Chăm sóc y tế là dịch vụ công Nhà nước phải bảo đảm
Các Website khác - 21/05/2008

Công tác trong chăm sóc sức khỏe nhân dân (CSSK) làm sao để công bằng hơn, nhất là cho người nghèo, là đề tài được các ĐBQH tập trung thảo luận tại Hội trường chiều (20/5).

QH cần có Nghị quyết chuyên đề về vấn đề này, Chính phủ cần tăng chi ngân sách cho y tế... là những kiến nghị được đưa.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Ly Kiều Vân phát biểu ý kiến  
Ảnh : Trí Dũng - TTXVN

Mất công bằng trong CSSK!

“Tôi đi giám sát ở Hà Tây, tỉnh có hơn 2 triệu dân nhưng  có 250 ngàn lượt bệnh nhân được khám chữa bệnh ở bệnh viện tỉnh; trong khi Bắc Kạn 30 vạn thì số lượng người đến khám chữa bệnh ở bệnh viện tỉnh một năm trên 12 nghìn lượt người, đạt khoảng trên 3%.

Như thế thực sự người dân Bắc Kạn được thụ hưởng chăm sóc y tế kém hơn Hà Tây”- ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) nói. Theo ĐB Hùng, tỷ lệ chi ngân sách cho y tế của ta còn thấp (6,9% tổng chi trong năm 2008), trong khi một nước nghèo như Campuchia cũng chi tới 18,8%, còn Thái Lan 17,1%.

Vì vậy mà trong tổng chi cho CSSK và chữa bệnh thì người dân phải tự chi phí tới 60%, còn Nhà nước chỉ đảm bảo tới 30%, 10% còn lại là các nguồn khác. “Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới năm 2004 Việt Nam được xếp thứ 183/194 nước về công bằng trong CSSK, là rất đáng suy nghĩ và không lấy gì làm vui vẻ” - Ông Hùng nói.

Còn theo ĐB Phạm Phương Thảo, ngay như  TPHCM thì đầu tư ngân sách của Nhà nước cho y tế ở TPHCM là 9% chi thường xuyên. Nhưng phần chi này cũng chỉ chiếm cỡ 20% trong hoạt động khám, chữa bệnh, phần còn lại là BHYT, viện phí và đóng góp của xã hội chiếm 80%. “Bệnh viện thu cao như Bệnh viện Chợ Rẫy thu 1.100 tỷ, nhưng ngân sách cấp chỉ 30 tỷ”- Bà Thảo nói.

Khắp nơi thiếu bác sĩ

ĐB Nguyễn Thị  Thu Hà (Gia Lai) cho rằng, ở địa phương mà người dân có thu nhập thấp thì nhân lực ngành y tế càng thiếu và khan hiếm. “Gia Lai hiện chỉ có 4,1 bác sĩ/1 vạn dân (cả nước là 6,3), trong khi Philippines là 11,5.

Sau 4 năm thực hiện NQ 46 của Bộ  Chính trị, cả tỉnh chưa có một giường bệnh tư nhân nào”-Bà Hà cho biết. “Huyện Thanh Liêm (Hà Nam) 10 năm nay chỉ có bác sĩ đi chứ không có bác sĩ về. Đến nay đang thiếu trên 30 người. Huyện Bạch Thông (Bắc Kạn) thì không có dược sĩ đại học để làm công tác quản lý nhà nước. Tỉnh Hải Dương còn thiếu gần 600 cán bộ y tế”- ĐB Đỗ Mạnh Hùng dẫn chứng.

Còn theo ĐB Triệu Thị Bình (Yên Bái), thực trạng hiện nay không ít bác sỹ giỏi đã thôi việc ở miền núi về các bệnh viện thành phố, vùng xuôi, trong khi để có một bác sỹ giỏi ít nhất phải qua 15-20 năm công tác chuyên môn, không ít bác sỹ là người miền núi sau khi tốt nghiệp thì không về miền núi công tác. “Dược sỹ đại học lại càng hiếm, ở miền núi chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng ở Yên Bái hiện nay chỉ còn dưới 20 dược sỹ đại học”-Bà Bình cho biết.

Nhưng không chỉ ở các địa phương khó khăn, thành phố lớn cũng thiếu. ĐB Phạm Phương Thảo cho biết TPHCM –đầu tàu kinh tế của đất nước- hiện cũng đang thiếu trên 2.000 bác sĩ. “Một bác sĩ phải khám cho 100 bệnh nhân/ngày, có khi 300 bệnh nhân/ngày nên chuyện bác sĩ thiếu nụ cười là có lý do từ  quá tải”- Bà Thảo chia sẻ.

Làm thế nào để công bằng trong CSSK cho người nghèo?

“Tăng ngân sách Nhà nước cho công tác CSSK nhân dân, dành tỷ lệ ít nhất 10% ngân sách đầu tư cho việc chăm sóc sức khỏe nhân dân từ năm 2010. Trong đó, ít nhất dành 30% cho y tế dự phòng” - ĐB Triệu Thị Bình kiến nghị.

Đồng thời, Chính phủ có chính sách thu hút cán bộ đối với ngành y tế, nhất là các tỉnh miền núi, vùng cao, vùng khó khăn và các chế độ ưu đãi khác, để cán bộ y tế thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân lâu dài. ĐB Đỗ Mạnh Hùng tán đồng quan điểm này vì theo ông, “Tài chính như xăng dầu, bộ máy như cỗ xe” nên phải tăng ngân sách chi cho y tế “xe mới chạy được”.

Tôi rất tán thành là nên có một Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện xã hội hóa y tế, trong đó có ghi rõ năm 2009 trở đi bố trí ngân sách cho y tế phải đảm bảo cỡ 10% tổng chi ngân sách” - Ông Hùng nói.

ĐB Nguyễn Văn Sỹ (Quảng Nam) tán đồng quan điểm y tế là dịch vụ công của Nhà nước do Nhà nước đảm bảo còn y tế tư nhân chỉ là phần bổ sung. Vì thế Quốc hội nên có Nghị quyết chuyên đề về xã hội hóa chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Ông Sỹ đồng tình việc tăng chi ngân sách cho sự nghiệp y tế lên 10% tổng chi ngân sách với lập luận: “Chúng ta phải đầu tư cho y tế  tăng theo sự phát triển của xã hội. Người cao tuổi của chúng ta tăng lên nhưng hệ thống y tế của ta chưa tăng kịp”.

Theo ĐB Trương Thị Thu Hằng (Đồng Nai), nguồn nhân lực y tế hiện nay đã rất thiếu thì nay lại đối đầu với tình trạng chảy máu chất xám trong nền kinh tế thị trường.

Nhiều bác sỹ đã sẵn sàng đền bù hàng chục triệu cho chi phí đào tạo để nghỉ việc và đầu quân đến các cơ sở y tế tư nhân với thu nhập cao, đẩy các cơ sở y tế công lập vào tình trạng khát nhân lực chất lượng cao, đặc biệt ở những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa. “Điều này dẫn đến sự suy giảm chất lượng khám chữa bệnh ở một số cơ sở y tế công lập, sự mất công bằng trong hưởng thụ CSSK của người dân giữa các vùng miền, các giai tầng trong xã hội” - Bà Hằng nói.

ĐB Nguyễn Văn Sỹ đề nghị Chính phủ cần sớm điều chỉnh lại tiêu chí hộ nghèo (vì mức 200.000đ/người/tháng ở nông thôn là quá thấp so với lạm phát hiện nay) để từ đó xác định lại hộ cận nghèo, chứ hiện nhiều hộ không thuộc diện cận nghèo (theo tiêu chí) không thể có điều kiện tham gia bảo hiểm y tế để được khám chữa bệnh.

Cùng suy nghĩ này, nhưng ĐB Triệu Thị Bình đưa ra một kiến nghị rất đáng chú ý: “Nên cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo có thời hạn từ 3 - 5  năm, góp phần xóa đói giảm nghèo một cách bền vững, giảm được chi phí in ấn thẻ và thuận lợi trong việc xác định đối tượng được cấp thẻ”.

Quang Đông