhau những hiểu biết về văn hóa, xã hội... Nhưng phần việc chính có lẽ là cho vay tín dụng nhỏ. Mỗi nhóm đều liên hệ với một đối tác của Việt Nam ở địa phương để thực hiện việc cho vay giảm nghèo. Chúng tôi cho vay với lãi suất 0,5%/tháng. Chúng tôi khảo sát tiến triển, đánh giá mức độ thành công của dự án và với lãi suất thu được, chúng tôi nhập vào ngân sách năm sau để mở rộng việc cho vay. Nguyên tắc của chúng tôi là những hộ dân vay tiền phải có quyết tâm giảm nghèo, và nếu hộ nào làm ăn thất bại, những hộ còn lại phải chung lưng đấu cật để trả lãi vay giùm hộ nọ. Bởi vì khi một cộng đồng làm ăn, họ phải biết đoàn kết tương trợ lẫn nhau thì tỷ lệ thành công mới cao”. Ngân sách chương trình lấy ở đâu ra? Patricia Le Van Tinh cho biết: “Do chúng tôi vận động gây quỹ. Chúng tôi phát thư vận động tòa thị chính, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, và còn nướng bánh mang đi bán (cười). Tổng ngân sách thu được cho năm nay là 23.000 euro đấy”.
“Khi chúng tôi đến thăm những hộ nghèo ở xã Hưng Long, huyện Bình Chánh - đối tác của “Good morning Viet Nam” tại TP Hồ Chí Minh, chúng tôi đã xúc động. Ở Pháp, khoảng cách giữa thành thị và nông thôn không cách biệt như ở đây. Với khoản tín dụng vay được, có 14 hộ nghèo ở Hưng Long đã chăn nuôi heo, và chúng tôi cũng đã lưu ý trong bản hợp đồng là phải có sự tham gia của cơ quan thú y để giúp các hộ dân. Chiếc xe chúng tôi thuê đến Bình Chánh là nhờ những sinh viên Việt Nam tham gia “quán đàm thoại tiếng Pháp” tìm giùm. Những người thông dịch cho chúng tôi để thực hiện dự án tín dụng nhỏ của mình cũng là họ. Phải nói rằng nếu không có những người bạn sinh viên Việt Nam, chúng tôi đã không đảm đương được công việc của mình” - cô bạn nhỏ xinh Patricia có vẻ xúc động khi nhắc về những người bạn Việt Nam. Cô thổ lộ mơ ước của mình là được đến Việt Nam làm việc sau khi tốt nghiệp.
Nhóm của Sandra Lương phải nói là gần như “thân Việt”. Sandra Lương là con của một người mẹ Pháp, cha Việt; Patricia Le Van Tinh, nếu không nói ra là đã sinh trưởng ở Pháp thì không ai biết, vì ba mẹ cô đều là người Việt. Chỉ có Emmanuel de Robien là người Pháp chính cống. Anh chàng to cao này vào những buổi chiều rảnh rỗi ở Việt Nam có một thú vui là dắt banh đi đá giao hữu với các bạn trẻ Việt Nam mà anh làm quen được. Patricia tiếc nuối: “Năm tới chúng tôi đã phải rời đi để nhường chỗ cho đàn em, nhưng thật khó có thể quên một tình cảm mà chúng tôi đã xây đắp được khi sống và làm việc bên cạnh người Việt trong suốt một năm”.
Có một lớp thế hệ trẻ gốc Việt và thân Việt ở Pháp đang thắp lên và truyền cho nhau một “ngọn lửa Việt” trong mỗi trái tim như thế!
|