Mũ bảo hiểm
Công việc của ông hiện giờ là điều hành Quỹ Phòng chống thương vong Châu Á (AI). "Ông có đi xe máy không?" - khi được hỏi, Greig trả lời ngay: "Có chứ". Rồi tiếp luôn: "Và lúc nào cũng đội mũ bảo hiểm".
Rút khỏi kinh doanh năm 1999, ông bước sang hẳn một lĩnh vực khác. Hồi đó, tại văn phòng trên phố Phan Đình Phùng, ông phải chứng kiến rất nhiều tai nạn giao thông. Ông bỏ tiền riêng và vận động các nhà tài trợ thành lập Quỹ AI - một tổ chức phi chính phủ, nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông ở Việt Nam. Nhưng hồi đó, ở Hà Nội chỉ có những chiếc mũ bảo hiểm "nồi cơm điện", nóng nực, khó chịu. Vậy là Greig Craft tự nghiên cứu về mũ bảo hiểm. Ông đã bỏ công đo tận những 5.000 cái đầu ở Việt Nam, để cuối cùng cho ra đời chiếc mũ bảo hiểm nhiệt đới Protec thời trang, an toàn, phù hợp khí hậu. Cùng các nhà tài trợ, ông thành lập nhà máy sản xuất mũ bảo hiểm phi lợi nhuận đầu tiên trên thế giới. Toàn bộ lợi nhuận thu được từ sản xuất mũ bảo hiểm Protec không chui vào túi riêng ai, mà được rót vào Quỹ AI để thực hiện các chương trình giáo dục an toàn giao thông.
Hơn 100 nghìn mũ bảo hiểm đã được quỹ tặng cho học sinh cấp một. Thống kê chính thức từ các trường cho biết, ít nhất 65 trẻ em đã được cứu sống nhờ đội mũ bảo hiểm Protec. Greig rất vui khi giờ đây, ở Hà Nội, hình ảnh các em nhỏ giờ tan trường đội mũ bảo hiểm đã trở nên quen thuộc. "Tai nạn giao thông làm 2% GDP của Việt Nam mất đi mỗi năm, 35 người chết mỗi ngày, gấp đôi số đó là những người tổn thương não suốt đời. Tôi muốn người dân Việt Nam thay đổi thói quen và ý thức. Tôi đang dự định mở rộng chương trình mũ bảo hiểm cho trẻ em về nông thôn, để làm sao từng người mẹ, từng đứa trẻ ở Việt Nam được đội mũ bảo hiểm".
Người đến sớm
Greig Craft đến Việt Nam trong bối cảnh quan hệ Việt - Mỹ còn đầy khó khăn, nghi kỵ. Hồi cuối những năm tám mươi, sống ở Châu Âu, Greig gặp một số người Việt Nam, mà như ông nói, là "thật may mắn", và khiến ông "như bị thôi miên" khi được nghe về chính sách đổi mới của Việt Nam: "Vào thời kỳ đó, điều ấy quả thật dũng cảm!".
Tháng 9-1989, Greig xách vali tới Hà Nội. Ông không thể quên thời điểm đó: "Không khí ở Việt Nam thật sôi động, ai cũng có cảm giác rằng cuộc sống đang thay đổi theo chiều hướng tốt hơn khi Việt Nam tham gia cộng đồng thế giới. Dường như đó là một thời điểm lịch sử". Vốn là một nhà kinh doanh thành đạt và nhạy bén, Greig lập tức nhận ra rằng, không phải ai cũng có cơ hội được tham gia vào xây dựng một đất nước trong thời kỳ chuyển mình. Nên ông đã ở lại. Với những diễn biến tích cực ở Việt Nam lúc đó, ông đoán rằng cấm vận thương mại của Mỹ sẽ được bãi bỏ vào năm 1990. Nhưng hoá ra mọi việc không dễ dàng.
"Tôi còn thất vọng hơn khi các luật sư của tôi cho biết phải thận trọng khi ở Việt Nam để không vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ (mà nếu vi phạm thì sẽ bị phạt nặng và có thể bị tù tới 10 năm nếu bị kết tội làm ăn buôn bán với Việt Nam). Nhưng tôi đã thấy yêu Việt Nam, khó khăn cũng không làm tôi thay đổi ý định". Greig bắt đầu tổ chức các chuyến hàng nhân đạo cho trẻ em. Không phải là nhà ngoại giao, nhưng ông như con thoi, đi lại thường xuyên giữa Hà Nội và Washington, bằng tiền túi, sắp xếp các cuộc gặp chính thức và không chính thức giữa các quan chức Việt Nam và Mỹ. Greig nhận ra rằng, lúc đó, Việt Nam chân thành mong muốn để lại quá khứ sau lưng, nhưng chính những người Mỹ của ông lại ngoan cố và bị quá khứ ám ảnh.
Có một câu chuyện từ đầu thập kỷ chín mươi của thế kỷ trước rất ít người biết đến. Greig kể: "Lúc đó, tôi may mắn được làm quen với ông Lê Mai (cố Thứ trưởng Ngoại giao), sau này chúng tôi thành bạn. Ông ấy đã lắng nghe kế hoạch rất táo bạo của tôi về việc tiếp xúc với cựu Tổng thống Nixon. Tôi nghĩ rằng kế hoạch đó sẽ khiến ông Nixon làm những điều đúng đắn và giúp hàn gắn những vết thương của một cuộc chiến mà ông ấy phải chịu trách nhiệm rất lớn. Tôi tin rằng, đó sẽ là cơ hội hiếm hoi cho một nhân vật lịch sử, về cuối đời mình, sửa chữa những lỗi lầm của ông ta". Nhưng năm tháng sau, Nixon trả lời không đồng ý. Rồi Greig liên lạc với cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger. Câu trả lời tương tự... Hoá ra, còn rất nhiều trang thú vị trong lịch sử quan hệ Việt - Mỹ, mà một trong những người nắm giữ bí mật chính là Greig.
Không nản, Greig liên tục vận động các chính trị gia và các quan chức Mỹ, liên lạc trực tiếp tới các giám đốc điều hành của nhiều công ty thuộc danh sách Fortune 500 - danh sách các công ty giàu nhất thế giới do Tạp chí Fortune bình chọn. Ông giải thích những cơ hội ở một Việt Nam "mới", khuyến khích họ dùng đến sức ép chính trị riêng của mình. Những nỗ lực này đã có kết quả, với sự giúp đỡ của Greig, các công ty như Ford, Motorola, Dresser Industries, Raytheon, Occidental Petroleum... đã mở văn phòng đại diện ở Việt Nam.
Trong cây cầu hữu nghị được nối lại giữa hai nước, Greig là một nhịp cầu. Từ việc ông hai lần làm chứng để Quốc hội Mỹ bãi bỏ luật Jackson-Vanik cản trở thương mại với Việt Nam, tham gia sáng lập Phòng Thương mại Mỹ tại Hà Nội, đến việc ông góp phần tổ chức chuyến thăm lịch sử của cựu Tổng thống Bush đến Hà Nội năm 1995, giúp Việt Nam đạt được Hiệp định Phát triển thương mại TDA chưa từng có trong lịch sử. Từ năm 1991 đến ngày Mẹ Theresa mất, Greig là người trợ giúp đặc biệt cho những hoạt động từ thiện của bà tại Việt Nam. Mẹ Theresa đã gọi Greig là "Đại sứ Việt Nam của tôi".
Tình yêu xuyên thế kỷ
Lý giải tình cảm với Việt Nam của Greig không khó, nhưng thật đặc biệt. Greig và các con ông là thế hệ thứ tư và thứ năm trong gia đình gắn bó với Việt Nam. Cụ của Greig đã sang Việt Nam từ khoảng năm 1899 - 1900 trong những chuyến đi khám phá bằng tàu biển. Tiếc là gia đình không còn tư liệu gì về chuyến đi của cụ. Rồi đến lượt cha Greig. Khi còn nhỏ, cậu bé Greig có thể ngồi hàng giờ ngắm những tấm ảnh màu cha cậu chụp ở Việt Nam và tha hồ tưởng tượng về đất nước nhiệt đới xa xôi qua những câu chuyện người cha kể. "Cha tôi được cử tới đây lần đầu tiên năm 1955 với nhiệm vụ đánh giá về tình hình Việt Nam sau thất bại của người Pháp. Ông đi lại khá nhiều ở miền nam và miền trung. Ông rất yêu mến đất nước và con người Việt Nam và luôn nói với tôi, đó là đất nước đẹp nhất Châu Á. Tôi nhớ cha tôi đặc biệt thích Vũng Tàu, hồi đó ông nhắc đến nơi này với cái tên hình như là St. Cap Jacques. Ngay từ hồi đó, cha tôi đã rất ấn tượng về đạo lý, về sự khéo léo đến kỳ lạ của người dân Việt Nam, cũng như ấn tượng của chúng tôi bây giờ".
Cha của Greig trở lại Việt Nam rất nhiều lần trong những năm 1960 khi sự dính líu của Mỹ vào Việt Nam tăng dần. Lúc đầu, ông rất tin tưởng rằng mình đang giúp nhân dân Việt Nam, nhưng sau đó ông hiểu việc Mỹ tham chiến là sai lầm. Ông rất tự hào và rất ủng hộ công việc cũng như các cam kết của con trai với Việt Nam sau này.
"Trước khi cha tôi qua đời, ông cụ nói với tôi rằng, một điều đáng tiếc là chưa bao giờ ông được đến thăm Hà Nội và miền bắc Việt Nam. Sau khi nghỉ hưu, ông trở thành một học giả và đặc biệt thích nghiên cứu về Hồ Chí Minh. Ông tin rằng Bác Hồ (từ dùng của Greig) là một chính khách vĩ đại". Greig đã làm được điều mà cha ông mong muốn. Greig đã đến Hà Nội, đã yêu mến và ở lại...
|